Thi nhau cho học tiền tiểu học, nếu không đúng cách, vào lớp 1 trẻ sẽ chán học

PGS.TS Trần Thành Nam: 'Học tiền tiểu học với mục đích nhằm dạy trước kiến thức hoàn toàn không phù hợp với quy luật phát triển của trẻ'.

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hiện trên các trang mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm về tiền tiểu học thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh, có nhóm lên đến 30 - 60 nghìn hội viên.

Tại các nhóm này, chủ yếu là các bài đăng quảng cáo về lớp học tiền tiểu học cho học sinh đang chuẩn bị vào lớp 1 với nhiều hình thức như gia sư một kèm một, học nhóm 3 - 4 học sinh, hoặc lớp đông từ 10 học sinh. Bên cạnh đó là những bài đăng tìm kiếm gia sư, giáo viên cho con của các bậc phụ huynh thu hút nhiều sự tương tác.

Nhiều hội nhóm về tiền tiểu học thu hút sự quan tâm của phụ huynh. Ảnh: Chụp màn hình

Chị Nguyễn Thị Nhàn (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đến tháng 9 này con chị sẽ bắt đầu vào lớp 1, gia đình rất lo lắng vì nhiều phụ huynh xung quanh đã lập nhóm 4 - 5 bạn để thuê giáo viên dạy kèm trẻ đọc, viết và làm toán.

“Thấy các mẹ khác cho con đi học như vậy nên tôi cũng không để con thua thiệt. Hai tháng nay, tôi đã thuê gia sư kèm chữ và toán cho cháu vào 2 buổi tối/tuần.

Những tối không học gia sư thì tôi và chồng thay phiên nhau ngồi học cùng con. Hai vợ chồng và con cứ như “đánh vật” với những con chữ. Tôi tính từ nay đến tháng 9 sẽ phải tăng số buổi học với gia sư cho con, để con có thể nắm trước chương trình, đọc thông viết thạo”, chị Nhàn chia sẻ.

Học tiền tiểu học không phải là học trước chương trình

Nhiều bậc phụ huynh vẫn luôn nghĩ rằng, lớp tiền tiểu học là cho con học trước chương trình, đến lớp là học viết, học tính toán. Bố mẹ luôn có tâm lý nếu không cho con đi học trước thì khi vào lớp 1 con sẽ thua kém bạn bè.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây là một quan điểm sai lầm, nếu tổ chức học tiền tiểu học với mục đích nhằm dạy trước kiến thức hoàn toàn không phù hợp với quy luật phát triển của trẻ.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Thứ nhất, trước khi vào lớp 1, nếu phụ huynh đã ép con học, trẻ sẽ cảm thấy việc học căng thẳng, khó khăn. Điều này tạo cảm giác tiêu cực cho trẻ, khiến trẻ không thích việc học dẫn đến không đạt kết quả tốt trong học tập.

Thứ hai, đối với trẻ 5 tuổi, các con có thể nhận biết được mặt số, mặt chữ cái nhưng về mặt thể trạng, vận động tay cầm của trẻ chưa đạt độ cứng để có thể cầm bút và viết thành thạo. Nếu lúc này, trẻ bị ép cầm bút, viết trong một thời gian dài, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất.

Ngoài ra, nếu dạy trước chương trình thì khi vào lớp 1, trong học kỳ đầu tiên, những điều cô dạy trên lớp trẻ đã biết, dẫn đến trẻ sẽ cảm thấy nhàm chán, không tập trung vào bài học, có thể quậy phá trong lớp. Trường hợp xấu là trẻ sẽ bị thầy cô “dán nhãn” học sinh cá biệt, đây cũng là thiệt thòi cho các con.

Cùng quan điểm, cô Tô Thụy Diễm Quyên - Chuyên gia giáo dục cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng có nhiều phụ huynh vẫn mong muốn con học sớm sẽ giỏi hơn các bạn, nên họ tranh thủ cho con học trước.

Ngày 28/6/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1.

Theo đó, Chỉ thị yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo: “chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các trường tiểu học, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp 1, không cho trẻ học trước chương trình lớp 1; nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1”.

Nhất là tại các thành phố lớn, hầu như trẻ vừa vào lớp 1 đã biết đọc, biết viết thành thạo. Những trẻ nào có bố mẹ tuân thủ quy định của Bộ thì vô tình con lại bị thiệt thòi.

Cô Quyên bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Mỗi giai đoạn phát triển của một đứa trẻ sẽ phù hợp với định hướng giáo dục khác nhau, phù hợp với lứa tuổi đó. Không nên “ép chín” trẻ quá sớm”.

Có phụ huynh và giáo viên bắt ép, “đe nẹt” trẻ phải viết đúng, phải tính toán được, đọc thông viết thạo ngay,... quan điểm như vậy là sai về mặt giáo dục. Điều này sẽ khiến trẻ bị “sốc”, hụt hẫng, sợ việc học và ảnh hưởng đó có thể theo trẻ suốt quãng đường học tập về sau.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên cho hay, giai đoạn tiền tiểu học là “giai đoạn vàng” phát triển về thể lực cho trẻ, phát triển về năng lực tư duy, rèn cho trẻ phong cách học tập và giúp trẻ cảm thấy thích thú với việc tự học.

Nếu suốt ngày ép trẻ ngồi vào bàn học sẽ đánh mất “thời gian vàng” để con có thể phát triển thể chất và năng lực tư duy.

Phụ huynh phải bỏ quan niệm lớp tiền tiểu học là lớp học trước chương trình. Đây là giai đoạn tập làm quen với chữ cái, dạy cho trẻ phong cách học tập, tính kỷ luật, nghiêm túc trong học tập và đặc biệt là tạo động lực, khao khát cho trẻ trong học tập, hứng thú, tò mò với việc học.

Cần “trang bị” cho trẻ những kiến thức gì khi bước vào lớp 1?

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, lớp tiền tiểu học cần thiết để chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào lớp 1 nhưng không phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt kiến thức và học lực.

Tiền tiểu học là chuẩn bị cho con về mặt kỹ năng xã hội, cảm xúc và tâm lý trước khi bước sang một môi trường mới, không có sự chú ý thường xuyên của người thân và các thầy cô như ở môi trường mẫu giáo. Đây là giai đoạn rèn nếp dần cho trẻ, để trẻ thích nghi chuyển từ giai đoạn “non nớt” 5 tuổi lên lớp 1.

“Cần chuẩn bị những kỹ năng để con thích ứng với môi trường mới ở lớp 1 - độc lập hơn, yêu cầu phải làm chủ được hành vi tốt hơn, phải có khả năng tập trung chú ý, làm theo chỉ dẫn trong một khoảng thời gian đủ lâu để tiếp thu được kiến thức. Nếu như các con vẫn giữ nếp mầm non, chạy ra khỏi chỗ trong giờ học, nói chuyện vui đùa trong lớp, các con không tập trung chú ý thì sẽ không học được”, thầy Nam nhấn mạnh.

Ở mẫu giáo, mỗi lớp học khoảng 20 - 25 trẻ với 2-3 giáo viên quan sát và chăm sóc nhưng khi lên lớp 1 mọi thứ khác hoàn toàn. Một lớp học có 40 - 60 em nhưng chỉ có 1 giáo viên duy nhất bao quát lớp, điều này đòi hỏi trẻ phải tự lập hơn rất nhiều. Phụ huynh phải đảm bảo được cho trẻ sẵn sàng về kỹ năng, ngôn ngữ và giao tiếp.

Theo thầy Nam, trẻ phải nói được những cảm xúc và những yêu cầu của mình, con phải có một số kỹ năng tự lập như vệ sinh cá nhân, kiểm soát hành vi, tự lo được cho cá nhân thì sẽ thích ứng và có tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ của lớp 1.

Phụ huynh cần chuẩn bị về mặt cảm xúc cho trẻ để trẻ không cảm thấy quá lo lắng, sợ hãi khi bày tỏ những mong muốn cá nhân trước tập thể, trẻ không hờn dỗi, không tự nhiên khóc lóc như ở lớp mầm non.

Đặc biệt, phải dạy và rèn cho trẻ khả năng duy trì tập trung, ít nhất là trong 35 phút - thời gian một tiết của lớp 1 để trẻ có thể học tập hiệu quả. Giáo viên có thể cho trẻ giải lao một lần ở giữa giờ bằng hoạt động thể chất ngắn, thời gian còn lại cần phải tập luyện cho con có khả năng tập trung.

“Nếu như theo quan điểm, lớp tiền tiểu học để chuẩn bị sẵn sàng cho việc đi học của trẻ thì đây lại là lớp vô cùng cần thiết. Đây sẽ là một cách thức để sàng lọc trẻ, một số trẻ có những khó khăn đặc biệt và giáo viên cần ý thức được những khó khăn đặc biệt đó, giúp trẻ cải thiện và hòa nhập với các bạn.

Với sự hỗ trợ kịp thời và đúng lúc thì khi vào lớp 1, đứa trẻ ấy không bị bỏ lại phía sau. Lớp tiền tiểu học không phải chỉ dạy trẻ mà còn phải phát hiện điểm yếu của trẻ để trong giai đoạn trước khi vào lớp 1, giáo viên kết hợp cùng với phụ huynh giúp con cải thiện trở nên tốt hơn”, thầy Nam cho biết thêm.

Khơi gợi hứng thú học tập cho trẻ

Đối với trẻ 5-6 tuổi chuẩn bị bước vào lớp 1, cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, cần cho trẻ tiếp xúc với chữ cái và con số nhưng tiếp xúc ở mức độ nhận biết, không nên bắt trẻ ghép vần, hay phải đọc thông viết thạo hay tính toán vào thời điểm này.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, tiền tiểu học là “giai đoạn vàng” để khơi gợi hứng thú, giúp trẻ chủ động với việc học. Ảnh: giaoduc.net.vn

Nên cho trẻ nhận biết và chơi với chữ cái và số, để trẻ cảm thấy thích thú, hứng thú với trò chơi. Lớp mầm non cũng đã cho trẻ nhận biết mặt chữ, số và làm các phép tính đơn giản trong phạm vi 10 bằng các trò chơi đơn giản.

Khi về nhà, phụ huynh muốn ôn luyện thêm có thể đặt ra nguyên tắc cho con là mỗi ngày trẻ sẽ bỏ ra 15 phút để ôn lại những gì cô dạy, điều này sẽ rèn dần cho trẻ phong cách học tập. Khi trẻ quen thời lượng học 15 phút, phụ huynh có thể nâng thời gian học của con lên 20 phút và dần tạo cho trẻ sự tập trung trong thời gian dài khi con học lớp 1.

“Gắn kết những hình thức học tập như vậy lại với nhau, là chúng ta đã giáo dục trẻ tính tự chủ tuyệt đối trong cả chăm sóc bản thân, trong việc học tập và cả những vấn đề khác trong xã hội”, cô Quyên nhận định.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho hay, nhiều phụ huynh lo lắng, sợ rằng con của mình không có đủ khả năng nhận diện được mặt số, hay mặt chữ cái như các bạn khác, thiếu hụt kiến thức. Thực tế những điều này phụ huynh hoàn toàn có thể dạy cho trẻ ngay trong chính cuộc sống hàng ngày. Nhưng làm với thái độ rất vui vẻ, biến việc học trở thành trò chơi, thì trẻ sẽ có hứng thú học tập.

Ví dụ việc dạy con về chữ cái, cha mẹ đừng có bắt con phải ngồi một chỗ, bắt con phải cầm bút viết và mình ngồi bên cạnh giám sát, điều này khiến con trẻ sợ hãi. Có thể cho trẻ chơi trò chơi liên quan đến chữ và số.

Hay dạy cho trẻ về toán, phụ huynh có thể liên hệ tới các tình huống trong cuộc sống. Nhờ con phụ giúp việc gia đình như là: “Hôm nay con giúp mẹ sắp mâm cơm, nhà mình có 5 người, con đếm cho mẹ 5 cái bát, 10 chiếc đũa”. Phụ huynh tạo ra các tình huống thực tế như vậy cũng là cách dạy toán cho trẻ.

“Lồng ghép bài học trong các tình huống thực tế từ cuộc sống sẽ mang cảm giác gần gũi, vui vẻ cho trẻ. Không nên bắt trẻ đến lớp rồi ngồi luyện viết chữ, luyện làm toán một cách máy móc khi còn quá sớm”, thầy Nam nhận định.

Còn theo cô Quyên, trong quá trình học tập, mỗi đứa trẻ sẽ có những phong cách học tập khác nhau, phụ thuộc giai đoạn phát triển và năng lực tư duy, sự thông minh của từng bé. Có bạn thông minh về ngôn ngữ, có bạn thông minh về âm thanh, có bạn thông minh về thị giác,...có bạn vận động trong lúc học tập sẽ hiệu quả hơn.

Do đó, bố mẹ và thầy cô nên cho trẻ nhiều trải nghiệm khác nhau để thấy được trẻ phù hợp với phong cách học tập nào. Có thể chia thành những nhóm trẻ có cùng phong cách học tập để giao nhiệm vụ, bài tập, hoặc mang đến những trải nghiệm phù hợp với phong cách học tập của trẻ, như vậy hiệu quả học tập sẽ cao hơn.

Tiền tiểu học là “giai đoạn vàng” để khơi gợi hứng thú, giúp trẻ chủ động với việc học, đặc biệt là tạo cho trẻ tính kỷ luật với bản thân trong học tập. Khi rèn được những đặc điểm, tính cách này, con đường học tập của trẻ sau này sẽ dễ dàng hơn, đơn giản hơn.

Thùy Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-nhau-cho-hoc-tien-tieu-hoc-neu-khong-dung-cach-vao-lop-1-tre-se-chan-hoc-post242401.gd