'Medical touch': Vị bác sĩ ở bệnh viện đó đã chạm tay vào ngực mẹ tôi

Nếu các bác sĩ chỉ dựa vào máy móc mà không thực sự khám cho bệnh nhân, có một xác suất lên tới 14% họ sẽ đưa ra các quyết định điều không tối ưu, thiếu chính xác hoặc thậm chí làm nặng thêm tình trạng bệnh.

"Mẹ muốn mổ ở bệnh viện nào?".

Khi tôi hỏi mẹ tôi, người vừa nhận chẩn đoán ung thư vú ở tuổi ngoài 50, bà nói rằng mình muốn phẫu thuật ở bệnh viện tuyến huyện. "Vị bác sĩ ở đó đã chạm vào khối u của mẹ", bà giải thích cho quyết định có phần cảm tính của mình.

Giống với bất kỳ bệnh nhân ung thư nào khác, những người từng không chấp nhận kết quả chẩn đoán ban đầu của mình, mẹ tôi đã đi khám ở 2 bệnh viện.

Bệnh viện thứ nhất là một bệnh viện tuyến huyện gần nhà, nơi bà đã phải nhận chẩn đoán đầu tiên. Bệnh viện thứ hai chuyên về ung bướu thuộc tuyến trung ương, là nơi mà chúng tôi tới vài ngày sau đó chỉ để tìm kiếm một cơ hội:

Có khi nào chẩn đoán ban đầu của mẹ tôi là sai hay không? Liệu có một tỷ lệ phần trăm dù rất nhỏ đó là sai lầm của máy móc, hay của các bác sĩ tuyến huyện? Rốt cuộc thì có đúng mẹ tôi đã mắc ung thư vú, một khối u được gọi là Ung thư biểu mô ống tuyến (DCIS)?

Những câu hỏi đó đưa chúng tôi đến hành lang của bệnh viện ung bướu lớn nhất thành phố, trải qua một loạt các xét nghiệm mà chúng tôi đã từng làm, siêu âm, xét nghiệm máu, sinh thiết, chụp cộng hưởng từ…

Mọi thứ cứ lặp đi lặp lại giống như "de javu". Mẹ tôi ngồi chờ đến lượt, bà được gọi vào phòng, những chiếc bóng áo trắng thấp thoáng đằng sau những cỗ máy y tế, bà đi ra, đi tới một căn phòng khác, lại ngồi chờ và rồi mọi thứ lại lặp lại.

Phải cho đến cuối ngày, vòng "de javu" ấy cuối cùng mới tan vỡ. Đó là lúc chúng tôi tới phòng của bác sĩ phẫu thuật. Vị bác sĩ mà chúng tôi gặp tại bệnh viện tuyến trung ương là phó trưởng khoa mà theo lời người giới thiệu, ông chính là vị bác sĩ có "bàn tay vàng" trong ngành phẫu thuật u vú, không chỉ tại bệnh viện đó, mà có lẽ của cả thành phố.

Tiếp chúng tôi trong phòng riêng, vị bác sĩ khoảng ngoài 50 tuổi, tóc đã bạc tới nửa đầu hỏi qua tôi một lượt quan hệ, dường như chỉ để "điều tra" xem tôi đã xin được số điện thoại cá nhân của ông từ đâu.

Trong lúc đó, ông tranh thủ lật qua một lượt các giấy tờ xét nghiệm rồi nói: "Của mẹ cậu chắc chắn là ung thư rồi. Phải phẫu thuật. Nếu hôm nay nhập viện thì đến cuối tuần sẽ có lịch mổ. Gia đình nên quyết định sớm".

5 phút là tổng thời gian chúng tôi ở trong phòng phó trưởng khoa, trước khi vị bác sĩ xin phép rời đi vì có việc bận. Đứng ở ngoài hành lang khu hành chính của bệnh viện, tôi hỏi mẹ nghĩ bác sĩ này thế nào, có muốn chọn ông ấy phẫu thuật hay không?

"Con thấy, ổng chỉ xem phim chụp, giấy xét nghiệm và nói rằng sẽ xếp lịch mổ sớm nhưng khả năng là phải đến tuần sau vì ông ấy rất bận. Mẹ thấy bác sĩ ở dưới huyện mình tận tình hơn".

Bản thân tôi cũng có thể cảm nhận được điều đó, sự khác biệt chính là thứ đã phá vỡ vòng "de javu" của 2 lần khám của mẹ tôi. Anh bác sĩ trẻ ở tuyến huyện, người được giới thiệu ở đoạn clip quảng cáo chiếu trên tivi ngoài hành lang bệnh viện là một bác sĩ tu nghiệp nước ngoài về.

Tôi không biết diễn tả phong thái của anh ta ra sao, ngoài 2 từ "ân cần" và "chuyên nghiệp". Đó là vị bác sĩ duy nhất, trong khoảng gần hai chục y bác sĩ chúng tôi gặp tại cả 2 bệnh viện, người với vội một đơn thuốc in lỗi từ máy in, lật mặt trắng đằng sau của nó lên và vẽ cho chúng tôi sơ đồ tuyến vú cùng vị trí khối u mà mẹ tôi đang mắc phải.

Anh ấy cũng là người duy nhất xin phép trước khi chạm tay vào ngực mẹ tôi, cẩn thận sờ nắn khối u của bà và giải thích rằng: "Ở nước ngoài, có quan điểm cho rằng bệnh của cô không hẳn là ung thư. Tiên lượng sống và khỏi hẳn lên tới 98%".

Đối với các bác sĩ khác, thứ mà mẹ tôi nhận được gần như chỉ là những mệnh lệnh: "Vén áo lên nào", "Là ung thư rồi cô nhé", "Sang tuần mới có lịch mổ".

Đến cuối cùng, vị bác sĩ phẫu thuật, người mà chúng tôi được giới thiệu qua quan hệ, cũng là người dự định sẽ phẫu thuật cho mẹ tôi, ông ấy thậm chí còn từ chối xem khối u khi mẹ tôi hỏi, liệu bà có cần cởi áo ra không?

"Dược tính trong tâm"

Đó là nhan đề một bài chia sẻ mà tôi từng đọc được của bác sĩ Phạm Nguyên Quý, bác sĩ điều trị tại Khoa Ung thư nội, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren. Mà nếu không đọc được câu chuyện này, có lẽ tôi sẽ vẫn còn nghĩ trải nghiệm của mẹ tôi là cá biệt:

"Tôi từng khóc thầm vì bài học mà bệnh nhân của tôi đã vô tình dạy bác sĩ.

Tôi vẫn nhớ như in lần khám với bà, bệnh nhân 70 tuổi không may mắc ung thư tụy di căn phổi. Bà có nhiều dịch tích trong ngực, còn gọi là tràn dịch màng phổi, và cần chăm sóc giảm nhẹ. Bốn tháng trước, bà còn bị thêm di căn da - thành ngực, liên quan tới thủ thuật đặt ống thông để giảm dịch ngực ở một bệnh viện khác. Vì đau ở thành ngực, bà cũng đã được xạ trị vào khối u. Cơn đau được khống chế một thời gian, khi bị đau lại, bà được giới thiệu tới bệnh viện của tôi bởi gần nhà.

Chúng tôi nói chuyện thăm hỏi ban đầu khá vui vẻ, nhưng khi tôi sờ vào cục u trên da để thăm khám, bà đột nhiên bật khóc. Tôi hơi hoảng, liền hỏi ngay tại sao.

"Bàn tay bác sĩ ấm làm tôi dễ chịu quá", bà nói. Bà thật tình kể tiếp một chuyện bất ngờ hơn. Đi khám ở các bệnh viện 4 tháng qua, bà không được ai chạm tới chỗ đau đó. Ở đâu, người ta cũng chỉ hỏi bệnh, kê đơn thuốc giảm đau, xem hình chụp CT rồi chỉ cho bà cục u trên màn hình máy tính.

Tôi vừa nghe chuyện vừa nghĩ tới cách giải thích để bênh vực cho những đồng nghiệp bận rộn của mình. Rằng khối u đã quá rõ ràng trên hình ảnh nên bác sĩ nghĩ rằng không cần phải chạm tới, hay bác sĩ bận rộn quá không thể chờ người bệnh kéo áo lên xem. Việc chạm vào cục u thường không thay đổi "chiến lược điều trị", và có thể bác sĩ cũng đã không có thời gian nghĩ tới cảm xúc của bệnh nhân.

May thay, bà không khóc vì giận bác sĩ mà vì cơn đau dai dẳng tự nhiên mất đi không ngờ. Bà không biết rằng tôi cũng đã khóc thầm sau khi gặp bà, từ bài học mà bà đã vô tình dạy cho bác sĩ. Tôi khóc vì hóa ra bàn tay vụng về của mình lại có thể ý nghĩa đến vậy với một ai đó".

Năm ngoái, một nhóm các bác sĩ người Pháp đã làm hẳn một nghiên cứu định tính về "Trải nghiệm của bệnh nhân khi được bác sĩ chạm vào". Nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học BMJ trích lại một đoạn phỏng vấn với một nữ bệnh nhân ung thư tuyến giáp khi cô ấy nhớ lại buổi chấn đoán đã từ rất lâu của mình:

"Tôi mới 11 tuổi vào năm đó, khi bị bác sĩ nói với tôi rằng tôi bị ung thư tuyến giáp. Tôi ngồi trước mặt cô ấy [bác sĩ]. Cô ấy nhìn thẳng vào mắt mẹ tôi như thể tôi chẳng hề tồn tại: 'Nếu con gái bà không phẫu thuật sớm, nó sẽ chết'. Tôi không biết nói sao, nhưng ngày đó, chắc chắn vị bác sĩ ấy có thể xử sự theo một cách khác. Ý tôi là, cô ấy nên cư xử khác với mẹ tôi… cũng như với cả tôi: Tôi mới 11 tuổi… Thành thật mà nói, tôi đã phải mất nhiều năm để vượt qua được cú sốc của buổi trò chuyện ấy.

Hồi đó, tôi ước gì vị bác sĩ ấy có thể đến gần tôi hơn, ước gì cô ấy có thể đặt tay lên vai tôi và chỉ cần nói: Được rồi, chúng ta phải phẫu thuật thôi".

Nếu không đọc được những dòng tâm sự này, tôi vẫn còn nghĩ quyết định phẫu thuật tại bệnh viện tuyến huyện, trao niềm tin cho vị bác sĩ trẻ đã chạm vào khối u ở ngực của mẹ tôi chỉ là cảm tính nhất thời – dựa trên tâm lý nhạy cảm của một bệnh nhân vừa phải nhận chẩn đoán căn bệnh quái ác.

Giữa một bác sĩ giàu kinh nghiệm và lạnh lùng với một bác sĩ trẻ nhưng ân cần, cá nhân tôi - bằng lý trí của mình - vẫn sẽ chọn vị bác sĩ giàu kinh nghiệm hơn. Nhưng giống với một câu thần chú trong ngành bán lẻ: "Khách hàng sẽ chỉ chốt sale theo cảm xúc", có lẽ câu chuyện cũng đúng với việc "chốt" một bác sĩ phẫu thuật.

Bằng cảm xúc, bạn có thể sẵn sàng trao tính mạng của mình cho một người mà bạn cảm thấy có cảm tình hơn. Có một thứ ma thuật nào đó trong cái chạm của vị bác sĩ trẻ vào khối u ở ngực của mẹ tôi, và thứ ma thuật đó cũng đã chạm được vào trái tim của bà.

"Medical Touch"

Đó là thuật ngữ mà các bác sĩ sử dụng để nói về những cái chạm giữa họ với bệnh nhân trong môi trường y tế. "Cái chạm y khoa là một công cụ có chức năng cụ thể, đó là để chẩn đoán", nghiên cứu trên tạp chí BMJ viết.

"Trong suốt hàng thế kỷ qua, cách kiến thức y học được tích lũy đã dạy cho các bác sĩ có thể 'đọc' bằng ngón tay của họ". Họ đặt tay lên trán bệnh nhân để kiểm tra thân nhiệt, họ cầm vào cổ tay để đếm số nhịp tim, họ sờ nắn ổ bụng để thăm dò xem liệu có gì đó bất thường ở đó hay không.

Hippocrates - cha đẻ của y học hiện đại - người đầu tiên đặt tên cho bệnh "ung thư" sẽ không thể nghĩ ra cái tên đó: "Karkinos" dịch ra từ tiếng Hy Lạp cổ nghĩa là "cancer" hay "con cua" - nếu không tận tay sờ nắn khối u của từng bệnh nhân, để thấy chúng đều cứng và cồm cộm giống như cảm giác sờ vào vỏ của một con cua.

Thế nhưng, hơn 2.000 năm đã trôi qua, những cái chạm ấy đang dần dần tuyệt chủng. Hãy thử nhớ lại lần cuối cùng có một bác sĩ đặt tay lên trán bạn là khi nào? Lần cuối họ bắt mạch cảnh của bạn, sờ nắn vùng tiền tim, tìm kiếm các hạch bạch huyết hoặc thăm dò ổ bụng?

So với chỉ khoảng vài chục năm về trước, các bác sĩ ngày nay càng ngày càng "lười" sử dụng xúc giác của họ. Đến nỗi Richard Horton, một biên tập viên của tạp chí y khoa The Lancet đã phải thốt lên trong một bài bình luận năm 2019: "Tại sao các bác sĩ bây giờ không còn chạm vào bệnh nhân nữa?".

Chẳng cần phải đợi tới thế kỷ 21, sự suy tàn của thời đại xúc giác y tế đã được dự báo từ hơn 200 năm về trước. Hãy nhìn vào tấm ảnh trên, đây là cách mà các bác sĩ từng nghe tim phổi cho bệnh nhân vào thế kỷ 18.

Cho đến khi René Laennec, một bác sĩ người Pháp đã kết thúc kỷ nguyên của những cái áp tai vào lồng ngực này vào năm 1816, bằng một phát minh biến ông trở thành "kẻ tội đồ" trong những câu chuyện đùa của các bác sĩ hiện đại: Chiếc ống nghe y tế.

Một chiếc ống khuếch đại âm thanh từ cơ thể bệnh nhân, cho phép các bác sĩ lắng nghe nhịp tim của họ, tiếng thở, âm thanh mà ruột bệnh nhất phát ra, thậm chí cả tiếng máu chảy trong động mạch và tĩnh mạch mà không cần chạm vào họ.

Không chỉ là một cuộc cách mạng trong chẩn đoán, một biểu tượng của các bác sĩ, ống nghe y tế còn đại diện cho một ý tưởng mang tính thời đại, rằng giữa bệnh nhân và bác sĩ có thể tồn tại một công cụ gián tiếp, cho phép khoảng cách "lâm sàng" giữa họ được nới rộng.

Trong trường hợp bạn chưa biết "lâm" có nghĩa là "tới gần", "sàng" nghĩa là "chiếc giường". "Lâm sàng" nghĩa là bác sĩ cần tới bên cạnh giường của người bệnh. Tới sát bên giường bệnh từng là điều kiện tiên quyết để các bác sĩ sử dụng toàn bộ các giác quan của mình để kiểm tra người bệnh.

Thị giác để thấy làn da nhợt nhạt của bệnh nhân, thính giác để lắng nghe tiếng thở khò khè của họ, khứu giác để ngửi hơi thở trong miệng, vị giác để nếm nước tiểu người bệnh (Bạn nghĩ các bác sĩ cổ đại đã sử dụng gì để phát hiện nước tiểu của người bệnh tiểu đường có chứa đường?).

Xúc giác, tất nhiên, nằm trong số các công cụ lâm sàng mà các bác sĩ từng dựa vào để chấn đoán bệnh. Cho đến khi, ngày càng có nhiều công cụ y tế giải thoát các bác sĩ khỏi những hoạt động lâm sàng đó.

Năm 1867, một bác sĩ người Anh tên là Thomas Allbutt phát minh ra chiếc nhiệt kế y tế cầm tay đầu tiên. Năm 1895, nhà vật lý học người Đức Wilhelm Conrad Rontgen phát minh ra máy chụp X quang. Năm 1903, nhà sinh lý học người Hà Lan Willem Einthoven phát minh ra máy điện tim đồ.

Lần lượt các phát minh y tế như máy siêu âm, máy chụp cộng hưởng từ, các xét nghiệm máu và công cụ chẩn đoán tế bào đã ra đời trong thế kỷ 20 và 21. Máy móc đã dần thay thế tất cả giác quan của bác sĩ, khi họ muốn tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra với cơ thể người bệnh.

Khoảng cách lâm sàng từ đó cũng ngày càng được nới rộng, từ chiều dài của chiếc ống nghe, đến độ dài hành lang giữa phòng chụp X-quang và phòng khám bệnh. Một bác sĩ có thể ngồi ở đây và hội chẩn cho một bệnh nhân đang nằm trong máy chụp cắt lớp cách họ nửa vòng Trái Đất.

Ở mặt tích cực, các phát minh này đang giúp chẩn đoán của các bác sĩ trở nên chính xác hơn bao giờ hết. Bởi suy cho cùng, khả năng của máy móc hiện đại đều vượt xa các giác quan của con người.

Không một bác sĩ nào có thể dùng thị giác của mình để nhìn xuyên vào bên trong cơ thể người bệnh như một chiếc máy cộng hưởng từ có thể làm được. Họ cũng không thể dùng vị giác và khứu giác để nếm và ngửi máu của bệnh nhân, sau đó đọc được nồng độ hồng cầu, tiểu cầu và cholesterol.

Cầm tay bắt mạch đã trở thành một động tác thừa trong thời đại các cỗ máy monitor có thể theo dõi mọi chỉ số sinh tồn của một bệnh nhân 24/7. Mặc dù vậy, vẫn có những khía cạnh mà ở đó, mọi cỗ máy y tế và công cụ chẩn đoán thiếu "tính người" sẽ thất bại.

Điều gì sẽ xảy ra khi bác sĩ không còn chạm vào bệnh nhân nữa?

Năm 2009, một bài báo đăng trên Tạp chí Y học Yale mô tả về một trường hợp bệnh nhân: Nam, 23 tuổi, thể chất khỏe mạnh, không có bệnh nền nhưng phải nhập viện vì tình trạng tắc động mạch phổi đến mức đe dọa tính mạng.

Các bác sĩ không biết tại sao anh ấy lại bị vậy. Họ đã cho bệnh nhân thực hiện mọi xét nghiệm mà họ có thể nghĩ ra được: xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm đông máu, chụp cắt lớp và các buổi thẩm vấn sâu với bác sĩ huyết học. Tất cả đều cho kết quả âm tính.

Quá bối rối, các bác sĩ đành phải kê cho bệnh nhân thuốc chống đông máu. Nhưng uống thuốc chống đông máu cũng đồng nghĩa với việc anh chàng 23 tuổi này phải từ bỏ những hoạt động thể thao có nguy cơ chấn thương cao mà anh ấy đang tham gia bao gồm bơi lội, gym và chạy bộ.

May mắn thay, anh chàng này sau đó đã gặp được Thomas P. Duffy, một giáo sư huyết học tại Đại học Yale, 72 tuổi. Là một bác sĩ của thế hệ trước, điều đầu tiên Thomas nghĩ tới khi đối diện với bệnh nhân này là bắt mạch cổ tay của anh ấy.

Thomas dịch dần cánh tay của bệnh nhân ra phía sau lưng, đồng thời, yêu cầu bệnh nhân ngoảnh đầy ra phía sau. Mạch của anh ấy khi đó biến mất. Khi bệnh nhân quay đầu trở lại để nhìn về đằng trước, mạch của anh ấy xuất hiện trở lại.

Thử nghiệm mà Thomas thực hiện với bệnh nhân được gọi là "thao tác Adson", một thủ thuật lâm sàng đơn giản được đặt theo tên bác sĩ quân y người Mỹ Alfred Washington Adson, người đã phát hiện ra nó từ đầu thế kỷ 20.

Thao tác Adson nhằm để kiểm tra hội chứng lối thoát ngực (TOS) – xảy ra khi mạch máu dưới xương đòn bị chèn ép khiến máu không thể chảy tới cánh tay đồng thời sinh ra cục máu đông tại vị trí mạch máu bị ép lại.

Bài kiểm tra của Thomas sau đó đã xác nhận nam bệnh nhân mắc TOS. Anh ấy đã được phẫu thuật để loại bỏ bớt cơ vùng xương đòn, giải phóng cho các mạch máu đi tới cánh tay. Các bác sĩ sau đó cho anh ấy dừng thuốc chống đông máu. Chỉ sau vài tháng, anh đã có thể trở lại chơi thể thao bình thường.

Ngày nay, chẩn đoán hội chứng lối thoát ngực (TOS) có thể sử dụng tới máy siêu âm Doppler và máy chụp cộng hưởng từ MRI. Tuy nhiên, các lựa chọn này chỉ được chỉ định trong trường hợp bác sĩ đã có nghi ngờ ban đầu.

Giống như trong trường hợp của nam thanh niên trên, nếu bác sĩ Thomas không nghĩ ra việc kiểm tra anh ấy bằng thao tác Adson, có lẽ anh ấy sẽ vĩnh viễn phải uống thuốc chống đông máu cả đời, vì các bác sĩ khác đã không phát hiện ra vấn đề phía dưới xương đòn của anh ấy.

Không chỉ riêng trường hợp của bệnh nhân này, một nghiên cứu trên tạp chí Lancet cho biết cứ 4 bệnh nhân thì sẽ có 1 người mắc những tình trạng lâm sàng mà chỉ bằng việc thăm khám trực tiếp thì các bác sĩ mới phát hiện ra nó.

Bằng việc chạm vào và thực sự khám cho bệnh nhân, các bác sĩ có thể ra các quyết định quan trọng để thay đổi hướng điều trị cho 26% bệnh nhân. Điều đáng nói là 54% các tình trạng này không thể được phát hiện bằng mọi xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh.

Điều đó có nghĩa là gì? Nếu các bác sĩ chỉ dựa vào máy móc mà không thực sự khám cho bệnh nhân, có một xác suất lên tới 14% rằng họ sẽ đưa ra các quyết định điều không tối ưu, thiếu chính xác hoặc thậm chí làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Asghar Rastegar, một giáo sư y khoa tại Đại học Yale cho biết: "Ngày nay chúng ta có nhiều công nghệ, thứ cho phép chúng ta nhìn thấy những gì trước đây chúng ta chưa từng thấy, nghe được những điều mà trước đây chúng ta chưa từng nghe".

Mặc dù vậy, ông cảnh báo các bác sĩ không nên phụ thuộc vào công nghệ vì chúng không có khả năng vẽ ra được bức tranh toàn cảnh về tình trạng của bệnh nhân. Không một công nghệ nào hiện tại cảm nhận được vùng bị đau của bệnh nhân, nhận ra manh mối từ cái nheo mắt của họ hoặc lắng nghe được những gì mà bệnh nhân nói.

"Chỉ có các bác sĩ thực sự chạm vào bệnh nhân và khám cho họ một cách cẩn thận mới có khả năng làm được những điều đó. Công nghệ chỉ nên là một phần mở rộng trợ giúp những gì mà các bác sĩ làm thay vì thay thế họ", giáo sư Rastegar nói.

Dựa trên những con số thống kê trên bài báo Lancet, tôi tin rằng khi vị bác sĩ ở bệnh viện trung ương từ chối khám khối u cho mẹ tôi, có 14% khả năng ông ấy sẽ ra một quyết định sai lầm trong quá trình mổ.

Ngược lại, vị bác sĩ trẻ ở bệnh viện tuyến huyện, người đã chạm vào khối u của bà có 14% nhiều hơn cơ hội sẽ ra quyết định điều trị chuẩn xác. Bởi vậy, khi bác sĩ Phạm Nguyên Quý nói với bệnh nhân của mình: "Việc chạm vào cục u thường không thay đổi "chiến lược điều trị"", chữ "thường" dịch ra có nghĩa là 86%.

Hóa ra, quyết định mà tôi từng cho là cảm tính của mẹ, việc bà từ chối phẫu thuật ở bệnh viện tuyến trung ương mà chọn bệnh viện tuyến huyện có giá trị tương đương với 14% cơ hội bà sẽ được điều trị chính xác hơn.

Lựa chọn mà tôi từng tưởng là lý trí không hẳn đúng. Một bác sĩ giàu kinh nghiệm nhưng lạnh lùng chưa chắc đã tốt hơn một bác sĩ ân cần khi còn trẻ, người có nhiều thời gian hơn để khám cho bệnh nhân, và là người sẵn sàng bỏ tất cả giấy tờ, xét nghiệm, phim chụp của bệnh nhân sang một bên để thực sự chạm vào họ, sờ nắn khối u bằng bàn tay của họ, chạm vào nỗi đau của họ và để ý nét mặt khi nào nhăn nhó của bệnh nhân.

Đặt tất cả lên bàn cân, và khi ở trong tình huống của bệnh nhân, rốt cuộc bạn sẽ chọn bác sĩ nào để gửi gắm tương lai, sức khỏe và cả tính mạng của mình?

Trong kỳ tiếp theo: "Magical touch": Cái chạm nhìn từ phía bác sĩ, cái chạm có tác dụng chữa lành

1. Khám bệnh giống như một nghi lễ giữa những bệnh nhân mặc áo giấy và những pháp sư mặc áo blouse trắng

2. Bệnh nhân muốn được bác sĩ chạm vào mình

3. Sức mạnh kỳ diệu của xúc giác

4. Hiệu ứng giả dược: Những cái chạm giúp giảm đau

5. Cuối cùng thì: Chạm hay không chạm?

Nguồn: Lancet, NCBI

Thanh Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/medical-touch-vi-bac-si-o-benh-vien-do-da-cham-tay-vao-nguc-me-toi-20240509195841447.htm