Virus H3N2 hay H1N1 nguy hiểm hơn?

Dù tương đối giống nhau về triệu chứng, virus cúm H3N2 vẫn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với virus cúm H1N1.

Người có nguy cơ cao nhiễm virus H3N2 là trẻ em dưới 5 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên. Ảnh: Johns Hopkins Medicine.

Theo trang Times Of India, H3N2 là một chủng cúm theo mùa, chiếm ưu thế trong mùa cúm năm nay. Chủng cúm này được đánh giá có khả năng lây nhiễm cao và gây ra bệnh tật lâu dài cho con người. Những biểu hiện như ho, sốt kéo dài khiến mọi người không khỏi lo lắng về sự an toàn khi bị nhiễm virus H3N2.

Các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng do H3N2 gây ra có sự khác nhau ở mỗi người. Chúng bao gồm sốt cao, nhức đầu dữ dội, đau nhức cơ thể, đau họng, ho dữ dội, dai dẳng, cảm lạnh và tắc nghẽn phổi. Ngoài ra, các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy vẫn có thể xuất hiện theo.

"Bệnh do virus H3N2 có thể gây sốt 3-5 ngày, ho và cảm lạnh kéo dài đến 3 tuần. Nếu bệnh nhân cảm thấy khó thở, tụt huyết áp, nhịp thở nhanh, môi tím tái, co giật, lú lẫn thì phải đưa ngay đến bệnh viện. Tỷ lệ nhập ICU tăng chủ yếu ở những người có bệnh nền và người trên 65 tuổi", tiến sĩ Vinay Bhatia - Trưởng phòng Sinh học Phân tử, Phòng thí nghiệm Tham chiếu Quốc gia, Phòng thí nghiệm Oncquest Limited, Gurugram - nói.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông tin những người có nguy cơ cao nhiễm virus H3N2 là trẻ em dưới 5 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai và người mắc các bệnh nền như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim, hệ thống miễn dịch suy yếu. Các bệnh nhân mắc bệnh lý thần kinh hoặc phát triển thần kinh cũng có nguy cơ cao bị biến chứng do virus H3N2.

Theo ông Bhatia, nhiễm cúm A H3N2 sẽ nghiêm trọng hơn nhiễm cúm A H1N1 hoặc cúm B vì các triệu chứng như sốt, giảm bạch cầu và protein phản ứng C sẽ tăng lên khi cơ thể nhiễm H3N2.

"Virus H3N2 và H1N1 có thể được chẩn đoán thông qua xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Xét nghiệm virus H3N2 và H1N1 tương tự như lấy mẫu để xét nghiệm Covid-19. Phương pháp xét nghiệm cũng giống như xét nghiệm Covid-19, đó là xét nghiệm RT PCR", ông Bhatia nói.

Ông Bhatia khuyên người dân không quá hoảng sợ và cần tuân theo các hướng dẫn phòng ngừa cúm thông thường như rửa tay, hạn chế tiếp xúc với những người đang ho, hắt hơi để tránh lây nhiễm virus H3N2.

Minh Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/virus-h3n2-hay-h1n1-nguy-hiem-hon-post1413105.html