Giá heo hơi tăng nóng

Giá heo hơi tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 dù thị trường đang ở giai đoạn tiêu thụ thấp điểm

Giá heo hơi loại 1 hiện ở mức 68.000 đồng/kg, loại 3 khoảng 65.000 đồng/kg, tăng mạnh so với mức khoảng 50.000 đồng/kg hồi đầu năm nay. Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định nguyên nhân là do nguồn cung thiếu hụt và yếu tố tâm lý trên thị trường.

Doanh nghiệp lãi lớn

Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), bày tỏ tiếc nuối vì đã không tăng đàn vào cuối năm 2023 nên hiện tại không có nhiều heo để xuất chuồng.

Theo ông Đức, giá heo hơi từ đầu năm đến nay diễn biến tốt. Với giá thành chỉ khoảng 46.000-49.000 đồng/kg, doanh nghiệp (DN) có thể đạt lợi nhuận 30%-40%. HAGL có nguồn lực mới từ đối tác, trong đó có 300 tỉ đồng để phát triển ngành heo, nên đang tích cực tăng đàn.

"Ông bầu" này cho biết chu kỳ tăng giá của ngành heo thường diễn ra trong 2 năm, chu kỳ trước mắt dự kiến kéo dài từ năm 2024 đến 2025. HAGL kỳ vọng sẽ "ăn trọn" lợi nhuận mảng heo trong năm tới giữa bối cảnh dịch bệnh tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, chỉ có DN lớn đã đáp ứng điều kiện an toàn dịch bệnh mới có thể tái đàn.

Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam cũng đang sẵn sàng cho chu kỳ heo hơi tăng giá. DN này dự đoán giá heo hơi duy trì trên 60.000 đồng/kg trong thời gian tới và hướng đến mốc 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào và thức ăn chăn nuôi đã giảm 10%-20% so với giai đoạn trước, góp phần gia tăng hiệu quả chăn nuôi. "Giá heo hơi tăng, sản lượng xuất chuồng lớn trong quý I/2024 cùng với việc bán tài sản đã giúp chúng tôi ghi nhận lợi nhuận gần 150 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 42,6 tỉ đồng" - đại diện Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam tiết lộ.

Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam đạt lợi nhuận gần 73 tỉ đồng trong quý đầu năm 2024 nhờ mạnh dạn tái đàn vào cuối năm trước. Trước đó, quý I/2023, DN này lỗ tới 321 tỉ đồng.

Giá heo hơi liên tục tăng cao đã ảnh hưởng đến người tiêu dùngẢnh: AN NA

Giá heo hơi liên tục tăng cao đã ảnh hưởng đến người tiêu dùngẢnh: AN NA

Nhiều hệ lụy

TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận định giá heo hơi hiện nay tăng là bởi thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả heo châu Phi vào cuối năm 2023. Bên cạnh đó, còn có yếu tố về tâm lý khi một số nông hộ, trang trại kỳ vọng giá tiếp tục tăng nên có động thái ghim hàng tạo sự khan hiếm giả tạo, đẩy giá tăng cao thêm. Theo dự báo, khi bước vào mùa hè, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ thịt sụt giảm có thể giúp giá heo hơi hạ nhiệt trong thời gian tới.

"Chủ các trại nuôi, DN nên xuất bán heo như bình thường, không tái đàn ồ ạt để bảo đảm ổn định, tránh tình trạng mất cung đối cung - cầu. Để hài hòa lợi ích các bên, mức giá heo hơi phù hợp là khoảng 60.000-65.000 đồng/kg. Nếu giá quá cao sẽ kích thích nhập khẩu, thậm chí cả nhập lậu heo, gây tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi" - ông Dương cảnh báo.

Giám đốc một nhà máy chế biến thực phẩm ở Bình Dương cho biết đang sử dụng 100% thịt heo nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất do giá thịt heo trong nước quá cao. "Thịt heo ba rọi nhập khẩu có giá chỉ từ 71.000-80.000 đồng/kg, riêng phần thịt nạc (đùi và vai) giá chỉ 65.000-72.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với thịt heo trong nước. Chúng tôi chọn heo nhập khẩu để có giá thành sản phẩm ổn định trong bối cảnh sức mua đang yếu" - giám đốc DN này lý giải.

Theo nhiều DN, ít quốc gia có giá heo hơi cao như Việt Nam. Nguyên nhân là do thị trường Việt Nam đang thiếu hụt nguồn cung, chủ yếu phụ thuộc vào các DN lớn. "Không loại trừ khả năng DN lớn muốn kiếm lời nhiều ở giai đoạn này để bù đắp thua lỗ trước đó mà không nghĩ đến người tiêu dùng" - giám đốc một DN chế biến thực phẩm đặt vấn đề.

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN), cho biết giá thịt heo trong chương trình bình ổn được xây dựng trên cơ sở giá heo hơi 60.000 đồng/kg. Theo quy định, khi giá nguyên liệu tăng 5%, DN có quyền đề xuất tăng giá nhưng hiện nay, giá bán lẻ mới vẫn chưa được duyệt, dẫn đến DN gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo DN này cho biết sức mua thịt heo tươi đã giảm đến 15% so với đầu năm dù DN rất nỗ lực kích cầu. Những tháng tới, tiêu thụ thịt heo dự kiến chưa thể cải thiện bởi rơi vào mùa tiêu dùng thấp điểm.

Bài toán khó của doanh nghiệp chăn nuôi

Ông Clemens Tan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, nhìn nhận giá heo ở mức cao do nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu thị trường, song tình trạng này chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Một thời gian dài trước đó, nguồn cung heo quá lớn trong khi nhu cầu rất thấp đã đẩy giá heo rớt thê thảm.

"Từ trước Tết đến nay, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đã giảm khoảng 40% lượng heo nái. Chúng tôi cũng thiết kế lại hệ thống chăn nuôi heo, rà soát toàn bộ hệ thống trang trại, mạnh tay tạm dừng hoạt động những trang trại không bảo đảm yếu tố môi trường để sửa chữa hoặc đóng cửa hẳn. Như vậy, trong ngắn hạn, DN vừa giảm đàn vừa giảm số lượng trang trại" - ông Clemens Tan thông tin.

Cũng theo DN này, năm 2024 là năm bản lề nên DN đang tối ưu hóa chi phí, chuẩn bị tốt nhất cho nguồn lực để sẵn sàng tăng tốc phát triển. Đồng thời, sẽ làm việc chặt chẽ hơn với khách hàng và nhà cung cấp, tìm kiếm nguồn hàng tốt. "DN phải đầu tư rất nhiều tiền để bảo đảm an toàn dịch bệnh cũng như đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật để phòng chống dịch bệnh. Thói quen tiêu dùng cũng thay đổi sau dịch COVID-19 khi khách hàng quan tâm nhiều hơn đến thực phẩm an toàn, muốn mua hàng chất lượng với giá rẻ hơn. Đây cũng là thách thức với các DN chăn nuôi" - ông Clemens Tan nêu thực tế.

T.Nhân

NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gia-heo-hoi-tang-nong-196240517202424163.htm