Xu hướng gia tăng sử dụng than đá làm suy yếu các nỗ lực chống BĐKH

IAE cảnh báo nhu cầu điện than sẽ tăng kỷ lục trong năm nay. Xu hướng này là dấu hiệu đáng quan ngại, cho thấy những nỗ lực nhằm đạt mục tiêu trung hòa khí thải của thế giới đã đi chệch hướng.

Ngày 17/12, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo xu hướng gia tăng sử dụng than đá tại Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ có thể khiến nhu cầu sản xuất điện từ nguyên liệu này lên mức cao kỷ lục trong năm nay, qua đó làm suy yếu các nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo dự kiến, sản lượng nhiệt điện than sẽ đạt mức 10.350 TWh trong năm 2021. Nguyên nhân là do đà phục hồi kinh tế nhanh chóng khiến nhu cầu điện tăng mạnh, vượt quá khả năng đáp ứng của các nguồn cung điện sử dụng nguyên liệu có mức phát thải thấp.

Dự báo nhu cầu than đá, bao gồm nhu cầu của các ngành sản xuất xi măng và thép, sẽ tăng 6% trong năm nay. Mặc dù con số này sẽ không vượt mức tiêu thụ kỷ lục của năm 2013 và 2014, song có khả năng sẽ tăng lên mức kỷ lục vào năm tới.

Nhu cầu than đá gia tăng làm suy yếu các nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. (Ảnh minh họa)

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol khẳng định xu hướng này là dấu hiệu đáng quan ngại, cho thấy những nỗ lực nhằm đạt mục tiêu trung hòa khí thải của thế giới đã đi chệch hướng so với các mục tiêu khí hậu.

Trong đó, Trung Quốc đóng góp tới hơn 50% sản lượng nhiệt điện than trên toàn cầu. Dự báo trong năm 2021, con số này sẽ tăng 9% so với năm 2020. Trong khi đó, sản lượng nhiệt điện than tại Ấn Độ sẽ tăng 12% trong năm nay.

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh), kêu gọi các quốc gia tăng cường các mục tiêu giảm phát thải vào cuối năm 2022 và lần đầu tiên, kêu gọi loại bỏ dần than đá cũng như các khoản tài trợ nhiên liệu hóa thạch.

Theo đó, các nước đã nhất trí giảm mức tiêu thụ than đá trong nỗ lực nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Phía Trung Quốc đã cam kết bắt đầu giảm tiêu thụ than đá sau năm 2025, điều này làm dấy lên quan ngại rằng công suất nhiệt điện than của nước này sẽ tiếp tục tăng trong 4 năm tới.

Công nghiệp khai thác than xuất hiện tương đối sớm và được phát triển từ nửa sau thế kỉ XIX. Sản lượng than khai thác được rất khác nhau giữa các thời kỳ, giữa các khu vực và các quốc gia, song nhìn chung, luôn có xu hướng tăng lên về số lượng tuyệt đối. Trong vòng 50 năm qua, tốc độ tăng trung bình là 5,4%/năm, còn cao nhất vào thời kì 1950-1980 đạt 7%/năm. Từ đầu thập kỷ 90 đến nay, mức tăng giảm xuống chỉ còn 1,5%/năm.

Mặc dù việc khai thác và sử dụng than có thể gây hậu quả xấu đến môi trường (đất, nước, không khí...), song nhu cầu than không vì thế mà giảm đi. Các nhà khoa học nhiều lần cảnh báo về các mối nguy hiểm chực chờ do khí thải CO2 từ hoạt động đốt than.

Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cho rằng, để tránh nguy cơ bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế thế giới cần phải được chuyển đổi căn cơ trong một vài năm tới. Trọng tâm của cuộc chuyển đổi này là phải dứt bỏ than càng nhanh càng tốt.

Là một trong những nhiên liệu có chi phí rẻ, sản lượng dồi dào, mặc dù gây ô nhiễm nhất nhưng than vẫn là nguồn năng lượng lớn nhất để sản xuất điện trên toàn thế giới dù các năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời ngày càng rẻ hơn.

Theo giới chuyên gia khí hậu, than đá là nguồn nguyên liệu quan trọng nhưng cũng chính là nguyên nhân gây ra 20% hiện tượng hiệu ứng nhà kính và khí thải gas, vốn là nguyên nhân hàng đầu làm biến đổi khí hậu. Ô nhiễm không khí từ việc đốt cháy than đá gây tổn hại trực tiếp tới sức khỏe con người và đó cũng là lý do mà giới khoa học ví than đá là kẻ thù của loài người.

Lan Anh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/xu-huong-gia-tang-su-dung-than-da-lam-suy-yeu-cac-no-luc-chong-bdkh-62156.html