Kharkov nóng rực, phương Tây có cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa?

Việc Nga mở mặt trận mới khiến chiến trường Kharkov ngày càng nóng lên đã khiến giới quan sát đặt câu hỏi liệu phương Tây có sẵn sàng cho phép Ukraine sử dụng rộng rãi các vũ khí tầm xa mà họ cung cấp để nhắm vào các mục tiêu của Moscow hay không?

Nga mở mặt trận mới, chiến trường Kharkov nóng rực

Các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của Mỹ ngày 20/5 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mở "một mặt trận khác" ở khu vực Kharkov - thành phố lớn thứ hai Ukraine.

"Các lực lượng của Nga đã mở một mặt trận khác để giành lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhận định với báo giới sau cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine.

Quân đội Ukraine khai hỏa lựu pháo tự hành về phía quân đội Nga ở khu vực Kharkov. Ảnh: Reuters

Quân đội Ukraine khai hỏa lựu pháo tự hành về phía quân đội Nga ở khu vực Kharkov. Ảnh: Reuters

Gói hỗ trợ quân sự của Mỹ trị giá 60 tỷ USD được Quốc hội thông qua và được Tổng thống Biden ký phê duyệt vào tháng 4/2024, đang đến Ukraine giữa bối cảnh Kiev đối mặt với một cuộc tấn công lớn của Nga có thể quyết định cục diện xung đột, Can Kasapoğlu, học giả cấp cao đồng thời là chuyên gia các vấn đề chính trị - quân sự tại Viện Hudson nhận định với ABC News.

Tướng C.Q. Brown, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ ngày 20/5 nhận định, cuộc tấn công mới của Nga có mục tiêu "thiết lập một vùng đệm nông dọc biên giới Ukraine".

Theo ông: "Nga dự đoán điều này sẽ chuyển hướng sự tập trung và các lực lượng của Ukraine từ các khu vực quan trọng khác".

Kharkov được Ukraine giành lại trong cuộc phản công mùa thu năm 2022 sau khi Nga kiểm soát thành phố này trong chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2/2022.

Nga vẫn chưa xuyên thủng tiền tuyến của Ukraine nhưng ông Kasapoğlu cho biết việc tiền tuyến không ổn định làm dấy lên những lo ngại rằng liệu Ukraine có thể giữ được thành phố này hay không nếu Nga tăng cường nỗ lực để giành được nó.

"Nga đã xoay xở để đảm bảo nhiều thành quả chiến thuật" ở khu vực Kharkov và quanh thành phố này, ông Kasapoğlu nói, đồng thời nhận định, Moscow có thể sẽ cố gắng tăng cường các vị trí chiến thuật và dần di chuyển về phía trước để đưa thành phố Kharkov vào tầm bắn của các hệ thống pháo.

Nếu Moscow tiến hành cuộc tấn công lớn và giành lại Kharkov, "cơ hội của Ukraine sẽ rất mong manh trong việc tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn và giành lại lãnh thổ từ Nga", ông Kasapoğlu đánh giá.

Theo ông, việc Nga có thể biến "những thành quả chiến thuật thành thành quả chiến lược" và giành lại Kharkov hay không sẽ trở nên rõ ràng hơn "trong những tuần tới".

Gói hỗ trợ quân sự bổ sung của Mỹ bao gồm các loại pháo mà Ukraine đang cần cũng như vũ khí phòng không nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết các lực lượng của nước này cần nhiều hơn thế.

Cuộc khủng hoảng ở Kharkov là một "sai lầm của thế giới", ông Zelensky nhận định với ABC News. Theo ông, các hệ thống phòng không đóng vai trò vô cùng quan trọng.

"Tất cả những gì chúng tôi cần là 2 hệ thống Patriot", ông Zelensky cho hay.

Gói hỗ trợ của Mỹ bao gồm các loại tên lửa cho Patriot nhưng lại không có các hệ thống này. Đức đã cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine 1 hệ thống Patriot - động thái mà Bộ trưởng Quốc phòng Austin hoan nghênh ngày 20/5 song ông cho biết hồi tháng 4 rằng hệ thống này sẽ không phải là "viên đạn bạc" cho phòng không Ukraine.

Phương Tây có cho phép Ukraine vượt lằn ranh đỏ của Nga?

Theo chuyên gia Kasapoğlu, tên lửa tầm xa ATACMS - hệ thống mà Mỹ thừa nhận đã chuyển cho Ukraine lần đầu tiên vào tháng 4/2024, có thể tạo nên khác biệt trong giai đoạn phòng thủ ban đầu ở Kharkov.

Đây sẽ là một "vũ khí lý tưởng" để đối phó với động thái tăng cường lực lượng của Nga, ông Kasapoğlu nói. Tuy nhiên, bởi vì Nga tấn công từ lãnh thổ của họ chứ không phải từ trong Ukraine nên Kiev bị giới hạn sử dụng tên lửa trên theo các điều kiện của các đối tác.

Bất chấp cuộc tiến công của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết các vũ khí của Washington không nên được sử dụng bên ngoài lãnh thổ Ukraine.

"Mong muốn của chúng tôi là họ tiếp tục sử dụng các vũ khí mà chúng tôi đã cung cấp nhắm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Ukraine", ông Austin nói.

Victoria Nuland, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị thì nhận định với ABC News rằng các vũ khí của Mỹ nên sẵn sàng được cung cấp cho Ukraine để nhắm vào các mục tiêu của Nga.

Hiện nay, một yêu cầu lớn từ các quan chức Ukraine là sự cho phép của Washington cũng như các nước phương Tây khác về việc sử dụng các vũ khí tầm xa bởi theo họ, việc được phép sử dụng rộng rãi các vũ khí phương Tây có thể thay đổi đà tiến công của Kiev. Tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết "lợi thế lớn nhất" của Moscow là việc Ukraine bị cấm sử dụng các vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, các quan chức phương Tây đang dần bớt gay gắt hơn về vấn đề trên khi họ cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters, Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết việc sử dụng các vũ khí của Anh như thế nào là do Ukraine quyết định.

"Ukraine có quyền đó. Cũng như việc Nga đang tấn công vào trong lãnh thổ Ukraine, chúng ta đều hiểu tại sao Ukraine cảm thấy cần chắc rằng mình đang tự vệ", Reuters dẫn lời ông Cameron cho hay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo Ukraine về việc sử dụng các phương tiện do phương Tây cung cấp để tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Nga, đồng thời cho rằng động thái này có nguy cơ làm leo thang xung đột. Những cảnh báo như vậy đã khiến các đối tác của Ukraine như Mỹ trì hoãn việc cung cấp cho Kiev các vũ khí tầm xa có khả năng vươn tới lãnh thổ Nga song cuối cùng các nước NATO vẫn cung cấp cho Ukraine những vũ khí như vậy.

Các quốc gia như Phần Lan và Latvia tuyên bố Ukraine có quyền sử dụng vũ khí mà họ cung cấp để tự vệ, bao gồm cả tấn công trong nước Nga. Điện Kremlin đã chỉ trích những tuyên bố "nguy hiểm" từ phương Tây và cho rằng đây là một minh chứng cho thấy "sự leo thang về ngôn từ" có thể đe dọa an ninh châu Âu.

Học giả cấp cao Emma Ashford thuộc Viện Stimson thận trọng cho rằng những động thái như dỡ bỏ những giới hạn về vũ khí của Mỹ có thể mang đến lợi thế cho Ukraine nhưng lại không tốt cho Washington.

"Có một sự căng thẳng rõ ràng giữa việc giúp Ukraine làm mọi thứ mà nước này muốn để giành chiến thắng và những rủi ro leo thang. Tôi nghĩ chính quyền Tổng thống Biden hiểu rõ vấn đề này", bà Emma Ashford nói. Theo bà, trong khi "một số lượng nhỏ những cuộc tấn công hạn chế vào Nga dường như không dẫn đến leo thang nghiêm trọng thì tôi nghĩ điều đáng lo ngại là đó là một con dốc trơn trượt".

Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/kharkov-nong-ruc-phuong-tay-co-cho-phep-ukraine-dung-vu-khi-tam-xa-post1096510.vov