Hàm Tân chủ động phòng cúm gia cầm lây sang người

Mặc dù, bệnh cúm gia cầm không xảy ra trên vật nuôi và người, nhưng Hàm Tân luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Chăn nuôi tương đối ổn định

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình chăn nuôi gia cầm tại Hàm Tân phát triển tương đối ổn định. Tổng đàn gia cầm của toàn huyện hiện nay khoảng 830.000 con, 14 trang trại nuôi gia cầm.

Phun tiêu độc, khử trùng vệ sinh môi trường chăn nuôi (ảnh minh họa)

Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh, ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm lây sang người, UBND huyện triển khai tháng tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024. Cụ thể, cấp phát 360 lít thuốc sát trùng, 20 bộ đồ bảo hộ cho 10 xã, thị trấn. Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn cách khử trùng, tiêu độc môi trường cho các địa phương và đôn đốc thực hiện. Song, do kinh phí hạn hẹp, hầu hết UBND các xã, thị trấn chủ yếu thực hiện phun, xịt thuốc sát trùng tại các chợ, điểm công cộng và cấp cho các hộ chăn nuôi tự thực hiện tiêu độc khử trùng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện thủ tục mua sắm các loại vắc xin tiêm cho gia súc, gia cầm theo quy định.

Bên cạnh đó, bệnh cúm gia cầm lây sang người cũng không xảy ra ở Hàm Tân. Được biết, bệnh cúm gia cầm lây sang người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây qua đường hô hấp, tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm bệnh, chết do nhiễm cúm A(H5N1), ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.

Cùng thực hiện các biện pháp

Trong chăn nuôi gia cầm, Hàm Tân cũng còn một số khó khăn. Huyện chưa có cơ sở giết mổ tập trung, số thịt gia cầm được buôn bán tại chợ thì hầu hết được giết mổ nhỏ lẻ ở địa phương. Tuy nhiên, điều này chưa được kiểm soát giết mổ theo quy định nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh và mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo quy định, các trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí kinh tế trang trại không được hỗ trợ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Trong khi đó, hầu hết các đàn gia cầm tại huyện được chăn nuôi tập trung ở trang trại. Nếu các trang trại không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống bệnh, kể cả tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm theo quy định, thì tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh này. Cùng với đó, tiêm vắc xin với đàn gia cầm tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất khó khăn. Phí hỗ trợ cho người tiêm phòng còn thấp, chưa phù hợp thực tế. Đó là chia sẻ của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Hàm Tân.

Để chăn nuôi phát triển hơn, UBND huyện Hàm Tân kiến nghị UBND tỉnh kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp. Đồng thời, kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp các địa phương tăng cường, kiểm tra giám sát tổ chức, cá nhân chăn nuôi thực hiện biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường chăn nuôi tại các trang trại. Từ đó giảm nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho đàn vật nuôi theo quy định tại Thông tư 18 (15/12/2023) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mặt khác, Sở Y tế tỉnh khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người. Cụ thể, không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền, đơn vị thú y. Ăn chín, uống chín, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Khi có biểu hiện sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ham-tan-chu-dong-phong-cum-gia-cam-lay-sang-nguoi-118745.html