Xây dựng, củng cố các chi hội, tổ nghề nghiệp

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng và phát triển các tổ, hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX) phù hợp với từng địa bàn, ngành nghề và trình độ phát triển từng khu vực. Qua đó, đã góp phần tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập.

Xuất phát từ thực tế muốn tăng thu nhập cho gia đình từ việc nuôi trâu, bò, ông Lương Hải Tuyên, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) cùng một số hộ ở địa phương đã thành lập THT chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Sau 1 năm, Tổ hợp tác phát triển lên thành Hợp tác xã, đó là HTX Nông lâm nghiệp Thành Công hiện nay. HTX hiện có 12 thành viên, liên kết với 1 số HTX khác trong tỉnh cung cấp những con giống tốt nhất cho các thành viên chăn nuôi. HTX duy trì bình quân gần 50 con trâu, bò vỗ béo. Đến nay, sản phẩm thịt trâu khô của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được phân phối cho nhiều đơn vị, cửa hàng kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Lương Hải Tuyên, thực hiện việc liên kết sản xuất giúp người nông dân trang bị nhiều kiến thức trong chăn nuôi, tạo ra sản phẩm quy mô lớn, có nhật ký nuôi và quy trình chăm sóc. Gia đình ông Tuyên hiện có gần chục con trâu. Từ nuôi trâu, bò vỗ béo, mỗi năm ông thu lãi trên 100 triệu đồng.

Hội viên các Tổ hợp tác trồng, chăm sóc chanh tứ mùa phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây chanh.

Trước đây, người dân thôn Mỹ Bình, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) sản xuất chè theo hướng truyền thống, nhỏ lẻ, không tập trung, chủ yếu bán lẻ các thương lái, vì vậy giá cả không ổn định. Năm 2019, một số hộ nông dân tại đây đã cùng thành lập HTX sản xuất và dịch vụ Hải Đăng chuyên chế biến và sản xuất chè khô. Anh Phạm Văn Chiến, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ Hải Đăng cho biết, từ khi tham gia liên kết sản xuất, người dân cũng như các thành viên của HTX đã chủ động trong các quy trình, kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè đúng cách, giúp cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại năng suất cao hơn trước. Quan trọng hơn, sản phẩm sản xuất ra được ký kết hợp đồng bao tiêu với mức giá ổn định, giúp người nông dân yên tâm. Đối với HTX thì đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất ổn định; sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng; đảm bảo nguồn thu nhập cho các thành viên và người nông dân.

Hiện nay, HTX sản xuất và dịch vụ Hải Đăng có sự tham gia của 12 hộ với diện tích khoảng 25 ha, trung bình mỗi ha cho doanh thu từ 60 đến 80 triệu đồng/năm. Ngoài số thành viên, HTX đang liên kết với 30 hộ nông dân trong và ngoài thôn để cung cấp nguồn nguyên liệu chè tươi cho nhà máy.

Đồng chí Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, để củng cố và xây dựng các chi hội, tổ nghề nghiệp, những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã chú trọng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển phù hợp với từng địa phương. Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HNDT ngày 5-7-2019 để lãnh đạo, điều hành hỗ trợ thành lập và hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Trong đó, tập trung nhân rộng các mô hình tổ, hội nông dân nghề nghiệp, THT, HTX. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình giúp người nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Giai đoạn 2019 - 2023, Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức trên 70 lớp dạy nghề cho 2.600 hội viên nông dân; Hội Nông dân các huyện, thành phố phối hợp với các cơ sở dạy nghề cấp huyện tổ chức đào tạo nghề cho trên 64.110 hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, các cấp Hội cung ứng trên 6.500 tấn phân bón trả chậm cho hội viên nông dân. Hiện, tổng dư nợ ủy thác từ 2 Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là trên 2.588 tỷ đồng; Quỹ hỗ trợ nông dân là trên 36 tỷ đồng cho hàng chục nghìn hộ nông dân vay, góp phần giải quyết nhu cầu về vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.

Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập 37 Chi hội nông dân nghề nghiệp, 247 Tổ hội nông dân nghề nghiệp trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có 47 tổ hội nghề nghiệp tham gia hoạt động tổ chức sản xuất sản phẩm hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị và sản xuất sản phẩm OCOP của địa phương. Ngoài ra, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập được 35 HTX, 75 THT, góp phần nâng cao chất lượng, phát triển kinh tế tập thể ở địa phương.

Những kết quả bước đầu trong tham gia xây dựng, củng cố và phát triển kinh tế tập thể là minh chứng rõ nét trong công tác nông vận của Hội, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Bàn Thanh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/xay-dung-cung-co-cac-chi-hoi-to-nghe-nghiep-184801.html