Thành tựu kinh tế của Việt Nam và Bài học kinh nghiệm đối với Cuba

TS. Nguyễn Cao Đức, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Châu Mỹ cho rằng, những trao đổi, tổng kết về thành tựu, kinh nghiệm và bài học trong tư duy kinh tế của Việt Nam rút ra từ công cuộc 40 năm đổi mới có thể chia sẻ với đất nước Cuba – quốc gia có lịch sử quan hệ đặc biệt, truyền thống, hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với nước ta.

TS Nguyễn Cao Đức, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Châu Mỹ phát biểu tại buổi thảo luận.

TS Nguyễn Cao Đức, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Châu Mỹ phát biểu tại buổi thảo luận.

Ngày 21/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức buổi thảo luận khoa học với chủ đề: “Nhìn lại 40 năm đổi mới trong tư duy kinh tế của Việt Nam và Bài học kinh nghiệm đối với Cuba”.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Cao Đức, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Châu Mỹ cho biết: Nhìn lại 40 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, được quốc tế đánh giá cao. Từ một nền kinh tế lạc hậu, đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, Việt Nam đã vươn lên phát triển thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá, chất lượng tăng trưởng, an sinh xã hội được cải thiện. Việt Nam đã duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn.

TS. Nguyễn Cao Đức nhấn mạnh, Việt Nam đã tích cực tham gia tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất hơn; thể chế, chính sách đã có những bước chuyển biến căn bản, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng hơn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thiết lập các điều kiện thuận lợi phục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Cao Đức, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; ở một số lĩnh vực đạt kết quả chưa được như mong muốn. Nhưng có thể thấy rõ, những thành tựu Việt Nam đạt được trong hành trình 40 năm đổi mới và với tư duy tiếp cận và cách làm sáng tạo, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

TS. Nguyễn Cao Đức mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tại buổi thảo luận sẽ trao đổi, đánh giá, tổng kết về tiến trình 40 năm đổi mới để bổ sung những thành tựu, cách nhìn khách quan. Đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm, định hướng chính sách, để kế thừa được những thành quả và đạt được thành công trong giai đoạn tiếp theo. Những trao đổi, tổng kết về thành tựu, kinh nghiệm và bài học trong tư duy kinh tế của Việt Nam rút ra từ công cuộc 40 năm đổi mới có thể chia sẻ với đất nước Cuba – quốc gia có lịch sử quan hệ đặc biệt, truyền thống, hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với nước ta.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi thảo luận về những nội dung liên quan đến quá trình 40 năm đổi mới trong tư duy kinh tế của Việt Nam, những lý do Việt Nam phải tiến hành đổi mới trong tư duy kinh tế. Những kết quả và bài học kinh nghiệm của Việt Nam 40 năm đổi mới, từ quá trình xóa bỏ bao cấp và chuyển sang kinh tế thị trường. Cùng với việc nhận định, đánh giá những kết quả của Việt Nam 40 năm đổi mới.

Quang cảnh buổi thảo luận khoa học với chủ đề: “Nhìn lại 40 năm đổi mới trong tư duy kinh tế của Việt Nam và Bài học kinh nghiệm đối với Cuba”.

Quang cảnh buổi thảo luận khoa học với chủ đề: “Nhìn lại 40 năm đổi mới trong tư duy kinh tế của Việt Nam và Bài học kinh nghiệm đối với Cuba”.

Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh, đổi mới, cải cách kinh tế phải mở cửa, đổi mới phải gắn liền với hội nhập, phải cải cách thể chế và phải thu hút đầu tư nước ngoài, bán hàng ra thị trường thế giới. Trong đó, đổi mới và hội nhập là tương hỗ nhau và cho phép thành công. Tuy nhiên quá trình này cẩn trọng vì có thể có những rủi ro, thậm chí liên quan đến tồn vong của chế độ.

TS. Cù Chí Lợi, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, Cuba đã tiến hành cải cách đất nước, trong đó đặt trọng tâm và chính trị, về kinh tế còn nhiều vấn đề đặt ra. Cuba tiến hành 3 cải cách quan trọng để có thể phát triển và hội nhập sâu rộng hơn như Việt Nam. Bao những vấn đề căn bản là chuyển sang quá trình thị trường hóa nền kinh tế. Thứ hai là phải ổn định kinh tế vi mô. Thứ ba là thay đổi chính sách đối ngoại, làm sao huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước cho tốt. Đây là ba lĩnh vực rất quan trọng, được cho là những bài học nếu phía Cuba có thể tham khảo được cho tiến trình cải cách hiện nay của Cuba. Nông nghiệp rất quan trọng, vì Việt Nam ngày xưa cải cách thành công cũng bắt đầu từ nông nghiệp. Và Cuba hiện nay đang thiếu lương thực rất nhiều, cho nên cải cách từ nông nghiệp và đây một điểm xuất phát rất là quan trọng trong tiến trình cải cách nói chung của Cuba.

Tại buổi thảo luận, các ý kiến đã chia sẻ kinh nghiệm trong nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp; đổi mới tư duy kinh tế gắn với huy động nguồn lực để phát triển; quản lý tổng cung, tổng cầu trên thị trường, nhấn mạnh sự cần thiết của việc thay đổi tư duy để đáp ứng được các tiêu chí của kinh tế thị trường và cải cách thể chế, đổi mới hệ thống chính trị để kiểm soát quyền lực, tránh tiêu cực, tham nhũng…/.

Tin, ảnh: Minh Khuê

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/thanh-tuu-kinh-te-cua-viet-nam-va-bai-hoc-kinh-nghiem-doi-voi-cuba-665564.html