Năm 2024, Trường Đại học Mở Hà Nội sẵn sàng tuyển sinh ngành Bảo hiểm

Theo chia sẻ từ phía doanh nghiệp, sinh viên ngành Bảo hiểm mới ra trường có thể nhận mức lương khởi điểm 8-10 triệu đồng/tháng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực lĩnh vực bảo hiểm, năm 2024, Trường Đại học Mở Hà Nội bắt đầu tuyển sinh ngành Bảo hiểm với 75 chỉ tiêu (các tổ hợp xét tuyển gồm A00, A01, D01).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, ngành Bảo hiểm (thuộc Khoa Tài chính - Ngân hàng) là ngành học có nhu cầu cao cùng với sự phát triển của xã hội và phù hợp với chiến lược phát triển của nhà trường. Để đảm bảo điều kiện mở ngành, nhà trường đã có kế hoạch từ lâu và chuẩn bị chu đáo. Việc mở ngành Bảo hiểm được nhà trường thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Dạy và học ngành Bảo hiểm đảm bảo triết lý 5 chữ "mở"

Thông tin chi tiết về công tác chuẩn bị đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy ngành Bảo hiểm của trường, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang - Trưởng khoa Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, Khoa đảm bảo theo các quy định hiện hành.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang - Trưởng khoa Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

"Các điều kiện về đội ngũ để mở ngành đã được Khoa đảm bảo cụ thể về số lượng giảng viên cơ hữu có học hàm, học vị, có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình, trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy" thầy Quang chia sẻ.

Còn về cơ sở vật chất, theo thầy Quang, Khoa có các phòng học với sức chứa đa dạng; phòng học đa phương tiện, trường quay; phòng làm việc của cán bộ giảng viên; hệ thống thư viện, phòng đọc tại các khu giảng đường,... đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy ngành Bảo hiểm.

Ngoài ra để đảm bảo việc thực hiện các học phần kiến tập, thực tập của sinh viên, nhà trường đã thỏa thuận phối hợp với nhiều đơn vị doanh nghiệp, ngân hàng, công ty bảo hiểm uy tín để thực hiện các hoạt động học tập, nghiên cứu các học phần trong chương trình đào tạo.

Bật mí về điểm khác biệt so với một số trường cùng đào tạo ngành Bảo hiểm, thầy Quang chia sẻ, chương trình đào tạo của ngành được thiết kế với các học phần có nội dung đảm bảo chuẩn đầu ra.

Chương trình đào tạo đảm bảo được năng lực của sinh viên tốt nghiệp, tính logic và tính tích hợp của các học phần trong chương trình dạy học, nhằm đảm bảo cho sinh viên được tiếp cận các kiến thức theo trình tự từ cơ bản đến chuyên sâu, từ đơn giản đến phức tạp, từ khối lĩnh vực rộng đến kiến thức chuyên ngành.

Phương pháp tiếp cận trong dạy và học của ngành đảm bảo thể hiện rõ triết lý 5 chữ Mở: "Mở cơ hội - Mở trí tuệ - Mở trái tim – Mở tầm nhìn – Mở tương lai”. Đồng thời, Khoa xác định nhiệm vụ đảm bảo chất lượng người học và hoạt động hỗ trợ người học; tạo môi trường tâm lý xã hội tích cực, mang đến sự thoải mái cho sinh viên khi tham gia học tập.

Ngoài ra, Khoa cũng thực hiện lấy ý kiến đánh giá của sinh viên về chất lượng các dịch vụ hỗ trợ và tiện ích khi học; quan tâm đến các ý kiến phản hồi của các bên liên quan về nội dung, dữ liệu cần thiết làm căn cứ xây dựng và phát triển chương trình.

Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội. Ảnh: NVCC

"Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, với chỉ tiêu và quy mô tuyển sinh hằng năm, Trường Đại học Mở Hà Nội luôn khẳng định được uy tín cũng như chất lượng dạy – học đối với từng chương trình đào tạo. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên nhà trường tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành Bảo hiểm nên không thể tránh việc sinh viên chưa hoàn toàn đặt niềm tin theo học.

Với phương châm “luôn luôn lắng nghe, sẵn sàng tiếp thu ý kiến phản hồi của người học” để cập nhật và điều chỉnh chương trình sao cho phù hợp, cùng đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm, nhà trường khẳng định, người học chắc chắn sẽ có những trải nghiệm mới nhất, tuyệt vời nhất khi học ngành Bảo hiểm của nhà trường", Trưởng khoa Khoa Tài chính - Ngân hàng cho biết.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Bảo hiểm có thể làm việc ở Bộ Tài chính

Cùng chia sẻ với phóng viên về vị trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Bảo hiểm, Tiến sĩ Trần Phương Thảo - Phó Trưởng khoa Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Bảo hiểm có thể làm tại các công ty bảo hiểm, môi giới bảo hiểm (ở các vị trí: chuyên viên quản trị nghiệp vụ bảo hiểm; chuyên viên quản trị kinh doanh bảo hiểm; chuyên viên nghiên cứu phát triển sản phẩm;...).

Chưa kể, sinh viên tốt nghiệp ngành Bảo hiểm có thể làm việc tại các tổ chức kinh tế - xã hội (ở các vị trí như chuyên viên/chuyên gia phân tích, tư vấn và hoạch định chiến lược và xây dựng các chương trình bảo hiểm, quản trị rủi ro).

Thêm nữa, các em còn có thể làm việc ở cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp về hoạt động bảo hiểm như: Bộ Tài chính; Cục Quản lý giám sát bảo hiểm; Thanh tra bảo hiểm, Sở Tài chính; Hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Hiệp hội bảo hiểm công chức, viên chức; Nghiên cứu, tư vấn chính sách bảo hiểm, quản lý chuyên môn.

Đặc biệt, tốt nghiệp ngành Bảo hiểm, sinh viên có khả năng thành lập các công ty hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm, cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm, giám định rủi ro, tư vấn hoạch định tài chính cá nhân.

Tiến sĩ Trần Phương Thảo (thứ 5, từ trái sang) cùng các sinh viên Khoa Tài chính - Ngân hàng trong hoạt động kiến tập. Ảnh: NVCC

Để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Bảo hiểm, Trường Đại học Mở Hà Nội đã có kế hoạch kết nối với đơn vị tuyển dụng để hỗ trợ sinh viên.

Đại diện một công ty bảo hiểm nhận định, việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao là tình trạng chung trên thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay. Tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện, nhu cầu tuyển dụng luôn đa dạng với nhiều vị trí việc làm. Trong số đó, công ty có chính sách tiếp nhận sinh viên năm thứ 3, năm thứ 4 tham gia thực tập, làm việc bán thời gian. Kết thúc quá trình thực tập, công ty sẽ xem xét tuyển dụng đối với những sinh viên có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc.

Cũng theo vị này, đối với sinh viên mới ra trường, nếu các em vào công ty làm việc, tùy vào vị trí và hiệu quả công việc sẽ nhận mức lương khác nhau (trong đó, mức lương khởi điểm 8-10 triệu đồng/tháng). Khi đã có kinh nghiệm và đảm nhận vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như nghiên cứu, phân tích, thẩm định… mức lương cơ bản sẽ từ 15-20 triệu đồng, kèm thưởng hiệu quả công việc.

"Qua tiếp xúc với các nhân sự tốt nghiệp ngành Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Mở Hà Nội chúng tôi tin rằng, sinh viên ngành Bảo hiểm khi được đào tạo tại nhà trường sẽ có được kiến thức và kỹ năng tốt, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhân lực lĩnh vực bảo hiểm.

Theo tôi, để trở thành cán bộ, nhân viên bảo hiểm, người học ngoài trang bị kiến thức nền tảng của ngành, cần có kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý khách hàng, sử dụng thành thạo tiếng Anh là lợi thế. Đặc biệt, bảo hiểm bao gồm nhiều lĩnh vực nên để thu hút khách hàng, chuyên viên tư vấn bảo hiểm cần phải học hỏi, có kiến thức ở nhiều lĩnh vực kỹ thuật (như ô tô, vận tải, xây dựng,...), lập trình, phân tích dữ liệu", vị này nêu

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nam-2024-truong-dai-hoc-mo-ha-noi-san-sang-tuyen-sinh-nganh-bao-hiem-post242753.gd