Xây dựng tác phong cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo

Vừa qua tôi có đưa thư xuống một trung đoàn, đề nghị đồng chí chính ủy trung đoàn chuẩn bị nắm tình hình trước để ngày hôm sau tôi xuống nghe báo cáo tình hình chi bộ chuẩn bị đại hội Đảng ra sao.

Lúc đến nơi, tôi hỏi đồng chí chính ủy về công tác chuẩn bị đại hội của chi bộ. Ôi chà, đồng chí chính ủy nói toàn những chuyện chung chung không, lúc mình ngồi ở Hà Nội cũng biết rồi. Tôi hỏi:

- Anh em chuẩn bị có khá không?

- Báo cáo đồng chí, chuẩn bị tương đối khá.

Như thế thì có thánh mà biết được khá ra làm sao chứ!

Lại cách đây 6 tháng, tôi có đến đơn vị X và hỏi đồng chí tham mưu trưởng về tình hình huấn luyện quân sự của đơn vị. Đồng chí trả lời:

- Báo cáo, năm nay anh em tiến bộ tương đối toàn diện.

-Tỷ lệ kết quả bắn thế nào?

- Báo cáo, tôi cũng tự phê bình là điểm này không nắm được.

Anh chàng này cũng khôn, biết tự phê bình ngay; nhưng tham mưu trưởng mà kết quả bắn bao nhiêu không biết, thế thì tham mưu trưởng làm cái nghề gì?

Cán bộ chúng ta nói chung là tốt, nhưng nói riêng còn nhiều người đại khái, vô cùng là đại khái. Cái đó rất tai hại, chúng ta cần xây dựng một tác phong rất cụ thể, rất tỉ mỉ, việc gì đã làm phải làm cho chu đáo.

Hiện nay, chúng ta còn rất nhiều kiểu báo cáo chung chung như thế này: "Tình hình nói chung là tốt nhưng cũng còn thiếu sót ở một trình độ nhất định", hoặc "tốt là căn bản, tuy cũng còn có khuyết điểm về mặt thứ yếu". Nói như thế thì chả cần phải anh nói, tôi cũng biết. Chúng ta có biết bao nhiêu vấn đề nóng hổi của cuộc sống và những ý kiến kinh nghiệm hay của quần chúng bị chết chìm dưới những kiểu nhận định chung chung và cách làm đại khái như thế.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam (5-7-1967). Ảnh: Tư liệu

Chúng ta phải dứt khoát rằng, con người cách mạng, bất cứ ở cấp nào, cũng là con người hành động, và tinh thần triệt để cách mạng của chúng ta biểu hiện ở tác phong công tác cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo, đã quyết thi hành, đã làm thì làm đến nơi đến chốn. Cố nhiên tỉ mỉ không phải là cấp trên bao biện cả công việc của cấp dưới. Mỗi cấp có trách nhiệm của mình. Nhưng cấp trên có trách nhiệm chỉ đạo cụ thể cho cấp dưới, cấp dưới lại có trách nhiệm thi hành chỉ thị của cấp trên một cách có sáng kiến, tỉ mỉ, tất cả nhằm bảo đảm cho công việc của chúng ta thông đồng bén giọt, đem lại hiệu quả lớn nhất.

Về điểm này, chúng ta có kinh nghiệm như thế này: Anh lãnh đạo vấn đề gì thì anh phải giỏi hơn cấp dưới vấn đề đó. Vậy phải làm thế nào để người lãnh đạo có thể giỏi hơn cấp dưới trong những vấn đề mới mẻ đặt ra, cần phải lãnh đạo và giúp đỡ cấp dưới như thế nào? Chỉ có một cách là, ngoài việc thường xuyên tu dưỡng trình độ về mọi mặt, người lãnh đạo cần phải biết học tập cấp dưới: Trước mỗi vấn đề mới mẻ đặt ra, người lãnh đạo đi sâu vào một nơi, trực tiếp lãnh đạo cụ thể, tỉ mỉ, để rút kinh nghiệm mà lãnh đạo các nơi khác. Đó là cách làm vốn quen thuộc của chúng ta nhưng tiếc rằng nhiều khi các đồng chí chúng ta đã quên mất... Có những công việc to lớn, trọng tâm, đáng lẽ thủ trưởng phải tự bắt tay vào việc, dẫn đầu mọi người cùng làm, nhưng thủ trưởng trên lại giao cho thủ trưởng dưới, dưới lại giao cho dưới nữa, cuối cùng cả một vấn đề lớn như thế chỉ có anh trợ lý thiết thực bắt tay vào, hỏi như thế công việc không đầu voi đuôi chuột sao được! Chúng ta cần phải kiên quyết khắc phục cái bệnh khoán trắng và lãnh đạo chung chung này.

Cho nên tôi đề nghị, không kể là ở cấp nào, chúng mình là đảng viên và cán bộ thì phải là tay ăn làm, tiếp nhận nghị quyết, chỉ thị, thì nghĩ ngay một cái là nắm tinh thần chỉ thị, nghị quyết đó, và nếu chỉ dừng lại ở đó thì không đủ, lãnh đạo chưa có hiệu lực, mà phải kết hợp với tình hình cụ thể của đơn vị, lập tức phải làm thế nào cho nó cụ thể. Ví dụ khi thi hành chỉ thị tiết kiệm chẳng hạn, thì tinh thần chỉ thị của trên như thế nào kết hợp với tình hình cụ thể của đơn vị anh thì vấn đề là ở đâu, biện pháp phải như thế nào? Chứ anh không chịu suy nghĩ cụ thể, không phân tích ra vấn đề và tìm ra biện pháp giải quyết, mà cứ cái gì cũng trông mong đơn thuần vào việc bắt người ta "học tập, nhận rõ mục đích, ý nghĩa, xác định thái độ, liên hệ kiểm thảo...", cho rằng như thế là vấn đề đã được giải quyết và là cách lãnh đạo "đúng phép tắc kinh điển của nghệ thuật lãnh đạo", như thế là hỏng bét.

(Trích Bài nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hội nghị công tác chính trị toàn quân năm 1960)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/xay-dung-tac-phong-cu-the-ti-mi-chu-dao-758845