Bài toán giải quyết thiếu nước sinh hoạt mùa khô

Những tháng đầu năm 2024, tình hình hạn hán tại một số địa phương trong tỉnh diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trước cảnh báo nắng hạn còn tiếp tục kéo dài thời gian tới, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cùng phối hợp các địa phương có kế hoạch cấp nước để người dân chủ động trong việc tích trữ, tiết kiệm…

Thiếu hụt nguồn nước do nắng hạn

Do ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán, thời điểm này một số địa phương trong tỉnh như Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình… đang xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, sản xuất. Đơn cử tại huyện Tánh Linh, hiện nay ngoài diện tích gần 500 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, nguồn nước thô cung cấp cho hệ thống nước Đức Bình cạn kiệt, dẫn đến khoảng 30 hộ/150 khẩu thôn 4 vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu nước. Một số khu vực tại xã Đức Phú, Nghị Đức, Huy Khiêm ở địa hình cao thiếu nước từ công trình cấp nước nhỏ lẻ, giếng đào, giếng khoan 564 hộ/2.008 khẩu.

Một hệ thống cấp nước sinh hoạt tại Bình Thuận.

Từ thực tế khó khăn này, để phòng ngừa và khắc phục kịp thời, UBND huyện Tánh Linh cho biết, đối với các hộ thiếu nước sinh hoạt tại các xã Đức Phú, Nghị Đức, Huy Khiêm, Đức Bình, UBND các xã đã tuyên truyền, vận động người dân với tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ nguồn nước đối với các hộ lân cận để phục vụ sinh hoạt. Cùng với đó, vận động người dân đào ao, xây bể để tích trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí thất thoát nguồn nước trong điều kiện khô hạn. Mặt khác, nhân dân nên sử dụng nguồn nước đầu nguồn nước thô cấp cho các Nhà máy nước Đức Bình, Măng Tố, Suối Kiết, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm.

Theo UBND huyện Tánh Linh, hiện nay xã Nghị Đức được đầu tư 2 giếng khoan để cấp nước sinh hoạt phục vụ mùa khô, nhưng 2 giếng khoan chỉ có 1 đầu bơm, còn thiếu 1 đầu bơm và 2 bể chứa. Do đó địa phương kiến nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh xem xét, đề xuất hỗ trợ cấp bổ sung để đảm bảo cấp nước. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình nguồn nước thô cấp cho các nhà máy nước để đề xuất giải pháp đảm bảo nguồn nước, điều tiết, phân bổ nguồn nước hợp lý phục vụ nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng (áo trắng) trong 1 lần kiểm tra Nhà máy nước Tân Xuân (Hàm Tân).

Có kế hoạch cấp nước sinh hoạt mùa khô năm 2024

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, để phối hợp giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt mùa khô trên địa bàn tỉnh, trung tâm đã kiểm tra, rà soát và cập nhật vào kế hoạch cấp nước mùa khô năm 2024 các khu vực xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt; các phương án xử lý tình huống thiếu nước cục bộ. Từ đó đề xuất giải pháp để đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt mùa khô năm 2024 tại các công trình cấp nước (CTCN) do trung tâm quản lý. Song song, tiếp tục chủ động thông tin cho các địa phương và nhân dân về tình hình nguồn nước và kế hoạch cấp nước để người dân chủ động trong việc tích trữ nước. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương nơi có CTCN xảy ra tình trạng thiếu nước thời gian dài thực hiện phương án chở nước bằng xe bồn của Ban Quản lý công trình công cộng, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy – Cứu nạn cứu hộ địa phương từ các CTCN gần nhất đang có nguồn nước ổn định, tập kết tại các điểm lấy nước tập trung phù hợp để người dân thuận tiện trong việc lấy nước sử dụng.

Vận hành tại công trình cấp nước.

Ngoài việc giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt cấp bách tại huyện Tánh Linh và một số địa phương khác, hiện nay một trong những giải pháp lâu dài để giải quyết tình hình thiếu nước là việc đầu tư, nâng cấp mở rộng và tiếp nhận CTCN phục vụ cấp nước mùa khô 2024 và các năm tới. Theo ông Trần Văn Liêm – Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước trên địa bàn các xã Bình Tân, Sông Lũy, thị trấn Lương Sơn (Bắc Bình), trung tâm kiến nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (Ban QLDA Nông nghiệp) trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương và bố trí nguồn vốn để đầu tư Nhà máy nước Sông Lũy. Ngoài ra, cần tiếp tục xây dựng Nhà máy nước Suối Đá để bổ sung công suất, lưu lượng và áp lực cấp nước sinh hoạt cho các xã nằm xa hệ thống cấp nước sạch Hàm Thuận Bắc và chuyển tải lưu lượng bổ sung cho xã Hàm Đức, thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc); các xã, thị trấn thuộc TP. Phan Thiết như Thiện Nghiệp, Mũi Né và xã Hồng Phong (Bắc Bình) để nối mạng đường ống bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau giữa các khu vực cấp nước.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, đẩy mạnh xây dựng các công trình cấp nước hộ gia đình, nạo vét khơi thông giếng đào, giếng khoan, xây bể, bồn chứa nước để chủ động nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô đang diễn ra gay gắt. Các địa phương chủ động lập phương án cụ thể giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn. Thống kê số lượng người dân tại địa phương bị thiếu nước sinh hoạt, rà soát các đối tượng thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua nước sinh hoạt do ảnh hưởng của hạn hán, chủ động sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để kịp thời mua nước, hỗ trợ kinh phí cho nhân dân…

Theo tin Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ đầu tháng 3/2024 đến nay tổng lượng nước trên sông Lũy thấp hơn so trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 35,7%, thiếu hụt khoảng 25% so cùng kỳ năm 2023. Tổng lượng nước trên sông La Ngà thiếu hụt so TBNN khoảng 81%, thiếu hụt khoảng 56,5% so cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi đang ở mức trên 35% dung tích thiết kế. Cảnh báo dòng chảy thấp nhất mùa cạn có khả năng xảy ra vào nửa cuối tháng 4/2024.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bai-toan-giai-quyet-thieu-nuoc-sinh-hoat-mua-kho-117622.html