Giá vé máy bay cao, cơ hội để đường sắt hút khách?

Giá vé máy bay cao khiến nhiều người đắn đo đi du lịch dịp lễ, trong khi khách đi tàu liên tục tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội của ngành đường sắt nếu biết tận dụng.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN trao đổi với Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.

Ông Đặng Sỹ Mạnh.

Mùa thấp điểm, khách đi tàu vẫn đông

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày đã cận kề, vé tàu các ngày cao điểm gần như cạn kiệt. Kết quả này chỉ mang tính thời vụ hay khách đi tàu đang có xu hướng đổ sang đường sắt, thưa ông?

Thực tế khách đi tàu ngày càng đông hơn. Năm 2023, sản lượng vận tải khách đạt hơn 6 triệu người, doanh thu 2.319 tỷ đồng. Con số này của quý I/2024 lần lượt là hơn 1,4 triệu người và 700 tỷ đồng.

Thời gian tới, đường sắt cần tập trung thực hiện hai nhiệm vụ. Thứ nhất là quản lý, khai thác, vận hành thật tốt đường sắt hiện hữu. Trong đó, đổi mới vận tải khách, vận tải hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Vừa qua, tuy đã làm được một số sản phẩm, tạo được ấn tượng, hình ảnh tốt nhưng mới chỉ là khởi đầu.

Thứ hai, cần tổ chức chuẩn bị thật tốt để quản lý, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao khi được giao nhiệm vụ. Phải chuẩn bị từ bây giờ về đào tạo nguồn nhân lực, về công nghiệp cơ khí và nhiều vấn đề khác.

Ông Đặng Sỹ Mạnh

Những năm trước, nhu cầu khách đi tàu có các giai đoạn "lên, xuống" kiểu hình sin: Cao điểm Tết, lễ hội sau Tết rất đông khách, sau đó thấp hơn. Tiếp đến dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, vận tải hè, nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 rất đông, sau đó lại là giai đoạn thấp điểm.

Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu giảm dần độ "nhấp nhô" hình sin này. Nghĩa là, ngoài các chiến dịch vận tải phải tăng cường phương tiện, nhân lực, kẻ biểu đồ chạy tàu riêng cho Tết, hè. Nếu chỉ trông vào các chiến dịch vận tải, việc vận dụng đầu máy, toa xe không hiệu quả, việc huy động nguồn nhân lực cũng bị động, tốn chi phí hơn.

Vậy đường sắt có hướng đến việc hút khách đi tàu đông ổn định trong cả năm, không chỉ "nhấp nhô" vào những dịp cao điểm?

Từ đầu năm 2024 đến nay, thời gian thấp điểm đã ngắn lại, số lượng hành khách đi tàu mùa thấp điểm vẫn cao, không như các năm trước. Lượng khách đi tàu tăng trưởng đều, tàu khách Bắc - Nam thường xuyên kín chỗ.

Nếu tình hình này tiếp tục duy trì, sẽ dần tịnh tiến đến sự ổn định cả năm. Tất nhiên là với điều kiện thị trường ổn định, kết cấu hạ tầng và yếu tố liên quan khác đảm bảo.

Đường sắt có tăng giá vé?

Nhiều ý kiến cho rằng, do vé máy bay quá cao nên đường sắt mới có cơ hội hút khách. Quan điểm của ông thế nào?

Từ đầu năm 2024, vận tải khách đường sắt khởi sắc hơn. Năm nay được nhận định là năm bùng nổ về du lịch: Du lịch xuyên lục địa, du lịch trái mùa và đặc biệt là du lịch bằng đường sắt, nên khách đi tàu tăng cũng là xu hướng.

Nhưng nói khách đi tàu đông do giá vé máy bay quá đắt, theo tôi chỉ một phần thôi. Nếu đường sắt không kịp đổi mới từ trước, khách cũng sẽ lựa chọn phương tiện khác, như đường bộ chẳng hạn.

Cho nên, vé máy bay có cao hay thấp, đường sắt vẫn phải nỗ lực đổi mới để phục vụ hành khách tốt hơn.

Vận tải khách đường sắt bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, ba năm 2020, 2021, 2022 lỗ hơn 1.000 tỷ đồng. Với đà tăng sản lượng vận chuyển như hiện nay, đường sắt có tính đến tăng giá vé để bù đắp, thưa ông?

Đúng là lượng khách đi tàu có đông hơn nhưng không vì thế mà đường sắt chủ trương tăng giá vé để tăng doanh thu.

Quan điểm của chúng tôi là phải điều chỉnh giá vé phù hợp để cân đối giữa cung - cầu, giữa doanh thu và chi phí, nhất là khi giá nhiên liệu tăng, nhân công tăng, chi phí trả cho làm thêm giờ nhiều. Song các điều chỉnh phải được xem là "chấp nhận được" của các phân khúc khách hàng.

Nếu tranh thủ khách đông để tăng giá vé có thể là con dao hai lưỡi. Mình thu được bây giờ nhưng nếu khách thấy không phù hợp, họ sẽ bỏ, không đi tàu nữa.

Làm tốt nhất những gì mình có

Như ông đã nói, việc khách đi tàu ngày càng đông là do tự thân đường sắt đã có nhiều đổi mới, giải pháp. Ông cho biết các giải pháp đó là gì?

Tàu "Kết nối di sản miền Trung" Huế - Đà Nẵng, một sản phẩm mới của ngành Đường sắt, khai trương tháng 3/2024 không chỉ là vận chuyển hành khách mà còn là một hành trình trải nghiệm của du khách. (Trong ảnh: Ẩm thực miền Trung phục vụ khách trên toa xe cộng đồng).

Chủ trương của đường sắt là không cạnh tranh với phương thức vận tải khác và cũng không phương thức nào cạnh tranh với đường sắt. Nếu có, cũng không đáng kể vì thị phần đường sắt không lớn. Như đường bộ cao tốc chỉ có cạnh tranh chặng ngắn, hàng không giá rẻ trên cung chặng vài trăm kilomet trở lên. Mặt khác, phân khúc người đi tàu có sự khác biệt.

Xác định sự cạnh tranh đó chưa phải là áp lực, chúng tôi tập trung làm tốt những gì mình có, từ câu chuyện khai thác, quản lý, vận hành cho tới cải tiến phương tiện, thiết bị. Đặc biệt là nỗ lực nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm hấp dẫn. Khi đường sắt làm tốt, hành khách sẽ tìm đến. Đi một lần thấy tiện lợi, hữu ích, thú vị khách sẽ đi lần thứ hai và nhiều lần sau đó.

Chúng tôi đã xây dựng, đưa ra nhiều sản phẩm mới, riêng. Chẳng hạn, tàu chất lượng cao SE19/SE20 Hà Nội - Đà Nẵng khai trương từ tháng 10/2023. Sau khi thực hiện thành công, chúng tôi cố gắng lan tỏa chất lượng từ đôi tàu này sang các đoàn tàu, sản phẩm khác.

Cùng đó là các phong trào đường tàu - đường hoa, mỗi khu ga một điểm đến, tàu Hà Nội - Hải Phòng food tour, tàu Huế - Đà Nẵng kết nối di sản, tàu đêm Đà Lạt. Đặc biệt, ngày 27/4 tới đây sẽ khai trương đôi tàu chất lượng cao SE21/SE22 Đà Nẵng - TP.HCM với nhiều dịch vụ mới.

Chúng tôi cũng quyết liệt cải thiện chất lượng vệ sinh trên tàu, điều hòa toa xe; cải tạo cơ sở vật chất phục vụ khách chờ tàu tại các ga như phòng VIP... Đội ngũ tiếp viên cũng được lựa chọn, đào tạo chuyên nghiệp hơn.

Gần đây đường sắt tập trung phát triển mạnh các sản phẩm vận tải gắn với văn hóa, di sản, với "sống chậm", trải nghiệm. Hiệu quả đến nay ra sao, thưa ông?

Chúng tôi cố gắng biến những nhược điểm của đường sắt thành ưu điểm. Nhiều ga ở khu vực trung tâm thành thị, có ý nghĩa văn hóa, lịch sử rất lớn. Vì thế, chúng tôi mong muốn khi tàu và ga, hành khách sẽ được trải nghiệm, chia sẻ giá trị văn hóa, lịch sử, chứ không chỉ là vận tải thuần túy. Như mô hình "Mỗi khu ga một điểm đến", người dân đến khu ga không phải chỉ để đi tàu, mà còn tham quan, chiêm ngưỡng...

Với hành trình kết nối di sản, chúng tôi xây dựng sản phẩm tàu khách trên cung chặng phù hợp, vừa kết nối giữa các miền di sản, vừa giúp địa phương phát triển dịch vụ, du lịch.

Đặc điểm tàu khách hiện nay là chạy chậm, thời gian hành trình dài. Vậy nên trên tàu, chúng tôi cung cấp wifi, các kho phim, kho truyện online để khách giải trí, hoặc làm việc. Khi đó, khách có thể đi tàu để "sống chậm", hưởng thụ một chút. Với khách thích vui vẻ, náo nhiệt thì có toa xe cộng đồng để tiệc tùng, hát hò.

Nhân rộng tàu du lịch trải nghiệm

Đường sắt đã có nhiều đổi mới, nhưng gốc rễ vẫn là chất lượng phục vụ, từ đó mới có thể phát triển bền vững?

Phải thẳng thắn thừa nhận, rất nhiều người từng đi tàu nhiều năm trước bị ám ảnh về chất lượng phục vụ trên tàu dưới ga, từ chất lượng điều hòa, vệ sinh không đảm bảo, thái độ phục vụ của nhân viên, giờ tàu đi/đến chậm... Sau có nhiều phương tiện để chọn lựa, nên người ta quay lưng với đường sắt.

Hành khách thưởng thức biểu diễn âm nhạc trên tàu du lịch Huế - Đà Nẵng.

Nhưng giờ, tôi khẳng định, đường sắt đã khác trước. Có thể giá vé các phương tiện khác cao, mọi người sẽ cân nhắc quay lại đi tàu nhiều hơn. Nhưng khi khách quay lại mà đường sắt không duy trì được chất lượng thì họ chỉ quay lại một lần thôi.

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2024, Tổng công ty Đường sắt VN đã chỉ đạo đổi mới ở nhiều nội dung: Vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, kết cấu hạ tầng, điều hành... để có các sản phẩm chất lượng.

Vậy, những sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn mà hành khách có thể tìm thấy ở đường sắt tới đây là gì, thưa ông?

Với chủ trương khai thác tốt những gì hiện có, Tổng công ty Đường sắt VN vẫn định hướng nghiên cứu phát triển, lan tỏa các sản phẩm, mô hình đang hiệu quả, nhất là các sản phẩm vận tải khách - du lịch đáp ứng đa dạng các phân khúc khách hàng.

Hiện nhiều địa phương mong muốn hợp tác cùng đường sắt thực hiện các mô hình sản phẩm vận tải này. Nếu làm được, sẽ tạo thành chuỗi liên hoàn các dịch vụ du lịch mà đường sắt chỉ là một "gạch nối". Căn bản nhất là dịch vụ đầu cuối với sự vào cuộc của địa phương, các đối tác về du lịch, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ...

Như tàu "Kết nối di sản miền Trung" Huế - Đà Nẵng vừa khai trương tháng 3/2024, không chỉ là vận chuyển hành khách giữa hai thành phố, mà đây là một hành trình trải nghiệm của du khách. Vì vậy, việc kết nối các dịch vụ tại hai đầu rất quan trọng, ví dụ tại Huế khách sẽ đi tham quan điểm nào, lưu trú ở đâu, ăn ở đâu, trải nghiệm gì thì địa phương cần kết nối hoàn hảo từ ga đến các điểm, đồng thời có các ưu đãi giảm giá hoặc tăng chất lượng dịch vụ.

Tương lai xa hơn, chúng tôi sẽ hướng tới mô hình như nước ngoài: Chỉ sử dụng một "tấm vé" cho cả hành trình du lịch của du khách. Ví dụ, khách có 10 triệu đồng và 3 ngày nghỉ, đường sắt sẽ thiết kế một chương trình du lịch vừa ý, khách chỉ cầm tấm vé đó đi tàu, xuống ga có xe đón đến điểm tham quan.

Chúng tôi cũng đang hướng tới phân khúc tàu du lịch hạng sang. Cùng đó là tàu charter (thuê bao nguyên đoàn), tàu du lịch trên tuyến chỉ chạy tàu hàng, không chạy tàu khách thông thường. Tức là nhắm đến sản phẩm vận tải độc đáo, riêng biệt của đường sắt, từ đó nâng dần thị phần.

Cảm ơn ông!

Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch TSC:

Giải quyết triệt để vấn đề vệ sinh, mùi tàu

Những đổi mới của đường sắt rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải duy trì được chất lượng từ phương tiện đến chất lượng dịch vụ, trang thiết bị, không để tình trạng xuống cấp.

Đặc biệt, vấn đề lớn nhất mà nhiều năm qua là nỗi ám ảnh của hành khách là nhà vệ sinh trên tàu phải giải quyết được triệt để, không chỉ là trang thiết bị buồng vệ sinh mà cả vấn đề kĩ thuật xử lý chất thải, ngăn tắc, ngăn mùi.

Chính sách giá cước, giá vé cũng nên công bố sớm và cần duy trì ổn định trong một khoảng thời gian dài, để các đơn vị du lịch, lữ hành chủ động trong xây dựng giá, kế hoạch kinh doanh. Đường sắt cần coi đường sắt là nơi sản xuất, các doanh nghiệp du lịch là kênh phân phối, là đơn vị khai thác để có chính sách dài hạn. Có vậy đường sắt mới có được đối tác tốt, lâu dài.

Bà Đoàn Mai Hương, Nguyên Tổng giám đốc Sasco:

Khách lo nhất tàu bị gián đoạn

Từng nghiên cứu làm tour du lịch đường sắt, tôi nhận thấy khách quốc tế rất ưa thích trải nghiệm hành trình Bắc – Nam bằng tàu hỏa. Chúng ta có cung đường sắt ven biển được bình chọn đẹp nhất thế giới mà chưa có tour du lịch xứng tầm. Khách có thể vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức ẩm thực Việt Nam với phở gà, nem rán, xôi nếp… vừa mua bán các sản vật địa phương, xem các tiết mục văn nghệ mang đậm văn hóa dân tộc. Thậm chí mỗi nhà ga cũng có thể được đầu tư thành một địa chỉ văn hóa.

Tuy nhiên, điều lo ngại của nhà đầu tư và khách du lịch là các chuyến tàu có thể bị gián đoạn do tai nạn giao thông, thiên tai. Thực tế thì năm nào cũng có chuyện phải trung chuyển khách bằng ô tô khi tàu phải dừng vì mưa lũ, vì sự cố. Phải giảm thiểu được việc này, du lịch đường sắt sẽ hút khách.

Thanh Thúy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gia-ve-may-bay-cao-co-hoi-de-duong-sat-hut-khach-19224042600051348.htm