'Khi có suy nghĩ tiêu cực, hãy tìm gặp chuyên gia để sẻ chia'

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp hữu ích và thiết thực giúp giáo viên, phụ huynh và học sinh vượt qua những khó khăn về rối loạn tâm lý học đường.

Sáng ngày 4-3, Báo Tiền Phong phối hợp trường ĐH Quốc tế Sài Gòn tổ chức tọa đàm Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19?tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4).

Tọa đàm nhằm hạn chế tình trạng rối loạn tâm lý nặng nề, giúp giáo viên (GV), phụ huynh (PH) và học sinh (HS) vượt qua những khó khăn và phát huy tốt việc dạy học cũng như rèn luyện thể chất trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, chuyên gia y tế, giáo dục hàng đầu. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tại buổi tọa đàm, tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An (Giám đốc TT ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay) cũng cho biết đại dịch COVID-19 kéo dài đã gây ra những hệ lụy lớn cho môi trường xã hội, giáo dục. Có gần 20.000.000 trẻ em HS-SV và 1.000.000 GV phải tạm dừng đến trường. Việc HS phải ở nhà trong thời gian dài, không có sự giao lưu tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng đến chất lượng về giáo dục, sự phát triển về phẩm chất, năng lực toàn diện của HS.

Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ tại buổi tọa đàm.

“Đối với các HS, trường học là nơi các bạn có thể giao lưu với bạn cùng lứa tuổi. Hoạt động chính là bản chất đặc thù trong sự phát triển, giao tiếp là phương thức phát triển ngôn ngữ có ảnh hưởng đến hứng thú, tinh thần, thái độ trong học tập và cuộc sống của các HS. Sự thiếu hụt kết nối với xã hội sẽ ảnh hưởng lớn đến các yếu tố cơ bản về sự hình thành và phát triển của các bạn trong tương lai. Từ đó tác động đến sức khỏe, tinh thần, thể chất và hạnh phúc của các HS” - ông Hòa An chia sẻ.

Tiếp nối ý kiến này, thạc sĩ Tâm lý Cao Thị Thùy Trang (Giảng viên trường ĐH Quốc tế Sài Gòn) đưa ra những biểu hiện nhận diện rối loạn tâm lý và tâm hồn trong học đường. Theo đó, những dấu hiệu đầu tiên là cảm thấy áp lực, căng thắng, mất tập trung, khả năng ghi nhớ bị giảm sút. Dấu hiệu đi kèm là tình trạng ăn uống quá mức, vô độ, không kiểm soát được cân nặng, ngủ quá nhiều nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi.

Thạc sĩ Tâm lý Cao Thị Thùy Trang nói về biểu hiện nhận diện rối loạn tâm lý và tâm hồn trong học đường.

“Có những trường hợp hay nổi nóng với các câu hỏi quan tâm thường nhật từ người xung quanh. Người có dấu hiệu rối loạn tâm lý còn cảm thấy mọi vấn đề đều tiêu cực, đôi khi nghĩ tới cái chết, mất sức lực. Tình trạng này thường kéo dài từ một đến hai tuần. Tất cả những điều kể trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt và các mối quan hệ của các bạn HS” - bà Thùy Trang chia sẻ.

Các học sinh làm những bài kiểm tra tâm lý của các chuyên gia tâm lý.

Các học sinh làm những bài kiểm tra tâm lý của các chuyên gia tâm lý.

Dưới khán đài, một HS tâm sự về tình trạng sang chấn tâm lý của bản thân trong thời gian dài học online tại nhà. Đó là TML (HS lớp 12A5 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ). L. cho biết mình là người hướng nội, rất ít khi chia sẻ điều gì. Nhưng lúc muốn chia sẻ thì gia đình không lắng nghe, không tâm sự cùng em.

L. chia sẻ bị sang chấn tâm lý nhưng gia đình không lắng nghe, không tâm sự.

“Từ lâu lắm rồi, lúc học tại trường em không quen được nhiều bạn. Có lẽ vì các bạn thấy em lập dị, em cảm thấy bị cô lập. Sự việc này khiến em sang chấn tâm lý, căng thẳng. Nhiều khi em kể ra nhưng ba mẹ không nghe, không hiểu làm em rất chán nản. Rồi suốt 5 tháng dài học tại nhà mà không được gặp gỡ ai làm em thấy gần như trầm cảm” - TML trải lòng.

Bên cạnh đó, L. còn cho biết đôi khi cảm thấy tuyệt vọng, bất lực. Có lúc L. muốn trở lại trường học để ngưng khoảng thời gian chán nản tại nhà. Nhưng cũng có lúc L. ngại trở lại học trực tiếp vì sợ bị cô đơn trong chính ngôi trường của mình. Kèm theo đó là những ảnh hưởng của đại dịch khiến tâm lý L. ngày càng trầm trọng hơn.

Để giúp TML cũng như các HS vượt qua được khoảng thời gian rối loạn tâm lý đó, Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An khuyên các HS nên tìm cách hiểu rõ bản thân đang gặp vấn đề gì và mong muốn gì. Theo đó đừng chỉ học chăm chỉ mà hãy học một cách thông minh để phát triển bản thân một cách tốt nhất.

"Tôi mong các HS chọn cách hành động, chia sẻ, tìm kiếm người hỗ trợ, đồng hành".

Ông bày tỏ: “Tôi mong các HS chọn cách hành động, chia sẻ, tìm kiếm người hỗ trợ, đồng hành. Cũng mong các phụ huynh lắng nghe con mình chia sẻ để giúp con vượt qua những áp lực tâm lý. Các HS hãy tự tạo cho bản thân thời gian để thư giản, để giải tỏa năng lượng tiêu cực. Nếu có những suy nghĩ tiêu cực, hãy tìm gặp những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm chuyên môn để được chia sẻ và để tự tin hơn trong cuộc sống.

Từ đó hiểu rõ giá trị của bản thân, tự tin vào năng lực và thế mạnh của mình. Đặc biệt là tìm kiếm môi trường để phát triển. Nếu tạo được sự cân bằng cho bản thân thì tâm lý của các HS sẽ ổn định hơn, thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường” - ông Hòa An nói.

THẢO PHƯƠNG - TÚ NGÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/khi-co-suy-nghi-tieu-cuc-hay-tim-gap-chuyen-gia-de-se-chia-1046655.html