Xử lý nghiêm mọi hành vi trục lợi tâm linh

Mạng xã hội đang 'hot' với cụm từ 'đúng nhận, sai cãi'- câu cửa miệng của 'cô đồng online' Trương Thị H, có tài khoản facebook là 'Truong Huong', sinh sống tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Người này đăng lên tài khoản của mình các video clip xem bói về thân thế, gia cảnh, công danh sự nghiệp, tiền vận, hậu vận của 'thân chủ' bằng cách bổ quả cau để phán, theo kiểu 'số cô có mẹ có cha'. Rất nhanh chóng, cơ quan chức năng vào cuộc và chủ tài khoản này đã bị xử phạt hành chính vì đã vi phạm các điều khoản quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ và buộc phải gỡ bỏ thông tin trên trang cá nhân.

Cô đồng Trương Thị Hương làm việc với cơ quan chức năng. Ảnh: Báo SK&ĐS

Còn nhớ cách đây không lâu, tại Chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh, trụ trì chùa đã để phật tử P.T.Y đăng đàn thuyết pháp và tổ chức lễ thỉnh vong giải oan gia trái chủ, chữa bệnh cho người dân và phật tử có nhu cầu, trong nghi thức này có việc gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp, quy định việc người đăng ký pháp thỉnh “oan gia trái chủ” buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền do vong yêu cầu, thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng, hoặc làm công quả lao động tại chùa. Sự việc sau đó được Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết luận là không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống. Cơ quan chức năng cũng đã có những biện pháp xử lý vụ việc, xử phạt hành chính cá nhân vi phạm. Đó chỉ là hai trong rất nhiều những vụ việc có yếu tố “mê tín dị đoan” nhận được sự quan tâm của cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến giá trị văn hóa và đạo đức của các biểu tượng tín ngưỡng, tôn giáo.Có thể thấy, những năm gần đây, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước chủ trương nhất quán quan điểm để nhân dân được tự do tín ngưỡng, tôn giáo, với việc cho phép các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, nơi thờ tự được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; các hoạt động thực hành nghi lễ tâm linh cũng được quy định phải tiến hành một cách có văn hóa, đúng tính chất, phù hợp thuần phong mỹ tục và có sự quản lý của cơ quan chức năng. Điều 24 Hiến pháp 2013 đã quy định, mọi người có quyền tự do tôn giáo; Nhà nước và pháp luật luôn tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hay lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Đó là nhu cầu tinh thần của nhân dân, hướng con người đến cái thiện, tránh xa cái ác, cái xấu, tu nhân tích đức. Sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, giúp con người phát triển toàn diện.

Tuy nhiên đi kèm với đó, ngày càng xuất hiện nhiều hiện tượng mang màu sắc mê tín dị đoan, lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các cơ sở thờ tự để hành nghề bói toán, thu lợi bất chính, có tính chất lừa đảo, vi phạm pháp luật. Không khó để nhận thấy, nhiều hình thức như: Dịch vụ tâm linh, thầy bói, cô đồng, thầy tướng… đang hoạt động một cách công khai, diễn ra khắp nơi, thậm chí ở cả những địa điểm linh thiêng. Ở các lễ hội và cơ sở thờ tự như đền, chùa, miếu, am, điện thờ… chúng ta rất dễ bắt gặp cảnh khấn thuê, xin quẻ, hầu đồng, dâng sao giải hạn với hình thức rình rang, biến tướng, nhảm nhí, trái đạo lý. Vẫn biết, hoạt động tâm linh là một nhu cầu văn hóa của mỗi người, đời sống tâm linh còn là nét văn hóa truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thực sự hiểu biết, cả tin một cách mù quáng vào thần linh, ma quỷ, số mệnh; tin vào những phán truyền hoang đường, vô căn cứ của các đối tượng tự nhận mình là “đấng tối cao”, là “sứ giả của thượng đế”, là “người trời”… thì hệ lụy sẽ thực sự khó lường. Phân biệt giữa hoạt động tâm linh, thực hành tín ngưỡng tôn giáo với mê tín, dị đoan là lằn ranh rất mong manh, nếu không hiểu biết một cách đúng đắn, khoa học, không có tư duy và lý trí tốt sẽ rất dễ nhầm lẫn, dẫn đến sự u mê trong tiềm thức, lệch lạc về hành vi. Xác định được ranh giới đó sẽ giúp cho mỗi người hiểu, cảm thụ và tự tin hơn trong hoạt động tâm linh. Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII có nêu một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là có biểu hiện mê tín, dị đoan; Quy định 37 của Trung ương về những điều đảng viên không được làm: “mê tín, hoạt động mê tín, ủng hộ hoặc tham gia các tôn giáo bất hợp pháp hoặc lợi dụng các tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi”. Bởi thế, mỗi cán bộ đảng viên phải tìm hiểu về đời sống tâm linh, tham gia tích cực vào việc loại bỏ những yếu tố mê tín, dị đoan, kế thừa và phát triển văn hóa tâm linh trở thành giá trị cốt lõi của nền văn hóa mới, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; phải là những người tiên phong trong việc tăng cường giáo dục, tuyên truyền trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các giá trị tốt đẹp của văn hóa và tín ngưỡng, ngăn ngừa các hoạt động mê tín, dị đoan.

Đốt vàng mã thái quá cũng là biểu hiện của mê tín dị đoan.

Mê tín, dị đoan xét cho cùng là do thiếu hiểu biết, sự nhẹ dạ cả tin, nên chúng ta cần chú trọng hơn tới giáo dục, văn hóa, để nâng cao dân trí, để người dân hiểu biết về những hành vi đúng với tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc, giáo lý. Chú trọng tuyên truyền về hệ lụy của mê tín, dị đoan, những thủ đoạn lừa bịp của đối tượng xấu; phản đối, lên án, đấu tranh chống lại các hành vi mê tín, dị đoan, lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi. Mặt khác, phải có sự giám sát, quản lý chặt chẽ của các tổ chức quản lý di tích văn hóa và cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở- bởi mỗi địa phương sẽ nắm bắt và biết rõ những hoạt động nào mang màu sắc mê tín, dị đoan trên địa bàn. Đồng thời, cần phải phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, để những kẻ “buôn thần, bán thánh” không còn “đất diễn”.

Tất Cường

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/xu-ly-nghiem-moi-hanh-vi-truc-loi-tam-linh/190934.htm