Xóa 'điểm đen' trong ý thức tham gia giao thông

Lâu nay, các cơ quan chức năng có nhiều giải pháp xóa 'điểm đen' về hạ tầng, tổ chức giao thông, các nút giao cắt nguy hiểm… song nhiều vụ tai nạn xảy ra xuất phát từ lỗi chủ quan. Do vậy, xóa 'điểm đen' trong ý thức của mỗi người là một trong những biện pháp để hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, hạn chế tai nạn.

Khi xem lại đoạn clip do camera hành trình của một xe ô tô ghi được về vụ tai nạn xảy ra vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 9/11, trên đường tỉnh 293 đoạn gần cầu Văn Sơn, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang), nhiều người không khỏi ngán ngẩm. Thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, anh N.V.Q (SN 1983) ở thôn Dung, xã Hương Gián (Yên Dũng) điều khiển xe máy BKS 98M1 - 011.85 đi hướng Lục Nam - TP Bắc Giang.

Cán bộ cảnh sát giao thông Công an huyện Lạng Giang phát tờ rơi, tuyên truyền về ATGT cho công nhân, người lao động Công ty cổ phần Casablanca, Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa.

Đến đoạn đường đó, anh Q tăng tốc, chuyển hướng sang bên trái để vượt một xe ô tô đi cùng chiều. Tuy nhiên, do thiếu quan sát, lúc anh Q vừa vượt lên thì va chạm với xe ô tô tải BKS 98H - 020.99 đi ngược chiều. Tình huống đó không đủ điều kiện để anh Q vượt an toàn, chỉ cần chậm lại vài giây thì vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã không xảy ra. Vụ việc làm anh Q bị thương nặng, bất tỉnh tại chỗ, sau đó được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu, xe máy hư hỏng.

Khu vực giao nhau giữa đường tỉnh 398B (tại Km32+270) và đường bờ kênh thuộc thôn Đồng Long, xã Ngọc Thiện (Tân Yên) gần đây nổi lên là “điểm đen” nhức nhối về TNGT làm nhiều người tử vong hoặc bị thương.

Mới đây, khoảng 7 giờ 30 phút ngày 11/11, anh N.V.Q (SN 1989), trú tại thôn Bãi Dinh, xã Ngọc Thiện điều khiển xe mô tô BKS 98H1-008.84 đi qua ngã tư này va chạm với xe ô tô tải BKS 36H-033.19 do anh Nguyễn Xuân Dũng (SN 1980), trú tại thôn Vàng, xã Tiên Lục (Lạng Giang) điều khiển. Vụ tai nạn làm anh Q bị thương nặng, xe mô tô hư hỏng, xe tải chở đất bị lật trên đường.

Theo các nhân chứng và camera ở khu vực đó ghi lại cho thấy, khi băng qua ngã tư, anh Q đi xe từ đường bờ kênh ra với tốc độ khá cao, không làm chủ được tay lái đã đâm vào ô tô chở đầy đất đang di chuyển trên đường tỉnh 398B. Vụ tai nạn này sẽ không xảy ra nếu cả hai người điều khiển phương tiện đi chậm lại khi đến ngã tư, chú ý quan sát hai chiều, có ý thức tự bảo vệ mình và người khác.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, 11 tháng năm nay, toàn tỉnh xảy ra hơn 200 vụ TNGT, làm chết 105 người, bị thương 136 người. Tồn tại được chỉ ra là ý thức chấp hành của người tham gia giao thông còn hạn chế, hình thành thói quen xấu, chậm chuyển biến, nhiều trường hợp cố tình vi phạm. Qua điều tra, nguyên nhân của các vụ tai nạn hầu hết xuất phát từ ý thức chủ quan của những người liên quan.

Nổi lên là: Chuyển hướng không đúng quy định; không chấp hành biển báo hiệu; không chú ý quan sát; không chấp hành quy định nơi đường giao nhau; vi phạm về tốc độ; không có giấy phép lái xe; không giữ khoảng cách an toàn với xe liền trước; sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định; vượt xe không đúng quy định; đi không đúng chiều đường, làn đường, phần đường…

Để xóa “điểm đen” trong ý thức của mỗi người cần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Trước hết, các bậc cha mẹ, phụ huynh làm gương cho con em; giáo viên làm gương cho học sinh; cán bộ, đảng viên, chiến sĩ làm gương cho quần chúng.

Từ những lỗi chủ quan trên cho thấy, cho dù hạ tầng giao thông tốt đến đâu, đường to đẹp đến mấy mà ý thức của người tham gia giao thông vẫn còn “điểm đen” thì tai nạn là khó tránh khỏi.

Hằng ngày, khi đi trên đường, dễ dàng bắt gặp nhiều người vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đi tốc độ cao, sử dụng rượu, bia xong vẫn lái xe máy, ô tô… Đây chính là hình ảnh phản ánh ý thức kém, không chấp hành quy định pháp luật của rất nhiều người tham gia giao thông.

Để xóa “điểm đen” trong ý thức của mỗi người cần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Trước hết, các bậc cha mẹ, phụ huynh làm gương cho con em; giáo viên làm gương cho học sinh; cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nêu gương cho quần chúng.

Ông Hoàng Văn Hải, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho rằng, giải pháp được đơn vị kiên trì thực hiện trong năm qua là phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ban ATGT các cấp, nhất là cấp cơ sở. Gắn việc này với nâng cao tinh thần trách nhiệm, phong cách nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên, đặc biệt người đứng đầu và lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” và cuộc vận động “Toàn dân thực hiện đã uống rượu, bia không lái xe”; nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình tự quản về bảo đảm trật tự ATGT tại cơ sở. Tăng cường kiểm soát công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; nâng cao chất lượng đào tạo lái xe và giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, văn hóa giao thông cho học viên lái xe.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/an-toan-giao-thong/416713/xoa-diem-den-trong-y-thuc-tham-gia-giao-thong.html