Vì sao tàu vũ trụ Buran của Liên Xô 'chết yểu'?

Dự án chế tạo tàu vũ trụ Buran của Liên Xô được cho là siêu việt hơn cả tàu con thoi của Mỹ, tuy nhiên sự tan rã của Liên xô cộng với khó khăn về tài chính khiến cho dự án này bị đóng lại.

Tàu vũ trụ Buran của Liên Xô được phát triển để cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ.

Sứ mệnh duy nhất của tàu vũ trụ này có ý nghĩa đặc biệt đối với chương trình chinh phục vũ trụ của Liên Xô khi đó và Nga sau này.

Vào năm 1975, Liên Xô khởi động Chương trình tàu vũ trụ sử dụng nhiều lần mang tên Buran nhằm cạnh tranh với Mỹ trong công cuộc kiểm soát không gian.

Việc chế tạo tàu vũ trụ này cho chương trình bắt đầu năm 1980 và tới năm 1984, tàu Buran đầu tiên của Liên Xô đã xuất xưởng.

Ngày 1/2/1988, tàu vũ trụ Buran đang trong quá trình chuẩn bị cho lần phóng đầu tiên vào cuối năm.

Ngày 1/3/1988, tàu vũ trụ Buran được lắp ghép với tên lửa đẩy Energia.

Ngày 15/11/1988, tàu vũ trụ Buran được đưa lên quỹ đạo bởi tên lửa Energia được thiết kế đặc biệt.

Con tàu đã bay quanh Trái Đất hai lần trong 206 phút trước khi quay về, trình diễn một màn tự động hạ cánh ấn tượng ở trên đường băng sân bay vũ trụ Baikonur.

Sau chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên của tàu vũ trụ Buran, báo chí Liên Xô hứa hẹn nhiều về một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực thám hiểm không gian.

Tàu vũ trụ Buran của Liên Xô có vẻ ngoài trông giống tàu con thoi Columbia của Mỹ.

Tuy nhiên do ra đời muộn 7 năm so với tàu con thoi của Mỹ nên tàu Buran đã tránh được những sai lầm của đối thủ, tiến bộ hơn nhiều lần.

Tàu vũ trụ Buran có thể ở trên quỹ đạo 30 ngày, dài gấp đôi so với tàu Columbia. Nó có thể chở 30 tấn hàng hóa, trong khi tàu con thoi của Mỹ chỉ chở được 24 tấn.

Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là tàu vũ trụ Buran có thể bay và hạ cánh theo cơ chế tự động, điều này đã được thể hiện một cách hoàn hảo trong lần bay duy nhất của nó.

Ngày 19/5/1989, một chiếc máy bay vận tải hạng nặng Antonov AN-225 Mria cõng tàu Buran từ Trung tâm Baikonur tới Kiev, thủ đô Ukraina.

Sau đó tàu con thoi Buran được đưa tiếp tới dự Triển lãm hàng không Paris Air Show tại Pháp.

Từng là niềm kỳ vọng của ngành công nghiệp vũ trụ Liên Xô, nhưng trên thực tế chuyến bay ra mắt của tàu Buran lại chính là chuyến bay cuối cùng của nó.

Sau chuyến bay đầu tiên, dự án Buran bị đình trệ vì thiếu ngân sách và tình hình chính trị ở Liên Xô.

Hai chiếc tàu vũ trụ sau, dự kiến hoàn thành năm 1990 và 1992 không bao giờ hoàn thành.

Dự án bị chính thức kết thúc vào ngày 30/6/1993.

Vào thời điểm nó bị hủy bỏ, 20 tỷ rúp đã được chi tiêu cho chương trình.

Dù dự án bị hủy bỏ, nhưng những công nghệ phát triển cho dự án Buran đã được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.

Động cơ cực mạnh R-170 được chế tạo cho tầng thứ nhất của tên lửa Energia, được Ukraina sử dụng cho loại tên lửa Zenit của họ.

Loại động cơ cỡ nhỏ hơn RD-180 và RD-190 được Nga dùng cho tên lửa thế hệ kế tiếp Angara và người Mỹ sử dụng cho tên lửa đẩy Atlas của mình.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-tau-vu-tru-buran-cua-lien-xo-chet-yeu-post527383.antd