Giữ vững bản lĩnh và tinh thần chủ động

Trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều yếu tố khó lường, phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế - xã hội của nước ta từ đầu năm đến nay tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, kết quả tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm 2023.

Đây là cơ sở quan trọng góp phần tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Điểm sáng của nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm nay là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy trên cả 3 khu vực trụ cột là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Đáng chú ý, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thu đủ chi; an ninh năng lượng, bao gồm nhiệm vụ cung ứng điện được bảo đảm trong bối cảnh tháng 4 năm nay được ghi nhận là nóng nhất trong 50 năm qua; an ninh lương thực được bảo đảm; chỉ số giá tiêu dùng trong tầm kiểm soát, bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ…

Phân tích thêm về những kết quả trên, chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn khi những con số tăng trưởng đạt được cho thấy rõ các yếu tố ổn định, bền vững và thực chất của nền kinh tế. Đó là, thu ngân sách nhà nước tăng mạnh, trong 4 tháng đầu năm ước đạt 733.400 tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán năm, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tích cực, xuất siêu tăng. Trong 4 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 238,9 tỷ USD, tăng 15,2%, trong đó xuất siêu 8,4 tỷ USD.

Một vấn đề của nền kinh tế nước ta lâu nay được đặc biệt quan tâm là đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả rất khả quan, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nói chung. Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm trước (15,65%). Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%. Thông tin đáng kể là vốn FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% - cao nhất trong những năm qua.

Những tín hiệu lạc quan, kết quả tích cực đạt được của nền kinh tế tiếp tục khẳng định sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của các bộ, ngành, địa phương.

Phải nhấn mạnh rằng, kết quả đạt được không thể “bất chiến tự nhiên thành”. Từ sớm, từ xa, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động nắm chắc tình hình thực tiễn, qua đó có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm thống nhất, đồng bộ; thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời vi phạm...

Phấn khởi với những kết quả trên nhưng vẫn phải nhận thức rõ nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là rất nặng nề. Đặc biệt, 2024 là năm “bản lề” để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là bên cạnh phát huy các thành quả đã đạt được, các bộ, ngành, địa phương cần nhận diện thật sát, đúng, trúng các vấn đề còn tồn tại, hạn chế của ngành, địa phương mình, từ đó đề ra quyết sách kịp thời, phù hợp và hiệu quả. Trong đó, những vấn đề cần hết sức lưu ý hiện nay là: Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tăng, nhất là về tỷ giá, lãi suất ngân hàng; thị trường bất động sản còn khó khăn, vướng mắc, nổi lên là vấn đề pháp lý; nợ xấu có xu hướng tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, tình trạng nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng đang xảy ra ở nhiều địa phương… Chưa kể, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến trái chiều, khó lường, dự báo sẽ tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta.

Trước tình hình này, chủ trì cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vào chiều 16-5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, không chủ quan cũng không quá lạc quan, không bi quan, không hoang mang, dao động, có giải pháp từ sớm, từ xa, từ cơ sở để tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Như vậy, người đứng đầu Chính phủ đã luôn nhất quán quan điểm phải giữ vững bản lĩnh và nhất định không hoang mang, dao động dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Điều đó đồng nghĩa, các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phải kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, càng thử thách, áp lực thì phải càng nỗ lực, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phải làm thật tốt là tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, bảo đảm sinh kế để hướng đến đích cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giu-vung-ban-linh-va-tinh-than-chu-dong-666666.html