Xây dựng các mô hình khuyến nông theo chuỗi giá trị

Trước yêu cầu đòi hỏi khắt khe của thị trường, sự minh bạch thông tin đối với sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Ông Trần Văn Chín, xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc tham gia mô hình nuôi trai lấy ngọc cho thu nhập cao

Thực hiện chương trình khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng dự án “Nuôi trai lấy ngọc phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu” với quy mô 2,1ha thực hiện trong 3 năm (2021 - 2023).

Năm 2021, trung tâm đã triển khai hỗ trợ 15.000 con trai đã được cấy ngọc cho 6 hộ với quy mô 0,6 ha, trên địa bàn 2 huyện Tam Dương và Lập Thạch; năm 2022, trung tâm tiếp tục hỗ trợ 37.500 con trai cho 15 hộ trên địa bàn 3 huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường với quy mô 1,5ha. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% con giống và 50% thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học.

Ông Trần Văn Chín, xã Văn Tiến (Yên Lạc) tham gia mô hình nuôi trai lấy ngọc từ tháng 1/2022 với 2.500 con trai giống; toàn bộ trai được đựng cố định trong túi lưới, treo phao, cách làm này giúp trai không bị lệch nên hạt ngọc tròn, đẹp; đồng thời tảo và các sinh vật phù du sẽ bám vào lưới nhiều hơn, tạo thức ăn đa dạng cho trai.

Trong quá trình nuôi, gia đình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng. Đến thời điểm này, số lượng trai nuôi đã được cấy ngọc phát triển tốt, đồng đều, tỷ lệ sống cao, kích thước viên ngọc đạt 7,8 - 8,5mm.

Ông Dương Văn Phương, Trưởng phòng Thông tin và Tuyên truyền (Trung tâm Khuyến nông tỉnh), Chủ nhiệm dự án chia sẻ: Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc giúp tận dụng tối đa diện tích mặt nước, gia tăng thu nhập cho người dân.

Kết quả thu được tại các mô hình trong giai đoạn 2021 - 2022 cho thấy, các chỉ tiêu kỹ thuật đạt được đều cao hơn so với mục tiêu ban đầu đề ra như tỷ lệ sống của trai đạt 81,6%; tỷ lệ ngậm hạt 71,1%; tỷ lệ ngọc loại I là 5,3%. Lợi nhuận thu được tại 0,6ha nuôi trai nước ngọt lấy ngọc đạt gần 300 triệu đồng.

Với phương châm: "Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông", từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện 36 chuyên mục "Bạn của nhà nông"; 66 phóng sự cập nhật và cung cấp thông tin về những tiến bộ kỹ thuật và phản ánh điều kiện thời tiết bất thường ảnh hưởng đến sản xuất, các dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra.

Cấp phát 7.500 cuốn Bản tin khuyến nông, 51.000 tờ rời tuyên truyền diệt chuột tập trung, hướng dẫn sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; tham gia 9 hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm OCOP của tỉnh; xây dựng và thực hiện gần 100 mô hình khuyến nông trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Nổi bật là mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa, quy mô 50ha tại xã Phú Xuân (Bình Xuyên) giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển khỏe, đẻ nhánh nhiều, tập trung, độ đồng đều cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất lúa cấy máy đạt 66,7 tạ/ha, cao hơn 10,3 tạ, thu nhập đạt 31,8 triệu đồng/ha, tăng hơn 5,8 triệu đồng/ha so với đối chứng.

Hơn nữa, cấy lúa bằng máy giúp bảo đảm thời vụ, giảm chi phí cho người sản xuất so với sản xuất truyền thống từ 3,2-5,85 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ hơn 6.300 ha sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn theo VietGAP cho năng suất cao như cây bí đỏ đạt 15,3 - 25 tấn/ha; cây dưa chuột đạt từ 30 - 55 tấn/ha; cây ớt đạt từ 13,3 - 25 tấn/ha; cây cà chua đạt 20 - 55 tấn/ha; các loại rau, quả cho lãi trung bình từ 80 - 298 triệu đồng/ha…

Thông qua mô hình khuyến nông, đã từng bước hình thành các vùng sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP; vùng chăn nuôi, thủy sản tập trung gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng được 16 vùng trồng với 26 mã số vùng trồng xuất khẩu có tổng diện tích hơn 171ha đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Úc, NewZealand, Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt ước tăng gần 13% so với cùng kỳ

Để nâng cao vai trò và vị trí công tác khuyến nông, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa hiện có theo hướng chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng rau quả, nuôi trồng thủy sản; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; trồng rau trong nhà lưới, nhà kính, tưới nước tiết kiệm.

Mở rộng diện tích sản xuất tập trung các loại rau, cây ăn quả có lợi thế, tiềm năng xuất khẩu và hiệu quả kinh tế cao. Rà soát, cho phép chuyển đổi các khu vực đất rừng sản xuất có khả năng thích hợp cao sang trồng cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao như thanh long ruột đỏ, na, bưởi; xây dựng các mô hình liên kết, quy mô lớn theo chuỗi giá trị giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học.

Khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và từng bước xuất khẩu.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96670//xay-dung-cac-mo-hinh-khuyen-nong-theo-chuoi-gia-tri