Đường sắt hiện thực hóa mục tiêu: Đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa

Ngày 2/5, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã khai trương đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ ga Cao Xá (tỉnh Hải Dương) tham gia hành trình liên vận quốc tế. Đây là ga thứ hai sau ga Kép (Bắc Giang) được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc cải tạo, nâng cấp giai đoạn 1 để thành ga liên vận quốc tế trong tương lai. Việc đưa ga Cao Xá thành ga liên vận quốc tế nhằm tiếp tục chủ trương hiện thực hóa mục tiêu đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa.

Vận tải hàng hóa bằng đường sắt rẻ hơn đường bộ từ 30-35%

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh, việc thực hiện hoạt động vận chuyển hàng hóa, trong đó có hàng liên vận quốc tế tại ga Cao Xá nhằm triển khai "Phương án nâng cao năng lực vận tải hàng hóa nội địa và liên vận quốc tế bằng đường sắt" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chuyến tàu liên vận quốc tế khởi hành từ ga Cao Xá ngày 2/5/2024.

"Về vận tải bằng đường sắt, từ ga Cao Xá đến ga Yên Viên khoảng 50km, từ đây tổ chức vận tải liên vận quốc tế thuận lợi đi Trung Quốc và các nước khác qua cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng, cũng như vận chuyển nội địa đi các tỉnh, thành miền Trung và miền Nam, đồng thời thu hút khách hàng từ các tỉnh lân cận tỉnh Hải Dương như Hưng Yên, Thái Bình...", ông Khánh nói. Ngay sau lễ khai trương, đường sắt đã có kế hoạch kết nối ga Cao Xá với hệ thống các ga liên vận quốc tế như Yên Viên, Lào Cai, Đồng Đăng... để có thể khai thác hiệu quả nhất hoạt động phục vụ vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tại ga Cao Xá. Dự kiến, ngày 20/5 tới, tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức mở vườn vải Thanh Hà, cắt băng xuất khẩu vải chuyến đầu tiên tại ga Cao Xá.

Trước đó, vào tháng 2/2024, chuyến tàu liên vận đầu năm khởi hành từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Trung Quốc chở đầy ắp hàng nông sản. Đi bằng đường sắt, các doanh nghiệp kỳ vọng mặt hàng này sẽ được đưa đi tiêu thụ nhanh chóng, thuận tiện, an toàn và tiết kiệm chi phí. Theo lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Sóng Thần là nhà ga hàng hóa đường sắt lớn nhất phía Nam, nằm trong vùng kinh tế năng động nhất nước. Sau khi tổ chức chạy tàu liên vận quốc tế, từ năm 2023, ngành Đường sắt đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị giới thiệu về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt. Tại đây, các doanh nghiệp chia sẻ rằng, tàu liên vận khởi hành từ ga Sóng Thần đã biến giấc mơ thành hiện thực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics. Với đường sắt, doanh nghiệp có thể chủ động làm thủ tục tại nơi xuất hàng và đưa hàng đến ga Sóng Thần, sau đó được đưa đi theo phương án an toàn, đảm bảo đúng lịch trình, thủ tục thuận tiện và thân thiện, chi phí cạnh tranh. Tất cả đều thuận tiện với các đơn hàng gồm nhiều container. Qua đó, giúp nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nước ta cũng như nâng cao uy tín, vị thế của doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài. Sản lượng vận chuyển liên vận quốc tế liên tục tăng mạnh trong những năm qua, cao nhất là 1,33 triệu tấn/năm. Đường sắt đã trở thành một lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp trong công tác giao thương với các thị trường Á - Âu.

Doanh nghiệp cần ưu tiên kênh vận chuyển đường sắt dài hạn

Mạng lưới đường sắt hiện trải dài trên địa bàn của 34 tỉnh, thành gồm 7 tuyến chính, 12 tuyến nhánh với tổng chiều dài đường tuyến chính là 2.703km, đường ga và đường nhánh là 612km. Thời gian qua, ngành đường sắt đã nỗ lực để mở rộng phủ sóng mạng lưới ga liên vận quốc tế từ Bắc vào Nam. Càng mở được nhiều ga liên vận quốc tế càng đưa được nhiều cửa khẩu vào sâu trong nội địa. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hiện nay, ngành đường sắt đã mở được 7 ga liên vận quốc tế. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của đường sắt hiện nay là thiếu kết nối tới kho cảng lớn, khu công nghiệp, nhà máy... để giảm được chi phí trung chuyển, giải phóng hàng nhanh, đồng thời hạn chế được ôtô chở hàng đến ga, giảm được tai nạn, ô nhiễm môi trường. Để khắc phục vấn đề này, hiện nay Cục Đường sắt Việt Nam đang xây dựng quy hoạch chi tiết các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối, trong đó khu vực phía Nam được quy hoạch nhiều tuyến đường sắt kết nối cảng biển. Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) cho hay, khách hàng có nhu cầu vận chuyển chỉ cần liên hệ với Trung tâm vận tải hàng hóa quốc tế thuộc Ratraco để được hướng dẫn tất cả các thủ tục, điều kiện cần và phải có. Ngoài các loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, hiện tại Ratraco đang vận chuyển các loại hàng thủy sản khác như cá basa, cá tra... Chi phí vận chuyển đường sắt hiện tại so với vận chuyển đường bộ sẽ rẻ hơn từ 30 - 35% và khi đến cửa khẩu hàng hóa được thông quan nhanh chóng, không bị gặp trường hợp ách tắc như cửa khẩu đường bộ vào các đợt cao điểm.

Một lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng từng chia sẻ: Hệ thống đường bộ xuất khẩu sang Trung Quốc mặc dù ngày càng được cải thiện tốt hơn nhưng do đường bộ vướng về địa thế, sông núi nên không mở rộng được, khiến lưu lượng xe tải qua kênh đường bộ có thời điểm bị quá tải, gặp khó khăn trong việc thông quan. Việc lựa chọn kênh đường sắt để xuất khẩu sang Trung Quốc cũng mở ra cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước Trung Á, châu Âu thông qua tuyến đường sắt liên vận. Còn dưới góc nhìn của ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, việc tổ chức hoạt động vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tại Hải Dương, từ Ga Cao Xá hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sẽ được kết nối trực tiếp với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á-Âu.

Với hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại ga Cao Xá, ông Cảnh tin tưởng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics sẽ có thêm giải pháp vận tải tối ưu bằng đường sắt nhằm giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, hợp tác quốc tế. Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt như: đầu tư thêm phương tiện đầu máy toa xe, kiến nghị cấp có thẩm quyền giao nhà ga, bãi hàng cho Tổng Công ty Đường sắt để tạo điều kiện, phát huy lợi thế tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và tính chủ động của doanh nghiệp... Mục tiêu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là nâng sản lượng vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt lên 4,5 triệu tấn/năm trong các năm tiếp theo.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/duong-sat-hien-thuc-hoa-muc-tieu-dua-cua-khau-vao-sau-trong-noi-dia-i730024/