Xây dựng xã hội học tập trên quê hương Đất Tổ

Thành lập ngày 10 tháng 7 năm 2000, qua 23 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Hội Khuyến học tỉnh ngày càng tạo được sự lan tỏa, khẳng định vị thế trong đời sống xã hội.

Hội Khuyến học tỉnh khen thưởng học sinh đạt giải Nhất các môn văn hóa cấp tỉnh khối THCS.

Ngày đầu mới thành lập, Hội khuyến học tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng quy mô, hình thức tổ chức và kinh phí hoạt động. Đến nay, trải qua gần 5 nhiệm kỳ đại hội, Hội Khuyến học tỉnh đã có hệ thống tổ chức rộng lớn với 13 hội cấp huyện, 8 hội/ban khuyến học trực thuộc; 225 hội cấp xã; 6.355 chi hội và ban khuyến học; 579.134 hội viên (tăng 428 chi hội và ban khuyến học, 28.193 hội viên so với đầu nhiệm kỳ); tỷ lệ hội viên đạt trên 41% dân số, đạt 56,03% từ 18 tuổi trở lên, (tăng 5,67%), là một trong những địa phương có tỷ lệ tập hợp hội viên cao nhất nước.

Có được kết quả đó, trước hết là do các cấp hội đã làm tốt công tác tổ chức, cán bộ, tiến hành kiện toàn, bổ sung và tuyên truyền vận động mở rộng các đối tượng tham gia công tác hội trong các lực lượng vũ trang, khu dân cư, nhà trường, doanh nghiệp, cơ quan đơn vị. Các cấp Hội đã tập hợp trong đội ngũ những cán bộ đã và đang giữ các cương vị lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp ngành, đơn vị, cơ sở giáo dục; những người tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công việc, hiểu biết và có kinh nghiệm, có uy tín, dân vận khéo...

Hội đã thường xuyên quan tâm bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thông qua các hội nghị, hội thảo, giao ban, tham quan học tập kinh nghiệm, cung cấp tài liệu, mở lớp tập huấn... Đối với công tác phát triển hội viên, nhất là hội viên ở các khu dân cư Hội đã dựa vào chi bộ Đảng, lấy đảng viên làm nòng cốt để tuyên truyền, vận động, nhờ đó tổ chức Hội đã bám rễ sâu trong quần chúng, thu hút đông đảo lực lượng tham gia.

Với vai trò nòng cốt liên kết các lực lượng xã hội làm khuyến học, Hội khuyến học đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động tham mưu, xây dựng và ký 21 chương trình phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể (Sở GD&ĐT, Sở TT&TT, Sở VH-TT&DL; Sở LLĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN, Hội Nông dân, Ban đại diện Người cao tuổi, Hội Cựu Giáo chức, Cựu Chiến binh... vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường, thông qua các chương trình tặng học bổng, trao quà Tết, tuyên dương khen thưởng; tặng mái ấm khuyến học, hỗ trợ bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi; vận động các đơn vị tài trợ đồng hành cùng Hội khuyến học trao tặng hàng trăm tỷ đổng xây dựng, sửa chữa mua sắm trang thiết bị... phục vụ dạy và học trong kỷ nguyên số. Qua đó, đã tạo nên động lực thúc đẩy phong trào thi đua hai tốt trong các nhà trường, thực sự khơi dạy khát vọng học tập, cống hiến của thầy và trò từ đó chất lượng GD&ĐT được nâng lên rõ rệt, thúc đẩy nguồn nhân lực có hàm lượng trí tuệ cao trên địa bàn tỉnh phát triển góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn.

Hội Khuyến học tỉnh và các nhà tài trợ trao tặng “Mái ấm Khuyến học” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Yên Lập.

Chăm lo hỗ trợ phát triển GD&ĐT, các cấp hội đặc biệt quan tâm đến việc học tập của người lớn, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với Sở GD&ĐT tập trung chỉ đạo việc xây dựng, củng cố các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Đến nay 100% xã, phường, thị trấn đã có TTHTCĐ. Hội phối hợp với cùng ngành giáo dục và đào tạo, các ngành liên quan tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, các trung tâm; biên soạn tài liệu giảng dạy, động viên hội viên ra lớp, hỗ trợ máy tính và các phương tiện học tập góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Các phong trào thi đua xây dựng các mô hình công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng, đơn vị học tập được các cấp Hội quan tâm tổ chức và chỉ đạo sâu sát, cụ thể, kịp thời do vậy ngày càng phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng.

Từ thực tiễn hoạt động, Hội khuyến học tỉnh rút ra một số kinh nghiệm bước đầu đó là: Làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền; để ban hành kịp thời hệ thống văn bản chỉ đạo có tầm chiến lược; tham mưu tổ chức các sự kiện chương trình nghị sự do Trung ương và Chính phủ phát động; tham mưu tổ chức các hoạt động thường niên của tỉnh “Chắp cánh ước mơ vinh danh KHKT Đất Tổ, hoạt động tạo điểm nhấn, dấu ấn lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, khẳng định giá trị nhân văn của con người vùng Đất Tổ cội nguồn.

Tổ chức Hội đóng vai trò nòng cốt tăng cường liên kết với các tổ chức, các lực lượng xã hội, tham gia KHKT, xây dựng XHHT, thông qua xây dựng các chương trình, kế hoạch, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội để tạo sự lan tỏa, vận động mọi người đều làm khuyến học vì sự phát triển của GD&ĐT, nâng cao chấy lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng tổ chức Hội, phát triển hội viên, tổ chức các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường; vận động xây dựng các mô hình công dân học tập, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập, vận động xây dựng các quỹ/ học bổng khuyến học...

Phát huy mạnh mẽ nội lực của các tổ chức Hội, trong đó yếu tố quan trọng nhất là con người; bằng thực tiễn hoạt động Hội biết khơi dậy, phát huy truyền thống hiếu học tiềm ẩn trong từng công dân, gia đình, dòng họ, trong mỗi bản, làng, thôn xóm, cộng đồng, đơn vị thông qua công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức tuyên dương, vinh danh, khen thưởng, trao tặng quà, học bổng cho học sinh, sinh viên, để tạo động lực, chắp cánh ước mơ cho các em đến trường; khen thưởng giáo viên giỏi, cán bộ khuyến học và các mô hình học tập tiêu biểu, giúp đỡ các nhà giáo gặp khó khăn trong cuộc sống, tri ân những người có công, nêu gương sáng những điển hình để mọi người học tập và làm theo.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thành Chung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-tren-que-huong-dat-to/204455.htm