Xóa rào cản để xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, dẫn dắt các chuỗi giá trị công - nông nghiệp

Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, xóa bỏ mọi rào cản, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng, phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh cao…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự, chủ trì và chỉ đạo hội nghị.

Ngày 10/5, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức “Hội nghị toàn quốc về Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 4.322 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham gia của 206.962 đại biểu.

DOANH NGHIỆP QUY MÔ LỚN CÒN KHIÊM TỐN

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.

Tính đến tháng 3/2024, cả nước có khoảng 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 32.000 hợp tác xã và 5,2 triệu cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp, đội ngũ doanh nhân đã lên đến hàng triệu người.

Tính đến hết năm 2022, Việt Nam đã có 172 doanh nghiệp và 325 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Trong đó, có một số thương hiệu quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và quốc tế.

Mặc dù vậy, tổng kết Nghị quyết 09 chỉ rõ, sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế.

Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.

Mặt khác, một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nhân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự, chủ trì và chỉ đạo hội nghị.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém trên theo ông Hiển là do nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa đầy đủ, sâu sắc.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn hình thức. Công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Đánh giá cao những đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, song ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thẳng thắn cho rằng sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của một bộ phận doanh nhân chưa cao.

Thậm chí vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, đến mức phải xử lý hình sự, như vụ việc: Công ty Việt Á, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An,…

SỚM BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN QUỐC GIA, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

Trên cơ sở đánh giá tình hình kết quả hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, tại Nghị quyết 41, Bộ Chính trị đã đề ra các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu phát triển doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới.

Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Trong đó, hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước, khoảng 32 - 38% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98 - 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động xuất nhập khẩu trong tổng số doanh nghiệp đạt khoảng 10%.

Có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD; 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD và 100 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 triệu USD.

Số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới tăng 10% mỗi năm.

Ít nhất có 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.

Đến năm 2045, phấn đấu một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước…

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 4.322 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham gia của 206.962 đại biểu.

Để đạt những mục tiêu trên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần của Nghị quyết 41.

Cần quán triệt rõ: đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Vì thế, cần tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, xóa bỏ mọi rào cản, vướng mắc để xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật.

“Yêu cầu đặt ra là pháp luật, chính sách phải ổn định, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp thực tiễn nhưng cũng phải tiệm cận thông lệ quốc tế”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Muốn phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng Chính phủ cần sớm chỉ đạo ban hành Chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương và xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân theo tinh thần Nghị quyết 41.

Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế, biện pháp lên án, ngăn chặn, kiên quyết xử lý doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hóa kinh doanh, vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Cần tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, triển khai thực hiện. Chú trọng theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra; chuẩn bị thật tốt các điều kiện, nguồn lực với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết".

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xoa-rao-can-de-xay-dung-doi-ngu-doanh-nhan-lon-manh-dan-dat-cac-chuoi-gia-tri-cong-nong-nghiep.htm