Vì sao vẫn còn tình trạng công trình chậm tiến độ và lãng phí đầu tư công?

Đối với một địa phương còn nhiều khó khăn như Quảng Trị thì thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số công trình, dự án thi công chậm tiến độ hoặc sử dụng kém hiệu quả gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn đầu tư.

Chợ Mai Xá hiện có rất ít tiểu thương vào đăng ký kinh doanh - Ảnh: H.N.K

Một số dự án giao thông chậm tiến độ

Dự án đường nối cầu An Mô vào Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt tại Quyết định số 2498/QĐ-UBND ngày 13/9/2017. Công trình nhằm hoàn thiện đường dẫn phía Nam cầu mới An Mô, kết nối giao thông vùng Đông với trung tâm huyện Triệu Phong, tạo thuận lợi cho người dân, du khách đến thăm viếng Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Tuy nhiên vì nhiều lý do, dự án sau nhiều năm xây dựng vẫn chưa hoàn thành. Hiện tại đường dẫn đầu cầu một phía vẫn chưa hoàn thiện, còn khoảng 500 m chưa được trải thảm nhựa phải nối tạm vào tuyến đường cũ với độ dốc khá cao, gây mất an toàn giao thông. Đặc biệt vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) vì còn một số hộ dân chưa chấp nhận kết quả áp giá bồi thường.

Ông Đỗ Lãn, ở thôn An Định, xã Triệu Long, Triệu Phong cho biết, sau khi mở tuyến mới đoạn nối vào cầu An Mô gia đình ông bị ảnh hưởng 2 sào đất ruộng và 1 sào đất vườn cùng 2 ngôi nhà cấp 4. Khi tính giá 1 sào đất lúa bồi thường 45 triệu đồng, 1 sào đất vườn bồi thường 900 triệu đồng là quá thiệt thòi cho gia đình nên đến nay ông vẫn chưa chấp thuận mức giá bồi thường. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết trong 100 hộ thuộc diện bồi thường để GPMB đã có 93 hộ nhận tiền nhưng còn lại 7 hộ vẫn chưa đồng ý phương án bồi thường.

Theo báo cáo của chủ đầu tư đơn giá bồi thường hỗ trợ GPMB tăng đã vượt hơn 12 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư. Vì thế, ngày 17/1/2022, UBND tỉnh đã có văn bản số 207/UBND-TH về việc bổ sung vốn cho Dự án đường nối cầu An Mô vào Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn giao Sở Tài chính cân đối, bố trí nguồn vượt thu ngân sách năm 2021 để hỗ trợ một phần cho dự án thực hiện hoàn thành, đưa vào sử dụng. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa hoàn thành việc bồi thường GPMB nên công trình không thể thi công theo tiến độ.

Cũng như tình trạng trên, công trình đường Lê Thánh Tông kéo dài tại thành phố Đông Hà được phê duyệt năm 1996, chia thành nhiều phân đoạn. Trong đó, phân đoạn từ đường Lê Lợi đến đường Hàm Nghi được UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thi công và dự toán vào ngày 21/11/2002. Tuy nhiên, sau khi dự án cơ bản hoàn thành đoạn nối từ đường Hùng Vương đến đường Hàm Nghi, đoạn còn lại tính từ điểm giao đường Lê Lợi đến Hùng Vương bị ngừng thi công.

Đến tháng 6/2015, UBND tỉnh quyết định xây dựng đoạn đường Lê Thánh Tông, có điểm đầu tại Km0+300 giao với đường Lê Lợi và điểm cuối tại Km0+959,69 giao với đường Hùng Vương với tổng chiều dài gần 660 m. Vậy nhưng đến nay, sau gần 7 năm, công trình đường Lê Thánh Tông vẫn chưa hoàn thành do thiếu kinh phí để GPMB và một số vấn đề liên quan.

Chúng tôi được biết đây là dự án sử dụng nguồn ngân sách trung ương. Tính đến nay, trung ương đã bố trí 497.858 triệu đồng và không tiếp tục bố trí. Do đó năm 2020, UBND tỉnh đã bố trí 42,5 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để hoàn thành dự án. Trong đó, hợp phần GPMB là 15 tỉ đồng, hợp phần xây dựng là 27,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch năm 2020 không giải ngân hết nên đã được UBND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân qua năm 2021. Nhưng đến hết năm 2021, kế hoạch vốn của dự án vẫn chưa được giải ngân gần 22,5 tỉ đồng. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công năm 2019, số vốn này không được kéo dài sang năm 2022.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Võ Phong Luân cho biết, sở dĩ dự án chưa giải ngân hết nguồn vốn là do còn 1 hộ chưa chịu nhận tiền bồi thường. Về phía đơn vị thi công đang gặp khó khăn do khan hiếm nguồn đất đắp mặt bằng nên các nhà thầu chưa biết xoay xở quỹ đất ở đâu, buộc phải ngừng thi công. Ngoài ra, còn phải kể các dự án giao thông như đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Lê Lợi và một số công trình khác ở thành phố Đông Hà hiện vẫn còn vướng mắc nên chưa thể hoàn thiện, dù dự án đã triển khai từ lâu, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và hạ tầng đô thị.

Để đáp ứng công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ và đảm bảo đời sống dân sinh trên địa bàn, đường tránh lũ, cứu hộ và phát triển kinh tế phía Tây huyện Triệu Phong được xây dựng có tổng mức đầu tư 350 tỉ đồng, kế hoạch vốn đã bố trí cho dự án là hơn 149 tỉ đồng. Dự án có chiều dài khoảng 23 km, khởi công xây dựng từ năm 2011, do huyện Triệu Phong làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án còn dở dang do thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội nên không được tiếp tục bố trí vốn.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã kịp thời bổ sung nguồn ngân sách địa phương để hoàn thành một số đoạn tuyến và cầu dở dang. Hiện đoạn tuyến qua địa bàn huyện Triệu Phong đã hoàn thành 10 km và cầu tại Km8+753 trong tổng số 23 km của dự án.

Đầu tư chợ chưa phát huy hiệu quả

Những năm qua, một số chợ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng hàng chục tỉ đồng nhưng khi đưa vào sử dụng chưa phát huy hiệu quả. Trong đó phải kể đến dự án chợ đêm Phường 2 ở thành phố Đông Hà, chợ Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh), chợ Trung tâm xã Triệu Thành (Triệu Phong)...

Qua khảo sát thực tế cho thấy, một số chợ có rất ít tiểu thương vào buôn bán, thậm chí không thu hút được các tiểu thương, để trống chợ gây lãng phí đến nguồn vốn đầu tư của xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dự án chợ Mai Xá, chợ Triệu Thành được đầu tư trên cơ sở đề xuất của UBND xã Gio Mai, UBND xã Triệu Thành và UBND các huyện Triệu Phong, Gio Linh nhằm hoàn thiện tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhằm hỗ trợ các xã Gio Mai, Triệu Thành đạt chuẩn xã nông thôn mới. Mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 2 tỉ đồng/chợ. Chợ Mai Xá đã đưa vào sử dụng từ tháng 1/2022 nhưng vẫn còn 6 lô quầy chưa được đấu giá do vị trí kinh doanh không thuận lợi.

Được biết sau khi hoàn thành gần 2 năm nhưng chợ Mai Xá chưa thể đi vào hoạt động do các hộ kinh doanh cho rằng mức thuê đấu lô quầy quá cao so với mức thu nhập kinh doanh tại chợ. Vì vậy, UBND xã Gio Mai đã kiến nghị lên UBND huyện Gio Linh xin giảm từ gần 50% mức giá ban đầu nên mới có hộ kinh doanh tham gia đấu giá, từ đó chợ mới đi vào hoạt động.

Riêng chợ Triệu Thành chưa đưa vào sử dụng do người dân, tiểu thương chưa đồng ý. Đối với chợ đêm Phường 2 đi vào hoạt động từ cuối năm 2019, nhưng từ tháng 3/2020, do ảnh hưởng của COVID-19 nên đã ngừng kinh doanh, hoạt động cho đến nay. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát nên UBND thành phố Đông Hà cần tiếp tục tạo điều kiện, yêu cầu Công ty TNHH MTV Thương mại Triều Phát sớm có phương án để đưa chợ đêm Phường 2 hoạt động trở lại, phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn và du khách theo đúng mục tiêu đặt ra.

Có thể khẳng định rằng, việc đầu tư xây dựng chợ phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế, xã hội là cần thiết. Hiệu quả của đầu tư chợ được tính bằng sự giao thương buôn bán. Tuy nhiên, để chợ bỏ trống ngay khi vừa xây xong hoặc thưa vắng người mua bán cho thấy sự lúng túng trong giải quyết vấn đề khai thác hiệu quả công trình của chính quyền địa phương.

Hồ Nguyên Kha

(Còn nữa)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=169539&title=vi-sao-van-con-tinh-trang-cong-trinh-cham-tien-do-va-lang-phi-dau-tu-cong