Vụ Thứ trưởng Thoa: Bộ Tài chính lên tiếng

"Việc lãnh đạo của DN không trực tiếp mua cổ phần nhưng con cháu của họ lại tham gia mua cổ phần của DN, điều này luật không cấm".

Con cháu lãnh đạo có thể mua cổ phần

Liên quan tới việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và một số người thân trong gia đình sở hữu một số lượng lớn cổ phần của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, tại phiên họp báo chuyên đề diễn ra chiều 16/3, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã có thông tin cụ thể với báo chí.

Theo ông Tiến, từ năm 2015, tình trạng các trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và người thân trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, như trường hợp của Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã không còn.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên trong gia đình sở hữu khối tài sản lớn tại Công ty Điện Quang

“Việc lãnh đạo của doanh nghiệp không trực tiếp mua cổ phần nhưng con cháu của họ lại tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp, điều này luật không cấm. Con cháu họ hoàn toàn có thể bỏ tiền túi để mua. Nhưng nếu là cán bộ nhà nước, cần phải công khai thông tin, tiền lương, thu nhập. Ví dụ, thu nhập chỉ có 100 triệu đồng mà sau một năm sở hữu khối tài sản tới hàng chục tỉ thì không được”, ông Tiến khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Long, Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay, hiện tượng thâu tóm cổ phần tại Công ty cổ phần Điện Quang là do quá trình thực hiện bán vốn tại công ty cổ phần.

Đặc biệt, theo quy định về cơ chế cổ phần hóa (CPH) được thực hiện thí điểm từ năm 1992, lãnh đạo doanh nghiệp được mua cổ phần của doanh nghiệp theo 2 nội dung.

Một là mua cổ phần ưu đãi theo số năm công tác trong khu vực nhà nước như đối với tất cả cán bộ nhân viên khác. Cụ thể, mỗi năm làm việc trong khu vực nhà nước được mua 100 cổ phần ưu đãi giá bán bằng 60% trên cơ sở giá bán thấp nhất của giá đấu thành công. Như vậy bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng được ưu đãi như toàn bộ cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp cổ phần hóa với chính sách mua ưu đãi bình đẳng như nhau dựa trên số năm làm việc.

Hai là đối với người lao động là chuyên gia trong doanh nghiệp có trình độ, khả năng cống hiến lớn thì Nghị định 59 và dự thảo lần này tiếp tục duy trì nội dung ngoài ưu đãi theo số năm công tác như trên còn tiếp tục được mua ưu đãi thêm số cổ phần. Tuy nhiên chỉ được quyền mua thêm cổ phần theo mức giá đấu thành công mà không được mua giảm giá như trên.

Vụ Thứ trưởng Thoa: Ủy ban chứng khoán đề xuất

Chỉ đạo nóng của Tổng Bí thư, Thủ tướng

Cũng liên quan đến việc này, ngày 16/2, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các bài báo liên quan đến bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Cụ thể, Tổng Bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với các Ban, ngành khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan và sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Ngay sau đó, ngày 23/2, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư.

Hà Đông (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vu-thu-truong-thoa-bo-tai-chinh-len-tieng-3331225/