Chỉ nên coi vàng là mặt hàng có tính thương mại hơn là có tính chất tiền tệ

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhập khẩu vàng là giải pháp căn cơ nhất để tăng cung, giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Không cần lo lắng về việc nếu được phép thì doanh nghiệp sẽ ào ào nhập khẩu vàng.

Đánh giá về các phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là tăng cung vàng, từ đó giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.

Tuy vậy, đấu thầu không phải là giải pháp vẹn toàn để đạt mục tiêu này. Đấu thầu vàng, nếu có hiệu quả, cũng chỉ là ngắn hạn. Về lâu dài, mất cân bằng cung - cầu vẫn sẽ diễn ra, chênh lệch giá vàng vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Câu hỏi đặt ra là tại sao từ năm 2020 đến nay chênh lệch giá vàng lại tăng mạnh? Theo các chuyên gia, có mấy nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Thứ nhất, cầu vàng trong nước hơn 3 năm qua tăng mạnh cùng với “sóng vàng” diễn ra trên thế giới.

Thứ hai, kiểm soát nhập lậu vàng từ năm 2020 đến nay diễn ra chặt chẽ hơn, dẫn tới nguồn cung khan hiếm hơn.

Ngoài ra, độc quyền vàng miếng SJC cũng khiến tình trạng khan vàng SJC trở nên căng thẳng.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, ngoài đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, bỏ độc quyền nhập khẩu và xuất khẩu vàng nguyên liệu, cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo hạn ngạch. Nhà nước có thể quản lý vàng nhập khẩu thông qua chính sách thuế.

Với ý kiến lo ngại cho phép nhập khẩu vàng sẽ khiến vàng nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Chả doanh nghiệp nào dại để nhập khẩu vàng nhiều, vì nhập nhiều, ế thì doanh nghiệp sẽ có nguy cơ thua lỗ”.

Theo chuyên gia này, các nước trên thế giới đều quản lý cung vàng trong nước thông qua chính sách thuế. Việt Nam cũng chỉ nên coi vàng là mặt hàng có tính thương mại hơn là mặt hàng có tính chất tiền tệ.

“Vàng không có ý nghĩa nào về chính sách tiền tệ, ngoại trừ khía cạnh dự trữ. Thay vì quá quan tâm đến vàng, chúng ta nên dành sự quan tâm cho các mặt hàng thiết yếu hơn, ví dụ xăng dầu. Theo tôi, quản lý vàng không quan trọng bằng quản lý giá xăng dầu. Vì xăng dầu tăng lập tức làm tăng lạm phát chi phí đẩy. Còn với vàng, do độc quyền, cấm nhập khẩu nên mới gây ra tình trạng này. Nếu chúng ta để tự do hóa thị trường vàng, thúc đẩy xuất khẩu vàng trang sức thì cân đối ngoại tệ không đáng lo”, ông Nghĩa nhận định.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chi-nen-coi-vang-la-mat-hang-co-tinh-thuong-mai-hon-la-co-tinh-chat-tien-te-d215378.html