WHO lên án việc các nước giàu dự trữ vaccine ngừa Covid-19

Các chuyên gia dịch tễ yêu cầu những quốc gia giàu có ngừng triển khai tiêm liều tăng cường và đẩy mạnh tái phân phối vaccine cho các nước nghèo hơn.

Theo CNBC, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên án các quốc gia giàu có dự trữ vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và thiết bị bảo hộ y tế. Đáng nói, tình trạng bất bình đẳng vaccine đang thúc đẩy sự bùng phát dịch bệnh trên toàn thế giới.

"(Tình trạng bất bình đẳng vaccine) không chỉ không công bằng, thiếu đạo đức, mà còn làm kéo dài đại dịch", bà Maria Van Kerkhove - trưởng bộ phận kỹ thuật về Covid-19 của WHO - nhấn mạnh.

Hôm 4/8, WHO đã yêu cầu các nước giàu ngừng triển khai tiêm liều tăng cường trong ít nhất 2 tháng và chuyển lượng vaccine thừa cho những quốc gia nghèo hơn. Tổ chức hy vọng đến cuối tháng 9, 10% dân số của mọi quốc gia trên thế giới đã được tiêm chủng.

Mỹ, Anh, các quốc gia châu Âu và những nước khác có thể tiêm chủng cho 80% dân số trên 12 tuổi và vẫn còn số lượng lớn vaccine để tái phân phối trên toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Bất bình đẳng vaccine

Mỹ - quốc gia đã hoàn thành tiêm chủng 53% dân số - tiêm mũi bổ sung cho hơn 1,3 triệu người. Liên minh châu Âu cũng tiêm xong 2 mũi đối với 57% dân số và đang triển khai tiêm tăng cường tại Anh và Pháp, theo Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, theo WHO, châu Phi mới chỉ hoàn thành tiêm chủng cho 3% dân số. 26 nước châu Phi phân phối chưa đến 50% tổng số vaccine của họ.

Với tốc độ tiêm chủng hiện tại, WHO cho rằng vào cuối tháng 9, gần 80% các quốc gia châu Phi sẽ không thể tiêm chủng cho 10% dân số dễ bị ảnh hưởng bởi virus nhất.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho biết 62% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19. Nước này có thể triển khai tiêm các liều tăng cường Pfizer ngay từ ngày 20/8.

Trong số hơn 5 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 trên toàn thế giới, gần 75% được phân phối ở 10 quốc gia. Ảnh: Reuters.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giao hơn 110 triệu liều vaccine trong số 500 triệu liều mà ông cam kết vào tháng 6 cho gần 100 quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, WHO nhận định các nước giàu đã không phân phối đủ vaccine, thuốc điều trị và đồ bảo hộ để dập tắt hoàn toàn virus.

"Họ hùng biện về sự chia sẻ và công bằng. Nhưng trên thực tế, trong tình thế gay go, các sản phẩm đã được tích trữ ở những nước giàu có và không được san sẻ", tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, chỉ trích.

Hôm 6/9, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark cho rằng thế giới "rất cần" các nước giàu có thực hiện cam kết tài trợ vaccine ngừa Covid-19 cho những quốc gia nghèo hơn.

Bình luận của bà được đưa ra sau khi các bộ trưởng y tế của G7 nhất trí về việc đảm bảo vaccine ngừa Covid-19 đến với tất cả người dân ở những nước nghèo.

Đẩy mạnh tái phân phối

"Những cam kết là một chuyện. Nhưng chúng ta rất cần họ thực sự giao vaccine. Tính đến tuần trước, chỉ 89 triệu liều được phân phối lại từ các quốc gia có thu nhập cao sang những nước thu nhập thấp và trung bình", bà Clark nói với CNBC.

Bà Clark đồng chủ trì một hội đồng độc lập do WHO thành lập nhằm đánh giá khả năng chuẩn bị và ứng phó với đại dịch trên thế giới. Trong báo cáo hồi tháng 5, hội đồng đã khuyến nghị đến ngày 1/9, các quốc gia có thu nhập cao phân phối lại ít nhất 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho 92 nước thu nhập thấp và trung bình, 1 tỷ liều khác được phân phối vào giữa năm 2022.

Các chuyên gia - bao gồm nhà dịch tễ học nổi tiếng Larry Brilliant - nhấn mạnh rằng cần phải tiêm chủng rộng rãi hơn để hạn chế những biến chủng mới và chấm dứt đại dịch toàn cầu.

Tuy nhiên, trong số hơn 5 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 trên toàn thế giới, gần 75% được phân phối ở 10 quốc gia, theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Những cam kết là một chuyện. Nhưng chúng ta rất cần họ thực sự giao vaccine

Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark

Ông Ghebreyesus đã nhiều lần thúc giục các nước giàu không tiêm liều tăng cường để nhường cơ hội cho người dân ở những nước nghèo hơn tiêm liều đầu tiên.

Theo bà Clark, việc phân phối lại vaccine trên toàn cầu sẽ giúp đáp ứng mục tiêu của WHO. Đó là tiêm chủng cho 40% dân số ở mọi quốc gia vào cuối năm nay và 70% giữa năm sau.

"Chúng ta phải làm được điều đó để có cơ hội kiểm soát đại dịch", bà nhấn mạnh.

Theo hãng phân tích Airfinity Ltd. (có trụ sở tại London), Mỹ, Anh, các quốc gia châu Âu và những nước khác có thể tiêm chủng cho 80% dân số trên 12 tuổi, tiếp tục các chương trình tiêm liều bổ sung và vẫn còn số lượng lớn vaccine để tái phân phối trên toàn cầu.

"Vấn đề nằm ở sự lựa chọn giữa các chiến dịch tiêm chủng tăng cường trong nước và tái phân bổ sang nước ngoài", ông Rasmus Bech Hansen - Giám đốc điều hành Airfinity - nhận định.

"Đó là một song quan luận sai lầm", ông nhận xét, đề cập đến lối ngụy biện đưa ra hai lựa chọn và buộc chỉ được chọn một. "Các vị hoàn toàn có thể làm cả hai", ông Hansen nhấn mạnh.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/who-len-an-viec-cac-nuoc-giau-du-tru-vaccine-ngua-covid-19-post1260747.html