Bình đẳng giới không phải là điều gì cũng tạo điều kiện cho phụ nữ thể hiện

Bình đẳng giới không nhất thiết điều gì đàn ông làm được thì cũng tạo điều kiện cho phụ nữ thể hiện, cũng không phải là đàn ông phải chia sẻ gánh vác hết việc nhà thay vợ.

Dưới góc nhìn của mình, bà Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, bình đẳng giới không phải đàn ông cần thiết gánh vác hết việc nhà thay vợ.

Trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế đánh giá cao những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới của nước ta. Có thể nói, Việt Nam được xem là khá cởi mở về quan điểm bình đẳng giới. Có những dấu hiệu tích cực về vấn đề này, thể hiện rõ nhất ở giới trẻ.

Thế hệ Gen Z thậm chí còn không tin khái niệm “chồng chúa vợ tôi” đã từng tồn tại. Các cặp vợ chồng trẻ ngày nay đã biết phân công việc nhà cho công bằng và các chàng trai đã được mẹ giáo dục biết phụ giúp vợ.

Con trai tôi thường xuyên khoe vào nhóm gia đình những đĩa thức ăn rất đẹp do cháu nấu và trình bày. Tôi hỏi: “Sao con chiếm lãnh địa của vợ con hoài vậy?". Cháu trả lời "Giữa rửa bát và nấu ăn, con đã chọn nấu vì con không thích rửa bát ạ".

Tôi thở phào nhẹ nhõm vì các con mình đã cư xử với nhau rất công bằng và tự nguyện, một trong những dấu hiệu của hạnh phúc. Tuy nhiên, ở những tỉnh thành khác thì sự bình đẳng giới dường như vẫn chưa tiến bộ rõ nét.

Bình đẳng giới không nhất thiết điều gì đàn ông làm được thì cũng tạo điều kiện cho phụ nữ thể hiện; cũng không phải là đàn ông cần chia sẻ gánh vác hết việc nhà thay vợ. Tôi thích chữ "công bằng" hơn bởi người chồng quá tập trung cho sự nghiệp thì cần gánh vác việc thuộc về kỹ năng hay sức vóc của đàn ông là đủ, miễn không phó mặc cho phụ nữ.

Những chính sách để thúc đẩy sự bình đẳng giới hay như cách chúng ta vừa nhìn nhận là "công bằng giới" có thể liệt kê vài gợi ý. Cụ thể, mức lương ngang nhau giữa nam và nữ; những quy định để ông bố học cách chăm sóc và nuôi dạy con cái; không nên bắt buộc nữ sinh mặc áo dài đi học mà được mặc quần tây áo sơ mi như nam; khuyến khích nữ giới tham gia lĩnh vực công nghệ; không nuôi dạy bé gái phải hy sinh cho chồng con, phải có trách nhiệm hầu hạ chăm sóc cả gia đình chồng mà chỉ nên làm điều đó vì tình yêu...

Theo tôi, nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới, đó là giáo dục. Trong đó, nam giới phải tôn trọng phụ nữ và trẻ em. Mẹ dạy con trai biết chia sẻ việc nhà, biết tự chăm sóc bản thân, không đòi hỏi chăm sóc, không gia trưởng áp đặt. Thứ đến, luật pháp nghiêm ngặt hơn và có đủ pháp lý bảo vệ phụ nữ. Đồng thời, giáo dục bé gái biết nói "không", biết tự bảo vệ, biết tìm kiếm sự bảo vệ và biết bênh vực bạn bè.

Đấu tranh cho nữ quyền là điều cần thiết. Tuy nhiên, giáo dục cho bé gái hiểu được những đặc quyền hợp pháp và hợp lý để các em biết tạo ra giới hạn cho bản thân. Từ đó, các em sẽ không thỏa hiệp với những hành vi xâm phạm hoặc bạo hành tinh thần và thể xác. Tự bảo vệ mình quan trọng hơn chờ đợi sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Nhiều người hỏi tôi làm sao để người phụ nữ tồn tại và phát triển trong thời đại số? Tôi cho rằng, luôn ý thức được việc không phát triển là tụt hậu, vì thế tôi không ngừng học tập. Chúng ta chỉ cần từ khóa là có thể tìm được lời giải nhanh chóng cho mọi vấn đề.

ChatGPT ra đời là một thuận lợi lớn cho việc học hỏi nhưng cũng là một thách thức vì nó sẽ làm thay khá nhiều việc của con người. Để tồn tại và không bị bỏ lại phía sau, bạn phải làm chủ được công nghệ, dù bạn là nam hay nữ.

Có nhiều người định kiến là phụ nữ thì không giỏi công nghệ và đây là lĩnh vực dành cho nam giới. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ có thành tựu về lĩnh vực công nghệ là một minh chứng, định kiến đó là không đúng. Phụ nữ đừng sợ hãi sự thay đổi của thế giới, đặc biệt là công nghệ. Bạn hãy tò mò, khám phá và hứng thú với công nghệ. Như vậy, tự khắc bạn sẽ biến được thách thức thành cơ hội.

Thực tế, bản thân tôi cũng từng bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống mà không có thời gian nhìn lại chính mình. Trước đây, tôi tự nhận mình là người phụ nữ mong manh, dễ vỡ. Từ nhỏ, được sống trong một gia đình đầy đủ vật chất, được mọi người yêu thương, cưng chiều. Tuy nhiên, tôi đã không có kỹ năng để nhận diện những bất trắc, những điều có thể khiến mình tổn thương.

Từ trải nghiệm cá nhân, tôi cho rằng, phụ nữ cần có kỹ năng để tìm thấy hạnh phúc cho chính mình, trong đó quản lý tài chính là vô cùng quan trọng. Người phụ nữ đừng vì thương yêu chồng con mà lúc nào cũng hy sinh, cũng lao vào kiếm tiền. Phụ nữ hãy biết yêu thương và trân trọng chính mình, hãy biết cách quản lý tài chính gia đình để mình không rơi vào bế tắc, hẫng hụt. Đó mới là người phụ nữ khôn khoan.

Cá nhân tôi, khi ngoài 40 tuổi mới ngộ ra và bắt đầu thay đổi bản thân mình. Phụ nữ cũng giống như một cây đàn mà người chồng chính là nhạc công. Nếu cây đàn vào tay người chơi đàn giỏi thì tiếng đàn sẽ hay và ngược lại.

Tôi nghĩ, việc người phụ nữ thiếu kỹ năng khiến cho họ không biết làm cách nào để đo lường được giới hạn của mình. Nếu trong những gia đình có chồng là người gia trưởng, vũ phu thì người phụ nữ càng cam chịu càng thiệt thòi. Khi ấy, họ sẽ khó thoát ra được cái bóng của mình cũng như những bế tắc đang gặp phải. Vậy nên, người phụ nữ hãy luôn trang bị kỹ năng cho mình. Khi có kỹ năng, ta sẽ sống tốt hơn, biết tự bảo vệ chính mình. Bình đẳng giới trong gia đình đôi khi bắt đầu từ chính ý thức của người trong cuộc như thế.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên là nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu, 1 trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do Forbes Việt Nam bình chọn.

Bà làm việc trong lĩnh vực giáo dục 30 năm ở cả ba vai trò giáo viên, chuyên viên đào tạo và chủ doanh nghiệp giáo dục InnEdu, chuyên về STEAM.

Chuyên gia Diễm Quyên đồng thời là giảng viên của các chương trình về đổi mới sáng tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giám khảo các cuộc thi giáo viên sáng tạo cấp địa phương và quốc gia. Bà từng đào tạo và tập huấn cho hơn 60 nghìn lượt lãnh đạo giáo dục và giáo viên tại hơn 40 tỉnh, thành về các kỹ năng liên quan đến STEAM, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, các phương pháp dạy học sáng tạo và tạo động lực tích cực cho học sinh.

Năm 2014, bà tham gia Diễn đàn Giáo dục toàn cầu tại Tây Ban Nha, cũng là người Việt Nam đầu tiên được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo (Microsoft Innovative Educator Expert Fellow). Tháng 10/2020, InnEdu do bà sáng lập trở thành đối tác đào tạo toàn cầu đầu tiên của Microsoft tại Việt Nam.

Tô Thụy Diễm Quyên

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/binh-dang-gioi-khong-phai-la-dieu-gi-cung-tao-dieu-kien-cho-phu-nu-the-hien-246532.html