Vượt chỉ tiêu về giải quyết việc làm

Dẫu còn những khó khăn nhất định, song công tác phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh ta vẫn tiếp đà phục hồi và phát triển tốt. Các chỉ số về giải quyết việc làm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu 9 tháng năm 2022 đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ tại thành phố Tam Điệp. Ảnh: Minh Quang

Chị Bùi Thị Mơ ở xã Gia Vân, huyện Gia Viễn có trên 10 năm làm công nhân cho một công ty may mặc ở Bình Dương. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong suốt hơn 2 năm qua khiến chị Mơ phải suy tính lại cho tương lai của mình.

"Hiện nay, dịch tạm ổn và doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất, vì vậy chúng tôi vẫn đảm bảo được việc làm ổn định. Tuy nhiên, đợt về quê nghỉ dịch từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần tôi đã tìm hiểu và thấy rằng ở ngay quê mình tôi cũng dễ dàng tìm được việc làm phù hợp. Vậy là vợ chồng tôi đã bàn bạc và quyết định chuyển về quê sinh sống và tìm việc. Được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu, tôi dễ dàng tìm được một việc làm mới ở doanh nghiệp gần nhà"- chị Mơ nói.

Nhờ việc triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển thị trường, khống chế tốt tình hình dịch bệnh đã giúp các doanh nghiệp nhanh chóng trở lại hoạt động. Số lượng lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh cũng đã vượt so với kế hoạch năm.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hiện nay có khoảng 15 đơn vị đăng ký tuyển dụng trực tiếp tại sàn, có trên 70 đơn vị gửi chỉ tiêu tuyển dụng tới hơn 20 nghìn vị trí việc làm trống, 9 đơn vị xuất khẩu lao động gửi chỉ tiêu tuyển dụng khoảng 5 nghìn chỉ tiêu đi tu nghiệp sinh và làm việc tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số nước châu Âu với chi phí thấp và thu nhập từ 20- 60 triệu đồng.

Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Trước nhu cầu tuyển dụng khá lớn của doanh nghiệp, nhằm đưa cơ hội việc làm đến với người lao động, thời gian qua, Phòng Thông tin thị trường lao động đã tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để thu thập thông tin tuyển dụng lao động, đồng thời tìm hiểu nhu cầu việc làm của người lao động.

Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu lao động, lên kế hoạch tuyển dụng cho các phiên giao dịch việc làm hàng tháng. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng đã tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm, trong đó có 3 phiên trực tuyến kết nối rộng rãi với 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, thu hút 250 lượt doanh nghiệp tham gia với trên 40 nghìn lượt chỉ tiêu tuyển dụng…

Nhờ đó, 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 14.700 người, đạt 76% kế hoạch năm 2022, vượt 5,2% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với sự khởi sắc của thị trường nội địa, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh ta cũng đã bắt đầu phục hồi khá tốt.

Theo đó, mục tiêu trong năm 2022, tỉnh ta sẽ đưa 1.400 lao động đi xuất khẩu. Tính đến hết tháng 9, đã có 1.212 người đi xuất khẩu, đạt 86,57% kế hoạch năm, vượt 169,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đánh giá từ ngành chức năng, thời gian tới, công tác XKLĐ sẽ có nhiều khởi sắc hơn nữa khi thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là các quốc gia đang đẩy mạnh thu hút nhân lực có tay nghề cao hơn từ Việt Nam. Theo báo cáo từ Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, mỗi tháng, các doanh nghiệp làm về XKLĐ đã gửi chỉ tiêu tuyển dụng hàng nghìn lao động đi xuất khẩu.

Trong đó, thị trường lớn nhất chủ yếu vẫn là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Điều kiện tuyển phù hợp với nhiều đối tượng, từ lao động phổ thông đến lao động có tay nghề với mức lương phù hợp. Vì vậy, đây cũng là cơ hội để tỉnh ta nắm bắt bằng sự chuẩn bị tích cực nhất.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Không chỉ tập trung làm tốt công tác kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh ta cũng đã triển khai thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với các lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đến thời điểm này, tỉnh ta đã hoàn thành việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ với trên 137 nghìn người được hỗ trợ, tổng kinh phí trên 75,4 tỷ đồng.

Đồng thời, hoàn thành chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho trên 2 nghìn người lao động làm việc tại 38 doanh nghiệp trong khu công nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ trên 2.957,5 triệu đồng.

Đặc biệt, đến ngày 5/10/2022, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành việc thẩm định, đề nghị hỗ trợ kinh phí cho 538 người lao động với số tiền 770,5 triệu đồng theo Nghị quyết số 23/2022/NQHĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và kịp thời ban hành hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện.

Việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vượt qua khó khăn, ổn định việc làm và cuộc sống.

Trong thời gian tới, để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, ngành Lao động sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm triển khai nhiều biện pháp nhằm kết nối cung - cầu lao động dưới nhiều hình thức. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm, tạo cầu nối tin cậy giữa người lao động và người sử dụng lao động trong giải quyết việc làm và cung ứng nguồn lao động có chất lượng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp thúc đẩy thị trường lao động như: rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm người lao động khi bị mất việc làm; triển khai tốt các chính sách hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm, XKLĐ, phát triển sản xuất, khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống… để tạo nhiều hơn nữa việc làm cho người lao động.

Đặc biệt, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức; tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị tăng cường rà soát nhu cầu, đẩy mạnh tuyên truyền để tạo nguồn, đồng thời hướng dẫn người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu học nghề, ngoại ngữ, trang bị kỹ năng cần thiết để sẵn sàng tham gia dự thi và trúng tuyển vào các đơn hàng đòi hỏi chất lượng cao.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đến các địa phương tuyên truyền, tuyển dụng lao động đi xuất khẩu.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/vuot-chi-tieu-ve-giai-quyet-viec-lam/d20221014085317529.htm