Vì sao doanh nghiệp tình nguyện hỗ trợ người dân?

Đến ngày 23/3, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An vẫn chưa có kết luận về tình trạng sụt lún, tụt nước ngầm tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp. Tuy nhiên, đầu tháng 3 vừa qua đã có 1 công ty chi hơn 10 tỷ đồng để hỗ trợ cho hơn 440 hộ dân. Vì sao vậy?

Sụt lún ở xã Hồng Châu.

Như Báo Đại Đoàn Kết phản ánh, từ cuối năm 2020 tại một số bản của xã Châu Hồng (Quỳ Hợp, Nghệ An) xuất hiện tình trạng tụt nước ngầm, sụt lún, nứt nẻ, xuất hiện hố tử thần…. Huyện Quỳ Hợp đã thành lập các đoàn kiểm tra để nắm bắt tình hình. Từ tháng 2/2021 đến tháng 10/2021, UBND huyện Quỳ Hợp đã có 3 lần báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan. Tuy nhiên, sau mỗi lần kiểm tra, các sở, ngành vẫn không xác định được nguyên nhân sụt lún, nứt nẻ.

Đến đầu năm 2022, hiện tượng này lan rộng đến nhà dân, cơ quan và trường học của xã Châu Hồng. Các điểm sụt lún đất, có diện tích khoảng 25 - 30m trên đất sản xuất, chiều sâu 1,5 - 2,5m, các vết nứt đất kéo dài, xuyên qua sân, vườn, nhà ở của nhiều hộ gia đình, cơ quan nhà nước.

Tình trạng sạt lở, sụt lún đã ảnh hưởng đến 449 hộ dân thuộc 6 bản và công sở của xã Châu Hồng. Từ khi xảy ra vụ việc, đoàn công tác của UBND huyện Quỳ Hợp đã có 25 lần trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo; có 13 văn bản, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, sở, ngành, 19 văn bản chỉ đạo các phòng, ban, ngành và UBND xã Châu Hồng, nhưng nguyên nhân gây sụt lún, tụt nước vẫn không thể tìm ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã trực tiếp kiểm tra tại hiện trường và yêu cầu tạm dừng hút nước ngầm phục vụ khai thác khoáng sản. Tháng 4/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Nghệ An đã giao UBND huyện Quỳ Hợp ra thông báo yêu cầu các tổ chức, cá nhân tạm dừng việc hút, khai thác nước ngầm tại khu vực bản Công, bản Na Hiêng, bản Pòng và vùng lân cận. Sau đó, tình trạng sụt lún, nứt nẻ và khô cạn giếng nước chấm dứt.

UBND tỉnh Nghệ An đã giao các đơn vị chuyên môn khẩn trương kiểm tra, đánh giá những hộ dân bị ảnh hưởng để có phương án hỗ trợ. Kết quả kiểm tra, có tổng số 449 hộ dân xã Châu Hồng bị ảnh hưởng bởi sụt lún, mất nước ngầm. Tổ công tác đã tính toán, hỗ trợ được 447 hộ với tổng số tiền 10,428 tỷ đồng. Số tiền này do Công ty Tân Hoàng Khang (đơn vị duy nhất tại xã Châu Hồng khai thác quặng thiếc) chi trả.

Về vấn đề này, ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, số tiền hơn 10 tỷ đồng là do Công ty Tân Hoàng Khang hỗ trợ cho người dân. “Công ty Tân Hoàng Khang hỗ trợ chứ không phải đền bù, việc này họ đã có văn bản đề nghị khi bắt đầu có hiện tượng sụt lún. Sau đó đã được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý” - ông Lợi cho biết.

Trước đó, vào ngày 1/8/2022, UBND huyện Quỳ Hợp đã có buổi làm việc với Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ về kết quả điều tra, nghiên cứu, tìm nguyên nhân gây sụt lún đất bất thường ở xã Châu Hồng. Tại cuộc họp này, nguyên nhân được xác định là do tụt nguồn nước ngầm và tác động của hoạt động khai thác khoáng sản.

Theo báo cáo của Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ, nguyên nhân sụt lún đất dẫn đến nứt nẻ, đứt gãy nhà cửa ở xã Châu Hồng và 2 xã lân cận là Châu Tiến, Liên Hợp là do địa hình, địa mạo tại các xã này khá phức tạp, dẫn đến chế độ thủy văn nước mặt và nước ngầm bị ảnh hưởng. Ngoài ra, do điều kiện thời tiết biến đổi bất thường, việc khai thác khoáng sản đã tác động mạnh đến tầng chứa nước phá vỡ lớp sét cách nước, dẫn đến sụt lún đất, nứt nẻ nhà cửa.

Như vậy, nguyên nhân gây sụt lún là do tụt nước ngầm, tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến tụt nước ngầm vẫn chưa có báo cáo cụ thể, nghĩa là chưa rõ 1 thực thể nào gây nên việc tụt nước ngầm tại xã Châu Hồng kéo dài hơn 2 năm trước khi tạm dừng hút nước.

Theo Giấy phép khai thác số 938/GP-UBND ngày 12/3/2015 của UBND tỉnh Nghệ An cấp phép cho Công ty Tân Hoàng Khang được khai thác mỏ quặng thiếc và đá xây dựng tại khu vực Phá Líu và Thung Lùn xã Châu Hồng có ghi rõ: Diện tích khu vực xin khai thác 9,8ha (không bao gồm khu vực chế biến). Công suất khai thác: (Giai đoạn 1: Khoáng sản chính: 5,9 tấn thiếc kim loại/năm, khoáng sản đá vật liệu xây dựng đi kèm: 21.750m3/năm; Giai đoạn 2: khoáng sản chính 2,45 tấn thiếc kim loại/năm; khoáng sản đá vật liệu xây dựng đi kèm: 87.000m3...). Tính đến thời điểm bắt đầu có hiện tượng sụt lún, tụt nước ngầm thì Công ty Tân Hoàng Khang đã khai thác gần 5 năm.

Châu Hồng được xem như “thủ phủ khoáng sản” với rất nhiều mỏ được cấp phép khai thác suốt hàng chục năm qua. Phía đông bắc của xã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác 6 mỏ đá trắng và 2 mỏ quặng thiếc. Trong đó, chỉ có Công ty Tân Hoàng Khang khai thác quặng thiếc có bơm hút nước ngầm dưới lòng đất.

Điền Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vi-sao-doanh-nghiep-tinh-nguyen-ho-tro-nguoi-dan-5713094.html