Jane Wallis Burrell và hành trình đến với CIA

Ngày 6/1/1948, một chiếc Douglas DC-3 của hãng hàng không Pháp trong chặng bay từ thủ đô Brussels (vương quốc Bỉ) đã rơi khi cố gắng áp sát phi trường Le Bourget gần Paris. Vụ tai nạn làm chết 5 thành viên phi hành đoàn, và từ 10 đến 11 hành khách.

Trong số các nạn nhân thiệt mạng có 1 nữ hành khách trẻ, người mà cánh báo giới cho rằng bà là thư ký hoặc giao liên, hoặc không hẳn như vậy. Sự thực thì Jane Burrell là một sĩ quan của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và cái chết của bà xảy ra chỉ 110 ngày sau khi CIA chính thức được thành lập vào tháng 9 năm trước đó, đã đánh dấu bà là sĩ quan đầu tiên của CIA tử thương trong lúc được cử đi làm nhiệm vụ.

Tại thời điểm khi mà hầu hết nữ giới trong ngành tình báo Mỹ là “các nhân viên đánh máy” thì quan chức phản gián CIA, Jane Burrell, đã từng kinh qua nhiều trọng trách trong hàng loạt các cơ quan tình báo là tiền thân của CIA: Cục tình báo chiến lược (OSS), Đơn vị dịch vụ chiến lược (SSU) và Tổ chức tình báo trung ương (CIG).

Jane Wallis Burrell, điệp viên gan dạ và mưu trí của OSS và CIA. Ảnh nguồn: CIA.

Hoàn cảnh xuất thân

Jane Burrell sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn chương. Tên thật là Jane O’Neil Wallis, chào đời năm 1911 tại Dubuque (tiểu bang Iowa), và Jane Burrell là chị cả trong số 3 chị em. Ông cụ thân sinh là James H. Wallis, tốt nghiệp đại học Yale và sau này đã phấn đấu trở thành biên tập viên báo chí, chính trị gia kiêm nhà văn thành công ở địa phương. Sau Thế chiến I, ông James Wallis làm việc ở Châu Âu tại Hiệp hội chẩn tế Mỹ (do Herbert Hoover sáng lập, ông là Tổng thống thứ 31 của Mỹ).

Năm 1921, gia đình Wallis tái chuyển nhà đến sống ở Washington, DC, nơi đó ông James Wallis giữ vai trò trợ lý và viết diễn văn cho Bộ trưởng Thương mại Herbert Hoover. Tới năm 1929, Jane đã tốt nghiệp trường trung học (trường Holton-Arms, trường dành cho nữ sinh tại Bethesda, tiểu bang Maryland, và sau đó đặt ở Washington). Phương châm của trường Holton-Arms có lẽ là thứ thôi thúc Jane theo học: “Inveniam viam aut faciam” có nghĩa là “Tôi sẽ tìm thấy con đường”.

Con đường mà Jane tham gia vào tình báo Mỹ và cuối cùng là đặt chân vào CIA là bằng khả năng trí tuệ kết hợp với vốn tiếng Pháp lưu loát của mình. Theo học chuyên ngành tiếng Pháp tại Đại học Smith ở khu thịnh vượng chung Massachusetts (và chủ tịch Câu lạc bộ tiếng Pháp của trường này), Jane đã đào sâu vốn hiểu biết về văn hóa Pháp thông qua các chương trình du học hải ngoại tại Montreal (Canada), Grenoble, và Sorbonne ở Paris. Bà dành toàn bộ năm cuối cấp tại Pháp cũng như đi du lịch đến Italy, Tây Ban Nha và Đức.

Năm 1933, sau khi tốt nghiệp, Jane Wallis kết hôn với David Burrell (một sinh viên Yale mới tốt nghiệp) và trong 10 năm tiếp đó vợ chồng họ sống ở ngoại ô New York, nơi ông David Burrell làm việc cho công ty sản xuất máy làm sữa của gia đình mình. Trong giai đoạn 1936-1937, Jane Wallis tiếp học tiếng Pháp và văn chương Anh tại Đại học Columbia ở thành phố New York.

Sau khi Mỹ đưa chân vào Thế chiến II, ông David Burrell gia nhập hải quân và được chuyển công tác đến Căn cứ hàng không dự bị hải quân (NRAB) ở Anacostia (Đông Nam Washington D.C) vì thế mà hai vợ chồng phải dọn tới Washington.

Bà Jane nộp đơn ứng cử ở OSS và bắt đầu làm việc ở tổng hành dinh OSS trong tháng 3/1943. Chẳng mấy chốc sau đó, bà Jane và chồng xa cách nhau: Hải quân phái ông David đến Nam Thái Bình Dương, và cuối năm 1943, bà Jane phục vụ cho OSS ở London với những nhiệm vụ kế tiếp tại Pháp và Đức. Vài năm sau đó vợ chồng họ lại sống ly thân (tháng 1/1946) vì rằng ông David muốn quay lại công việc kinh doanh của gia đình, trong khi bà Jane vẫn mải mê với ngành tình báo.

Trang phục nữ điệp báo của OSS năm 1944.

Thành viên nòng cốt của OSS

Dù có bằng đại học và kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, bà Jane Burrell (lấy theo họ chồng) đã được OSS thuê làm thư ký (loại công việc phổ biến cho nữ giới thời đó) với mức lương hàng năm tương đương 1.440 USD. Tuy nhiên, công việc thực sự của bà lại là một nhà phân tích. Bà được chỉ định vào thư viện tham chiếu trực thuộc Nhánh phân tích & nghiên cứu OSS (R&A), làm việc tại Bộ phận ghi hình, nôm na là xử lý ảnh, nhận diện và khai thác thông tin tình báo.

Công việc của bà Jane Burrell là một nhà phân tích R&A và vốn ngoại ngữ Pháp điêu luyện đã khiến bà nhanh chóng lọt vào mắt xanh của ông James R. Murphy, giám đốc phản gián mới của OSS. Ông James Murphy có thói quen để ý tới những người trẻ có năng lực nhuần nhuyễn các ngôn ngữ Tây Âu và tuyển dụng họ vào bộ phận Phản gián. Ông đặc biệt quan tâm tới việc tuyển dụng phụ nữ, họ được xem là ứng viên tốt bởi thói quen để mắt tới từng chi tiết: một kỹ năng hết sức quan trọng của công tác phản gián.

Đầu năm 1944, Nhánh phản gián của ông Murphy có một cái tên mới: X-2. Mặc dù nhóm tác giả bài viết này biết Jane Burrell kết thúc công việc ở X-2, nhưng các hồ sơ của bà tại OSS đã không cho thấy rõ quá trình chuyển tiếp và loại công việc mà bà đã đảm đương. Tài liệu nhân sự thường được trình bày mơ hồ và thậm chí cả mâu thuẫn.

Người ta biết rằng bà Jane Burrell đến London vào tháng 12/1943 và dựa theo các tài liệu còn lưu lại cho thấy bà đã làm việc cho cả R&A hoặc X-2. Chắc chắn bà đã công tác tại X-2 ở Pháp vào giữa năm 1944 ngay sau cuộc xâm lược Normandy. Theo Cục lưu trữ mặt trận OSS thì công việc của Jane Burrell là “Sĩ quan phụ trách X-2”. Trong công tác phản gián, để tiến hành điều tra và duy trì các hoạt động này đòi hỏi giấy tờ nhiêu khê cùng việc lưu trữ hồ sơ, song nó không phải là tất cả đối với nghề bàn giấy.

Các nhân viên đánh máy và dịch mật mã của CIA. (Ảnh nguồn: CIA Archives).

Là một nữ dân sự làm việc trong dạng ngành nghề mà cánh quân nhân nam thống trị, Jane Burrell đã tham gia vào lĩnh vực phản gián vốn rất quan trọng, đặc biệt là sau khi bà được bổ nhiệm hồi tháng 5/1945 trong nhóm Phản gián đặc biệt OSS (SCI) trực thuộc Tập đoàn quân số 6 của Mỹ. Những đội SCI này (mỗi đội thường bao gồm hàng chục nhân viên (cả dân sự lẫn quân sự), là những đơn vị X-2 dã chiến cơ động được mô phỏng cách làm việc giống như các đơn vị phản gián của MI.6 (Anh) với phạm vị hoạt động tại Bắc Phi và Sicily.

Cũng như các đối tác tình báo Anh, các đơn vị SCI Mỹ đảm nhận thực hiện thu thập tình báo, bóc trần các điệp viên địch (bao gồm các tay sát thủ, phần tử phá hoại, và những nhân vật “nằm vùng” khác), thẩm vấn các nguồn tin, điều hành các điệp viên bao gồm những điệp viên kép của địch, chống lại quân Đức. Một số tài liệu còn tồn tại đã khẳng định điệp viên Jane Burrell là thành phần nòng cốt của những hoạt động này khi thường xuyên đi công vụ xuyên suốt năm 1945 tới nhiều thành phố ở Pháp và Đức.

“Công thần” của CIA

Tháng 10/1945, lúc OSS bị giải thể, chỉ 1 trong số 3 sĩ quan nước ngoài X-2 được chỉ định phục vụ cho tổ chức kế nhiệm mới: Đơn vị quân chủng chiến lược (SSU) của Bộ Chiến tranh. Công việc của bà Jane Burrell ở OSS được xem là tối quan trọng đủ để bà tồn tại trong cộng đồng tình báo Mỹ sau khi thu hẹp hoạt động này thời hậu chiến, bà tiếp tục nhận lệnh điều động phục vụ cho SSU tại Pháp.

Lịch sử nghề nghiệp của điệp viên Jane Burrell cho thấy bà làm việc đối với các hồ sơ phản gián Đức mặc dù quy mô và hiệu quả thành công của những hoạt động này vẫn còn là một ẩn số. Tháng 11/1945, bà Jane Burrell quay lại Washington D.C và tiếp tục làm việc với nhánh X-2 của SSU trong lúc đang chuẩn bị nhiệm vụ nước ngoài tiếp theo của mình. Ngày 6/5/1946, bà Jane Burrell tham dự Khóa truyền bá tư tưởng SSU kéo dài 1 ngày, bà là một trong số 10 sĩ quan X-2 trong số 25 học viên của khóa học này.

Một thời gian ngắn sau đó, bà Jane Burrell được thăng lên P-2 (Ty chuyên viên cấp 2), lương hàng năm của bà lúc này là 2.980 USD, tức hơn gấp đôi so với mức lương ban đầu mà OSS đã trả cho bà từ 3 năm trước đó. Tháng 7/1946, điệp viên Jane Burrell quay lại Pháp. Tháng 10/1946, SSU được gộp chung vào Tập đoàn tình báo trung ương (CIG) do đích thân Tổng thống Harry Truman ban sắc lệnh thành lập vào tháng 1 trước đó.

Cùng với sự chuyển tiếp từ OSS sang SSU, và CIG cũng theo lối đó (chỉ có khoảng 40% nhân sự nước ngoài của SSU được tái bổ nhiệm) nhưng bà Jane Burrell nằm trong số các quan chức có năng lực cao của SSU tiếp tục làm việc cho CIG. Năm 1947 thông qua Luật an ninh quốc gia đã chuyển CIG sang CIA, và trong tháng 9 năm này, bà Jane Burrell đã trở thành “công thần” của CIA tiếp tục phụng sự trong vai trò sĩ quan tình báo giá trị cao của cơ quan này.

Tấm bia mộ của điệp viên Jane Wallis Burrell. Ảnh nguồn: CIA Archives .

Nhóm tác giả bài này không biết gì về các hoạt động của bà Jane Burrell tại thời điểm bà từ trần. Ngày 6/1/1948, sau chuyến du lịch Brussels (Bỉ), bà Jane quay lại quê nhà (theo truyền thống là cuối mùa Giáng sinh) và bất chấp sự phỏng đoán là bà vừa xong một nhiệm vụ nào đó, vì tài liệu ít ỏi nên vấn đề này không được rõ ràng. Tại thời điểm đó, một phát ngôn viên chính thức của Mỹ khẳng định rằng bà Jane đi nghỉ mát.

Có một sự thực trớ trêu là điệp viên Jane Burrell không trở thành ứng viên để có ngôi sao trên Bức tường tưởng niệm của CIA, do bởi khu tưởng niệm này dùng để tôn vinh các nhân viên của CIA qua đời trong những hoàn cảnh đặc biệt, nhưng thiệt mạng từ các tai nạn của máy bay thương mại lại được cho là không đủ tiêu chuẩn.

Cùng lúc đó, sự cống hiến của bà Jane Burrell đối với CIA và những tổ chức tiền thân của nó lại rất vinh dự và xứng đáng được tôn vinh. Sau khi bà Jane qua đời, cha mẹ bà đã thành lập Quỹ học bổng tưởng niệm Jane O’Neil Wallis tại Đại học Smith nhằm cho phép các sinh viên Smith có kinh phí học năm cuối cấp ở Pháp. Đến ngày nay, học bổng vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ; cháu gái của bà Jane thông báo học bổng mỗi năm cho các sinh viên của Đại học Smith khi họ du học tại Pháp như cách bà Jane Burrell đã làm từ hơn 80 năm trước.

Phan Bình (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/jane-wallis-burrell-va-hanh-trinh-den-voi-cia-i701284/