Báo động tình trạng lộ lọt dữ liệu thông tin cá nhân

Hơn 17 triệu dữ liệu thông tin cá nhân trên cả nước đã bị một nhóm đối tượng thu thập, mua bán nhằm thu lợi bất chính cho thấy tình trạng lộ, lọt dữ liệu thông tin cá nhân ở nước ta đang ở mức báo động. Liên quan đến đường dây tội phạm này, mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố bị can đối tượng Mạch Thị Nga (1993, trú tỉnh Thanh Hóa) và Mạch Thị Mỵ (1996, em gái Nga) để điều tra về hành vi: 'Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản' và hành vi 'Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác'.

Công an tỉnh Quảng Bình thực hiện lệnh bắt 1 đối tượng trong đường dây tội phạm thu thập, mua bán hơn 17 triệu dữ liệu thông tin cá nhân trên cả nước.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình tiếp tục phối hợp Công an các địa phương mở rộng điều tra để xử lý các đối tượng liên quan đến đường dây mua bán dữ liệu cá nhân. Bước đầu cơ quan điều tra xác định, các đối tượng đã triệt để lợi dụng sơ hở của các tổ chức, công ty, cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ thông tin cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, các đối tượng đã thu thập trái phép hàng nghìn khách hàng có hồ sơ vay vốn tín dụng ở ngân hàng. Sau đó, chúng dùng các thông tin này để thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách gọi điện thoại cho khách hàng đề nghị nâng cấp sim điện thoại. Khi khách hàng cung cấp số seri sim đang sử dụng, mã OTP, các đối tượng sẽ nhập mã seri vào sim trắng… Sau khi chiếm được quyền truy cập sim điện thoại, các đối tượng khôi phục lại mật khẩu đăng nhập tài khoản internet banking liên kết với sim để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Từ đây, chúng có thể thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt trái phép hàng tỷ đồng của nạn nhân.

Từ tháng 8-2021 đến khi bị bắt, ổ nhóm này đã thu thập trái phép hơn 17 triệu thông tin dữ liệu cá nhân trên phạm vi cả nước, theo các nhóm vùng, miền, chức danh, nghề nghiệp… để bán cho người khác nhằm thu lợi bất chính. Bước đầu, các đối tượng trong vụ án đã khai nhận, giá bán mỗi thông tin cá nhân chỉ 500 đồng/người. Dữ liệu khách hàng được chúng thống kê trên Excel, mỗi file trung bình chứa khoảng 5.000-6.000 thông tin khách hàng, giá trung bình 3 triệu đồng/file. Điều đáng nói, các đối tượng không những nắm bắt kỹ thông tin cá nhân mà còn biết được thời điểm thực hiện các giao dịch tại ngân hàng. Điều này chứng tỏ thông tin khách hàng đã bị lộ và chúng biết được tài khoản nào có tiền rồi đưa vào “tầm ngắm” để thực hiện hành vi lừa đảo.

Câu hỏi đặt ra là vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng đã nắm được thông tin khách hàng và hoạt động giao dịch với ngân hàng? Liệu có sự bắt tay “ngầm” giữa nhân viên các tổ chức tín dụng, công ty tài chính với các tội phạm công nghệ cao hay các đối tượng tìm cách xâm nhập vào mạng máy tính của các cơ quan, tổ chức để chiếm đoạt dữ liệu thông tin cá nhân rồi thực hiện hành vi mua bán nhằm trục lợi bất chính hoặc thực hiện hành vi phạm tội?

Được biết, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân trước các nguy cơ chiếm đoạt, xâm hại trái phép, năm 2021, Chính phủ đã đưa ra dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân để lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các tầng lớp nhân dân nhằm sớm hoàn thiện và ban hành. Trong khi chờ đợi việc ban hành khung pháp lý, hệ thống luật pháp, mỗi một cá nhân cần phải có ý thức trong việc bảo vệ thông tin cá nhân trước những nguy cơ bị rò rỉ, chiếm đoạt.

Q.B

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bao-dong-tinh-trang-lo-lot-du-lieu-thong-tin-ca-nhan-post272775.html