Trường đại học nào đang đào tạo ngành Thiết kế vi mạch?

Thiết kế vi mạch là ngành được đánh giá nhiều kiến thức khó, nhưng vẫn thu hút nhiều bạn trẻ khối tự nhiên quan tâm.

Thiết kế vi mạch là ngành học chuyên đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong công nghiệp công nghệ cao (hi-tech industry) để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao trên thế giới.

Ngành Thiết kế vi mạch là ngành học khá mới ở nước ta. (Ảnh: Hoàng Vinh)

Dưới đây là thông tin tuyển sinh của một số trường có đào tạo Thiết kế vi mạch, bạn có thể tham khảo thêm để có cho mình sự lựa chọn phù hợp nhất.

Đại học Bách khoa Hà Nội

Đại học Bách khoa Hà Nội đang đào tạo một số ngành liên quan đến lĩnh vực Thiết kế vi mạch như: Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Vật lý kỹ thuật, Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano. Năm 2023, ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển của những ngành học này dao động từ 24,28 - 26,26 điểm.

Năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển sinh các ngành học này theo 3 phương thức: xét tuyển tài năng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi đánh giá tư duy.

Hiện nhà trường chưa đưa ra mức học phí đối với năm học 2024 - 2025, nhưng ở năm học cũ nhà trường quy định mức học phí với ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông dao động 26 - 29 triệu đồng/năm; ngành Vật lý kỹ thuật, Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano dao động 23 - 26 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội)

2024 là năm đầu tiên trường Đại học Khoa học và Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn.

Chương trình đào tạo của nhà trường hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp. Nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.

Nhà trường dự kiến tuyển sinh ngành học này theo 4 phương thức: xét kết quả thi đánh giá năng lực, xét học bạ kết hợp phỏng vấn, xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)

Từ năm 2024, trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) sẽ mở thêm ngành Vi điện tử để cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực Vi mạch bán dẫn. Ngành này chủ yếu ưu tiên xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh riêng.

Trước đó, ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông cũng có đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch. Năm ngoái, nhà trường lấy mức điểm chuẩn trúng tuyển đối với ngành học này là 24,05 điểm (A00; A01).

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng)

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) vừa công bố phương hướng tuyển sinh năm 2024. Đây là năm đầu tiên nhà trường mở ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Để thu hút thí sinh đăng ký ngành này, nhà trường đã quyết định cấp học bổng 50 - 100% học phí trong năm đầu tiên dành cho thí sinh đạt 24 điểm thi tốt nghiệp trở lên, theo tổ hợp xét tuyển.

Nhà trường dự kiến tuyển sinh ngành học này theo 4 phương thức: xét tuyển thẳng, xét kết quả thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM)

Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch thuộc ngành Kỹ thuật máy tính. Năm 2023, ngành học này lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 25,4 điểm (A00; A01).

Ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT, chuyên ngành này còn xét tuyển theo 3 phương thức khác: xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM, xét chứng chỉ quốc tế. Nhà trường quy định mức học phí với chuyên ngành này ở năm trước là 33 triệu đồng/năm.

Anh Anh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/truong-dai-hoc-nao-dang-dao-tao-nganh-thiet-ke-vi-mach-ar866730.html