Siết chặt tuyển sinh ngành sức khỏe

Theo quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế dự báo, nhu cầu giường bệnh sẽ tiếp tục tăng dần qua các năm. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung 92.500 giường bệnh. Cùng với đó nhu cầu về bác sĩ, điều dưỡng rất lớn (168.300 bác sĩ và 304.000 điều dưỡng) và 65.000 chỉ tiêu về nhân lực kỹ thuật viên xét nghiệm y học.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Từ thực tế nhu cầu nhân lực y tế, thời gian gần đây, bên cạnh việc các trường đại học tăng chỉ tiêu, công bố đào tạo các ngành học mới, mở rộng đào tạo khối ngành sức khỏe, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đua nhau tuyển sinh ngành nghề sức khỏe, khiến xã hội lo ngại chất lượng đầu ra. Thậm chí, đầu năm 2024, nhiều trường liên quan tới khối ngành sức khỏe thông báo tuyển sinh hệ 9+ cho ngành Dược, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y sĩ đa khoa (thí sinh chỉ cần có bằng tốt nghiệp THCS trở lên và đăng ký theo phương thức xét tuyển thẳng vào học, không thi tuyển; sau 4 năm rưỡi, sinh viên được tiếp tục học lên bậc học đại học)...

Các chuyên gia y tế hết sức lo ngại khi các trường đăng thông tin tuyển sinh “mập mờ” như “mê hồn trận” với mục đích tuyển được nhiều người học. Phụ huynh và học sinh khó phân biệt được hệ 9+ có thuận lợi, hạn chế gì khi theo học. Một số trường cao đẳng đăng thông tin tuyển sinh dùng cụm từ “phổ thông cao đẳng 9+, hệ 9+, hệ 9+5” dùng để nói về chương trình đào tạo nghề dành cho học sinh THCS học tại trường cao đẳng. Nhưng không phải nghề nào cũng có thể dạy được cho học sinh hệ 9+, nhất là việc tốt nghiệp THCS có thể học 4,5 năm để lấy bằng đại học y dược.

Qua khảo sát, nhiều cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe còn lơ là, chưa thực sự quan tâm đến chất lượng. Hầu hết các trường đào tạo thiếu bệnh viện cho sinh viên thực tập, thiếu cơ chế thực tập, thiếu cơ sở thực hành... Tại các bệnh viện, mặc dù đông bệnh nhân nhưng sinh viên không đủ năng lực để thực hành, ngược lại bác sĩ ở bệnh viện lại không có thời gian để hướng dẫn sinh viên dẫn đến gần như sinh viên chỉ đọc lý thuyết và ra trường.

Hiện, cả nước có 67 trường đại học, học viện, cao đẳng đào tạo khối ngành sức khỏe, trong đó có 32 trường đào tạo ngành y và gần 10 trường cao đẳng đào tạo y sĩ đa khoa... Ngoài ra, ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều có ít nhất 1 trường cao đẳng hoặc trung cấp y - dược.

Mặc dù, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe ngày tăng, số lượng tuyển sinh lớn, nhưng các chuyên gia lo ngại rằng chất lượng đầu ra không đảm bảo yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.

Theo Bộ Y tế, tỉ lệ bác sĩ, điều dưỡng trên 10.000 dân tại Việt Nam vẫn còn thấp rất nhiều so với các nước trên thế giới. Nhưng với thực trạng chất lượng đào tạo không cao do tuyến sinh đầu vào “thông thoáng” đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như bác sĩ thiếu năng lực trong khám chữa bệnh, điều dưỡng yếu tay nghề trong chăm sóc bệnh nhân..., dẫn đến người dân hoang mang, lo lắng.

Chuyên gia y tế kiến nghị, đào tạo khối ngành sức khỏe liên quan tới sức khỏe, tính mạng của người dân, do đó Nhà nước cần có những quy định siết chặt đầu vào qua xây dựng Bộ tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo y tế đặc thù cho các ngành đào tạo nhân lực y tế; chuẩn hóa đầu ra trong giáo dục nhân lực y tế; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, thực hiện nghiêm việc kiên quyết ngừng tuyển sinh đối với các trường không đủ điều kiện và năng lực đào tạo.

Đối với các trường đào tạo trình độ đại học, đặc biệt là trường đào tạo bác sĩ, phải đạt kiểm định khu vực và quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/siet-chat-tuyen-sinh-nganh-suc-khoe-post475877.html