Khốc liệt vùng hạn mặn, thay đổi để thích ứng

Về miền Tây những ngày này, chúng tôi đều cảm nhận sự nỗ lực của chính quyền và người dân ở nhiều nơi trong vùng đang căng mình chống chọi với hạn mặn.

Cơn khát nước ngọt ở nhiều nơi thực sự đến thao thiết. Những chuyến xe tình nghĩa chở từng can, từng bồn nước ngọt của chính quyền, các nhà hảo tâm xa gần không quản ngày đêm chuyển đến bà con.

Xã Biển Bạch, Thới Bình( Cà Mau), dù người dân chủ động trữ nước mưa bằng lu nhưng cũng không đủ dùng cho sinh hoạt.

Các cuộc họp đột xuất, hội nghị , hội thảo bàn về hạn mặn liên tục được tổ chức. Tất cả đều chung một mong muốn, giúp người dân ở vùng hạn mặn giải tỏa được nỗi niềm thiếu nước ngọt trong cái nắng nỏng bỏng của thời tiết và sự khốc liệt của hạn hán đang bủa vây nhiều địa phương trong vùng...

Hạn mặn ngày càng khốc liệt

ĐBSCL trước đây đã từng là nơi mênh mông sông nước. Vào mùa lũ về, nước khiến ruộng đồng ngập lút cả nhà cửa. Nhưng ngay từ khi đó đã có những cảnh báo, nhất là việc các quốc gia thượng nguồn xây đập, chắn nước. Nguồn nước ngọt đổ về sẽ dần cạn kiệt. Và thực tế là sau những năm 2000, lũ về ĐBSCL ngày càng nhỏ dần và giờ đây gần như không còn.

Bộ đội Biên Phòng Sóc Trăng mang nước ngọt cho bà con.

Và hầu như năm nào các tỉnh trong vùng cũng xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn. Riêng mùa khô 2016, 10/13 tỉnh, thành trong vùng phải công bố thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn. Tổng thiệt hại lên đến 7.900 tỷ đồng. Khi đó cả hệ thống chính quyền và người dân phải trân mình đối diện. Và các năm tiếp theo, hạn mặn khi tăng khi giảm.

Người dân cũng dần thích ứng. Rất mừng là đi đến nhiều nơi thấy bà con ở các vùng khô hạn đều xây bể, làm lu để chứa nước ngọt dùng trong mùa khô hạn. Một số nơi, bà con còn đào ao, rồi thả lục bình để giữ nước ngọt.

Có rất nhiều đoàn từ thiện đến tặng nước ngọt cho bà con vùng hạn mặn

Chính quyền và các cơ quan quản lý thì tổ chức xây hồ, làm thủy lợi với hàng loạt công trình ngăn mặn, trữ ngọt. Tiêu biểu như công trình thủy lợi lớn nhất cả nước là cống Cái Lớn, Cái Bé được đưa vào sử dụng 2 năm qua đã góp phần làm cho một vùng rộng lớn ở Kiên Giang và Hậu Giang giảm hẳn nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Các nhà máy nước cung cấp nước được xây dựng lắp đặt tại xã, ấp ngày càng nhiều; đưa nước sạch về nông thôn trở thành một chương trình hành động của mỗi Đảng bộ và chính quyền địa phương với các bước đi và việc làm thiết thực. Góp phần quyết định đến sự đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân vào mùa khô hạn.

Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình hay, cách làm sáng tạo và sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thủy lợi giúp giảm thiểu khi mùa hạn mặn thì ở một vài nơi, việc đối phó, thích ứng với hạn mặn còn lúng túng và bị động. Nhất là những vùng đất từ lâu đã “ mặn hóa” để nuôi tôm, nuôi trồng thủy hải sản. Nước mặn bủa vây tứ bề, muốn có nước ngọt phải mua từ nơi khác về.

Người dân bơm nước vào cứu lúa ở Sóc Trăng

Rồi vùng cù lao, ốc đảo, nước sông mặn bao quanh, đành chơ vơ chịu trận. ĐBSCL cũng đã từng xảy ra tranh chấp” mặn ngọt” ở một vài địa phương. Giữ nước ngọt để trồng lúa; đưa nước mặn vào để nuôi tôm luôn là một bài toán khó giải tại ngay một địa bàn.

Một thực tế nữa chúng tôi quan sát thấy là nhiều người vẫn hy vọng vào nước ngầm để khoan giếng lấy nước ngọt. Do vậy vẫn canh tác, xuống giống bất chấp khuyến cáo sẽ thiếu nước vào mùa khô. Trong khi, nguồn nước ngầm cũng ngày một cạn kiệt, phải nối ống rất sâu cả trăm mét mới có nước. Có nơi, nước dưới ngầm cũng bị mặn, không thể cho sinh hoạt và dùng cho sản xuất.

Thay đổi để thích ứng

ĐBSCL hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức rất lớn. Đó là biến đổi khí hậu, nước biển dâng; khô hạn do thời tiết cực đoan gây nên với tần suất ngày càng dày. Thiếu nước ngọt nên mặn ở cửa biển, cửa sông vì thế cũng lấn sâu vào đất liền, theo các dòng sông, kênh rạch len lỏi vào nhiều nơi, nhiều vùng. Nhiều địa phương trong vùng vì thế vào mùa khô hạn lâm vào cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng, không chỉ cho sản xuất mà ngay cả trong sinh hoạt.

Nhiều cây ăn trái ở Tiền Giang bị rụng trái vì thiếu nước ngọt để tưới

Đó là chưa kể, các nước thượng nguồn và các quốc gia khác tiếp tục đắp đập, đào kênh, chặn dòng. Nước ngọt vì thế ngày càng trở lên khan hiếm. Dự báo cái khốc liệt của thiên tai, nhất là hạn mặn đang khiến cho vựa lúa của quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng. Vùng đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ mất mùa nếu không có sự thay đổi để thích ứng.

Do vậy, chiến lược để ĐBSCL thay đổi tiến tới thích ứng với hạn mặn, thiên tai đặt ra lúc này là vô cùng cấp thiết và hành động tương ứng. Theo đó, các địa phương, toàn vùng sẽ phải có những kịch bản trung hạn và dài hạn cho từng nhóm vấn đề về hạn mặn. Trong đó đi từ chi tiết, cụ thể đến tổng quan, chiến lược cho cả sản xuất và sinh hoạt.

Đối với vùng đã bị “mặn hóa”, xây dựng các nhà máy nước tập trung để cung cấp nước cho mùa khô. Vận động người dân dùng các phương pháp thủ công như xây bể, lu chứa nước ngọt để dùng. Ở các vùng còn lại thì khuyến khích người dân, cùng với lu, bể thì đào ao trữ nước. Tiếp tục chương trình đưa nước sạch về nông thôn với các chương trình dự án cụ thể, hiệu quả. Tránh để tình trạng xây nhà máy xong rồi, để chọi lỏi, không hoạt động.

Sụt lún do khô hạn ở U Minh Thượng, Kiên Giang.

Trong sản xuất, tìm ra các giống cây trồng vật nuôi phù hợp với mùa khô hạn; thích ứng được với mặn. Hạn chế tối đa việc khoan giếng để lấy nước ngầm cho sản xuất vì nếu quá đà sẽ cạn kiệt và gây sụt lún đất. Các công trình thủy lợi nội đồng, nội vùng xây dựng nhiều thêm với đầy đủ tính năng linh hoạt, mặn thì đóng, ngọt thì mở. Việc xây dựng cầu đường, kết cấu hạ tầng kỹ thuật gắn với yếu tố thủy lợi và chống biến đổi khí hậu. Cầu cũng là cống, có thể đóng mở được chính là đạt được mục tiêu kép.

Rõ ràng, ĐBSCL là trung tâm nông nghiệp lớn nhất cả nước. Trong bối cảnh thế giới bất ổn về chiến tranh xung đột có dấu hiệu ngày càng lan rộng, thiên tai ngày càng khốc liệt, nông nghiệp nhiều năm qua và tiếp tục vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế của cả nước.

Do vậy, đầu tư tập trung về cơ sở hạ tầng, thủy lợi; nhất là các công trình thích ứng với hạn mặn ở ĐBSCL vẫn đặc biệt cần thiết không chỉ lúc này mà cho cả mai sau. Điều này, không chỉ nhờ sự nỗ lực của chính quyền và người dân trong vùng; mà cần sự chung tay của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và người dân cả nước.

Bùi Trọng Điển/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khoc-liet-vung-han-man-thay-doi-de-thich-ung-post1092116.vov