Áp xe gan: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

Áp xe gan là do tổ chức tế bào gan bị phá hủy tạo thành ổ mủ ở gan dẫn đến sự hình thành của một ổ đơn độc hoặc nhiều ổ mủ rải rác.

1. Nguyên nhân của áp xe gan

Gan là cơ quan quan trọng trong cơ thể con người, có chức năng dự trữ năng lượng, tạo ra protein và thải trừ những chất gây hại cho cơ thể. Áp xe có thể to hoặc nhỏ, là một bệnh rất nguy hiểm vì gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho con người.

NỘI DUNG

1. Nguyên nhân của áp xe gan

2. Triệu chứng của bệnh áp xe gan

3. Áp xe gan có lây không?

4. Phòng bệnh áp xe gan

5. Cách điều trị áp xe gan

Nguyên nhân áp xe gan có thể do vi khuẩn, ký sinh trùng gây ra. Ở các nước phát triển, nguyên nhân do vi khuẩn chiếm tỷ lệ hàng đầu. Nhưng nhìn chung trên toàn thế giới, áp xe gan do ký sinh trùng là amip lại là nguyên nhân phổ biến nhất.

Vi khuẩn và ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể gây áp xe gan theo đường máu và đường bạch huyết.

Các loại vi khuẩn và ký sinh trùng đều tổn tại trong các ổ nhiễm khuẩn như mụn, nhọt, các áp xe cơ, áp xe phổi,...

Ngoài ra, áp xe gan cũng có thể do vi sinh vật đi ngược theo đường mật vào gan gây nhiễm khuẩn khu trú gọi là áp xe gan đường mật.

Gan là cơ quan quan trọng trong cơ thể con người.

2. Triệu chứng của bệnh áp xe gan

Khi bị áp xe gan người bệnh sẽ có những biểu hiện sau:

Người bệnh có biểu hiện sốt cao kèm rét run: Sốt 39°C - 40°C trong giai đoạn cấp tính của bệnh, sau đó sẽ giảm xuống và kéo dài.
Đau tức hạ sườn phải: Đây là biểu hiện do gan bị sưng to, nếu ổ áp xe to cấp tính thì đau lan xuống vùng thượng vị hoặc toàn bộ vùng bụng.
Cảm giác căng tức, nặng vùng hạ sườn phải: Do gan sưng to, đẩy cơ hoành lên cao nên bệnh nhân có cảm giác này và có khi sẽ gây ho và ho.
Ngoài ra, còn có các biểu hiện như: Buồn nôn và nôn; Chán ăn, sụt cân; Vã mồ hôi nhiều; Vàng da... Ấn kẽ sườn 11- 12 đau khi thăm khám lâm sàng.

Khi người bệnh có các triệu chứng trên sẽ được bác sĩ cho làm những xét nghiệm như:

Xét nghiệm máu để tìm dấu tăng bạch cầu, thiếu máu đẳng sắc nhẹ hồng cầu bình thường. Xét nghiệm tốc độ lắng máu.
Xét nghiệm chức năng gan: ALP tăng, Albumin giảm, men gan tăng, bilirubin tăng. 50% trường hợp áp xe gan sẽ cho kết quả cấy máu dương tính.
Xét nghiệm phân chứa trứng hay thể tư dưỡng của histolytica. Nếu nghi ngờ nhiễm histolytica, làm thêm xét nghiệm huyết thanh.
Chụp X-quang ngực thẳng có hình ảnh vòm hoành bên phải nâng cao, có xẹp phổi hay tràn dịch màng phổi. Siêu âm phát hiện ổ mủ trong gan.
Chụp cắt lớp vi tính là phương pháp chẩn đoán hữu hiệu nhất áp xe gan và các bệnh phối hợp. Nội soi mật tụy ngược dòng sẽ chỉ ra vị trí và nguyên nhân tắc nghẽn, cho phép đặt stent hoặc dẫn lưu.

Đau tức hạ sườn phải cảnh giác với bệnh áp xe gan.

3. Áp xe gan có lây không?

Áp xe gan là hiện tượng hình thành ổ mủ trong tổ chức gan do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng… Áp xe gan không phải là bệnh lây nhiễm nên không thể lây qua không khí hay tiếp xúc thông thường giữa người với người.

Áp xe gan do amip chủ yếu sẽ lan truyền qua đường phân miệng, bắt nguồn từ việc người bệnh ăn uống không hợp vệ sinh, sinh hoạt thiếu sạch sẽ. Do đó người bệnh sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn phải rửa tay sát khuẩn.

4. Phòng bệnh áp xe gan

Để phòng ngừa bệnh áp xe gan, mọi người cần thực hiện những điều sau trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày:

Thực hiện ăn chín uống sôi: Không ăn các loại thức ăn sống như nem, gỏi, tiết canh... Không uống nước chưa được đun sôi như nước lã ao, hồ, suối...
Không ăn rau sống chưa được rửa sạch.
Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Khi phát hiện trong cơ thể có ổ nhiễm khuẩn cần đi khám để được điều trị dứt điểm không cho vi khuẩn lây lan nhất là lây theo đường máu bởi nhiễm khuẩn huyết.
Khi nghi ngờ bị áp xe gan cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để có hướng điều trị kịp thời.

5. Cách điều trị áp xe gan

Hiện nay, hai phương pháp phổ biến để điều trị áp xe gan là điều trị nội - ngoại khoa kết hợp và nội khoa kết hợp dẫn lưu mủ qua da dưới siêu âm.

Điều trị nội khoa:

Thuốc kháng sinh
Các biện pháp hỗ trợ: nghỉ ngơi, ăn thức ăn nhẹ, dễ tiêu.
Điều trị nguyên nhân gây ra do ký sinh trùng:
Các thuốc diệt amip
Các thuốc diệt sán lá gan

Điều trị ngoại khoa:

Đối với ổ mủ nhỏ (<5cm), vị trí không nguy hiểm đa phần không cần can thiệp ngoại khoa.
Ổ mủ trên 5 cm tùy theo thời điểm và vị trí: khi ổ mủ hóa lỏng nhiều hoặc vị trí dễ vỡ.
Can thiệp tối thiểu bằng cách dẫn lưu áp xe dưới hướng dẫn của siêu âm sẽ được áp dụng trong trường hợp này: Bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ, rạch da với chiều dài vết rạch tầm 5mm, dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ điều trị sẽ đặt ống thông vào ổ áp xe gan nhằm dẫn lưu mủ ra ngoài.
Phẫu thuật cấp cứu trong trường hợp có các biến chứng viêm phúc mạc, áp xe dưới hoành, tràn mủ màng phổi, màng tim.

BSCKI Nguyễn Văn Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ap-xe-gan-nguyen-nhan-trieu-chung-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169240325111335024.htm