Xuất khẩu thủy sản khó 'bật tăng' trong ngắn hạn

Nhìn chung, các thị trường đang hồi phục khá chậm, do vậy xuất khẩu thủy sản chưa thế bứt phá trong những tháng tới.

Xuất khẩu thủy sản dự báo về đích với kim ngạch đạt khoảng 9 tỷ USD

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, các thị trường đang hồi phục khá chậm, do vậy xuất thủy sản chưa thể bứt phá trong những tháng tới, dự kiến về đích năm 2023 với kim ngạch đạt 9 tỷ USD.
Theo VASEP cho biết, tính đến hết tháng 10/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 7,43 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo nhóm sản phẩm chính, xuất khẩu tôm chân trắng, tôm sú, cá tra, cá ngừ, mực bạch tuộc, cua, ghẹ đều giảm so với năm 2022. Tuy nhiên, phân tích theo từng loài, có thể nhận thấy xu hướng tích cực của nhiều mặt hàng thủy sản trong năm nay.

Xuất khẩu tôm chân trắng giảm 24%, tôm sú giảm 22%, thì xuất khẩu tôm hùm xanh tăng trưởng 21% với 103 triệu USD, chủ yếu được xuất sang Trung Quốc. Sản phẩm này vẫn đang có nhu cầu lớn tại Trung Quốc, nhất là vào dịp cuối năm, phục vụ cho phân khúc nhà hàng, khách sạn đang hồi phục mạnh tại nước này. Ngoài ra, tép khô (ruốc khô) cũng có đơn hàng tăng từ nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Australia… Theo đó, tính đến hết tháng 10, xuất khẩu sản phẩm này tăng 20% so với cùng kỳ, đạt trên 17,4 triệu USD.

Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra mặc dù giảm 29% so với cùng kỳ, chủ yếu vì sản phẩm cá tra phile đông lạnh giảm 33%, nhưng vẫn có một số sản phẩm từ cá tra đang được ưa chuộng tại các thị trường. Điển hình là sản phẩm bong bóng cá tra khô đã mang lại giá trị trên 72 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều thị trường tăng mạnh nhập khẩu bong bóng cá tra của Việt Nam, trong đó Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất, chiếm 80% với giá trị hơn 57 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường khác như Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ cũng tăng mạnh nhu cầu sản phẩm này. Ngoài ra, sản phẩm chả cá tra, cá tra xông khói, cá tra cắt miếng tẩm bột chiên cũng có doanh số xuất khẩu tăng từ 50-300% so với năm ngoái.

Đối với cá ngừ, xuất khẩu tới hết tháng 10/2023 giảm 22%, chủ yếu ở phân khúc cá phile/cắt khúc, loin đông lạnh (-41%), trong khi đó cá ngừ hộp có xu hướng khả quan với tăng trưởng dương 7% đạt 205 triệu USD. Xuất khẩu cá hộp sang Israel, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu tăng trưởng mạnh 2-3 con số. Riêng sản phẩm cá ngừ hộp ngâm dầu tăng 16% doanh số với 124 triệu USD trong 10 tháng.

Một số loài cá biển thuộc dòng sản phẩm được nhập khẩu nguyên liệu từ các nước để gia công, xuất khẩu gồm cá minh thái, cá tuyết, cá cam có kết quả xuất khẩu cao hơn so với năm trước, thể hiện sự đa dạng hoạt động và nguồn nguyên liệu của các công ty chế biến thủy sản, tận dụng sự chuyển dịch hoạt động gia công chế biến thủy sản từ Trung Quốc sang các nước khác. Theo đó, xuất khẩu cá tuyết tăng 30%, cá cam tăng 50%...

Nhiều loài cá khác có doanh số xuất khẩu tăng mạnh như cá thu tăng 19%, cá bơn tăng 40%, cá hố tăng 95%, cá ba thú tăng 244%, cá đuối tăng 32%...

Rõ ràng là bối cảnh lạm phát của năm 2023 đã thúc đẩy nhu cầu của các sản phẩm thủy sản bình dân tăng, trong khi thủy sản cao cấp bị giảm. Đó là xu hướng chung của hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đặc biệt, đối với thị trường Trung Quốc, xu hướng khả quan hơn, sau khi dịch Covid chấm dứt, giao thương trở lại bình thường. Nhu cầu của Trung Quốc đối với các sản phẩm thủy sản đa dạng hơn, phục vụ cho các phân khúc thị trường khác nhau. Thị trường này cũng xuất hiện các xu hướng khác so với những năm qua: ví dụ như sự bùng nổ thị trường lẩu hải sản, món cá tra nấu dưa trở nên phổ biến; nhu cầu thủy sản bền vững tăng vọt… Nhiều thay đổi của thị trường này khiến doanh nghiệp cần nhìn nhận lại Trung Quốc là điểm đến tiềm năng nhưng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Nhìn chung, các thị trường đang hồi phục khá chậm, do vậy xuất khẩu thủy sản chưa thế bứt phá trong những tháng tới. Tháng 10 thường là tháng cao điểm nhưng giá trị xuất khẩu thủy sản vẫn thấp hơn 9% so với cùng kỳ, đạt 825 triệu USD, thấp hơn so với mức đỉnh của năm là 859 triệu USD vào tháng 8.

Thông tin trên VTV, các chuyên gia cũng dự đoán xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023 có thể chạm mốc 9 - 9,2 tỷ USD. Để hầu hết người tiêu dùng vẫn tiếp cận được các sản phẩm hải sản phổ biến và cao cấp, các nhà chế biến và kinh doanh thủy sản có thể đóng gói sản phẩm kích cỡ nhỏ hơn, giá phù hợp với túi tiền của mọi tầng lớp thu nhập.

Ảnh minh họa.

Dư địa lớn cho thủy sản xuất khẩu

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2023 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nhiều thị trường gặp khó khăn, xuất khẩu bị thu hẹp, nhưng với thị trường Trung Quốc thì ngược lại, đây là thị trường có nhiều triển vọng và dư địa lớn đối với thủy sản xuất khẩu thời gian tới.

Theo báo Đại Đoàn Kết, để hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội VASEP kiến nghị cơ quan chức năng tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp gồm: Bất cập quy định liên quan đến việc áp trần chi phí lãi vay; vướng mắc trong phân loại bùn thải của nhà máy chế biến thủy sản; tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, định mức chi phí tái chế còn rất cao đề nghị được điều chỉnh, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; Bất cập trong việc xác định cấp thẩm quyền cấp giấy phép môi trường cho nhà máy; về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngành thủy sản…

Theo bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của VASEP, kết quả xuất khẩu thủy sản trong quý III/2023 có khởi sắc so với những tháng đầu năm nhưng chưa có sự đột phá mạnh mẽ để nhìn thấy một xu hướng ổn định trong thời gian tới, vì mặt bằng so sánh nửa đầu năm 2022 đã ở mức thấp, sau khi tăng cao nửa đầu năm 2022. Dự báo xuất khẩu thủy sản quý IV/2023 có thể mang về khoảng 2,4 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 lên 9 tỷ USD.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xuat-khau-thuy-san-kho-bat-tang-trong-ngan-han-a637804.html