NHNN sẽ giám sát việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giám sát việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng. Bên cạnh đó là hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.

Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tăng trưởng tín dụng gắn với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng. Ảnh: LÊ VŨ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành chỉ thị số 14 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, theo Baochinhphu.vn.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thế giới, trong nước để dự báo và điều hành chính sách tiền tệ sao cho chủ động, đặc biệt là điều hành hợp lý giữa lãi suất và tỉ giá.

Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng gắn với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó là thanh tra, giám sát việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.

Theo chỉ thị này, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn và kiểm soát rủi ro thanh khoản.

Các tổ chức tín dụng cần tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; công bố công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng cho vay có lãi suất phù hợp với yêu cầu sử dụng vốn tín dụng.

Việc dành thời gian rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện; có giải pháp tín dụng phù hợp đối với các dự án BOT, BT giao thông khả thi; tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng chính sách… cũng là nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm.

Một số cơ quan, bộ ngành khác như Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Bộ này phải hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Mục tiêu hướng đến là giảm cấp trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kịp thời tiến độ triển khai luật. Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ…

Trúc Đào

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhnn-se-giam-sat-viec-cap-tin-dung-cua-cac-to-chuc-tin-dung/