Đề xuất hạ chuẩn để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Dự báo năm học 2024-2025, cả nước vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt với những môn học mới đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã đưa ra giải pháp hạ chuẩn tuyển dụng giáo viên với hy vọng tuyển thêm được 10.000 giáo viên.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Năm học mới tiếp tục thiếu giáo viên

Năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non thiếu gần 52.000 giáo viên, tiểu học thiếu trên 33.000 giáo viên, trung học cơ sở thiếu hơn 19.300 giáo viên, bậc trung học phổ thông thiếu gần 14.000 giáo viên.

Thống kê cũng cho thấy, các tỉnh, thành trên cả nước đều trong tình trạng không đủ nhân lực đứng lớp cho ngành giáo dục và đào tạo. Thiếu nhiều nhất là Hà Nội, với trên 14.000 giáo viên. Tiếp đến là TPHCM, thiếu trên 9.000 giáo viên. Nghệ An thiếu gần 7.800 giáo viên. Thanh Hóa thiếu gần 5.000 giáo viên.

Đến năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT dự báo cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ. Với cấp THCS, môn công nghệ thiếu 11.598 giáo viên, môn khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên, môn nghệ thuật thiếu 4.321 giáo viên.

Trước tình trạng này, Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình đến năm 2026. Theo đó, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022-2026.

Tuy nhiên, các địa phương vẫn không tuyển đủ số giáo viên theo biên chế được giao. Một trong những nguyên nhân khiến các địa phương chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao bổ sung, theo Bộ GD&ĐT, là thiếu nguồn tuyển dụng, nguồn tuyển dụng không đáp ứng yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Sinh viên sư phạm đổi nghề để có thu nhập cao

Một thực tế từ các trường đào tạo sư phạm trên cả nước là tình trạng sinh viên tốt nghiệp ĐH Sư phạm hoặc cử nhân đào tạo chuyên ngành các môn tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật, công nghệ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, thường có xu hướng làm các công việc khác có thu nhập cao hơn.

Hà Nội là một trong những địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất, với hơn 16.000 biên chế trong năm học 2023-2024

Hà Nội là một trong những địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất, với hơn 16.000 biên chế trong năm học 2023-2024

Do đó, việc tuyển dụng, hợp đồng những giáo viên các môn đặc thù có trình độ cử nhân theo quy định về chuẩn trình độ đào tạo rất khó khăn. Số lượng sinh viên đào tạo để dạy các môn học mới ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Điều này dẫn tới tình trạng thừa/thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở trong triển khai các nhiệm vụ giáo dục, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của một bộ phận trẻ em, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục và gây ra sự quá tải đối với giáo viên.

Trước tình trạng này, Bộ GD&ĐT đang đề xuất hạ chuẩn tuyển dụng giáo viên với nhận định, cần thiết tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng Sư phạm hoặc tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Sư phạm, nhằm bảo đảm đủ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các môn học trên.

Thực tế, tại các địa phương, số lượng người có bằng cao đẳng đáp ứng yêu cầu trên còn nhiều nhưng chưa được tuyển dụng vì không đáp ứng chuẩn trình độ được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.

Cần khoảng 400 tỉ đồng để nâng chuẩn giáo viên

Bộ GD&ĐT cho rằng, việc hạ chuẩn đào tạo giáo viên nêu trên nếu được Quốc hội thông qua sẽ không làm phát sinh thêm biên chế, đảm bảo phù hợp với quy định về tinh giản biên chế do việc tuyển dụng sinh viên/giáo viên có trình độ Cao đẳng được các địa phương triển khai thực hiện tuyển dụng trong tổng số biên chế được giao theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương.

"Dự kiến khi thực hiện chính sách trên, các địa phương sẽ tuyển dụng được khoảng 10.000 giáo viên các môn học này để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018", Bộ GD&ĐT nêu.

Về kinh phí để đào tạo nâng chuẩn giáo viên có trình độ Cao đẳng lên ĐH, Bộ GD&ĐT dẫn quy định của Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD&ĐT.

Theo đó, mức học phí đào tạo trình độ ĐH trong giai đoạn 2024-2030 bình quân là 1,79 triệu đồng đối với trình độ đào tạo chính quy và 2,7 triệu đồng đối với trình độ vừa làm vừa học.

Bộ GD&ĐT cũng dự kiến, có 50% số giáo viên đào tạo trình độ chính quy và 50% số giáo viên đào tạo trình độ vừa học vừa làm và thời gian đào tạo bình quân thực tế là 15 tháng, tổng kinh phí cần là 400 tỉ đồng trong 7 năm (từ năm 2024 đến 2030) do ngân sách địa phương đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.

Bài, ảnh: Thu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-xuat-ha-chuan-de-giai-quyet-tinh-trang-thieu-giao-vien-20240517163203308.htm