Sóc Trăng đã chuẩn bị sẵn sàng xuống giống vụ lúa Hè - Thu

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, Khu vực Nam Bộ nắng nóng vẫn tiếp diễn. Mùa mưa xuất hiện muộn, tổng lượng mưa tháng 4 - 5/2024 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 40%; tổng lượng mưa từ tháng 6 đến tháng 8/2024 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa tháng 9 ở mức cao hơn từ 10 - 30% so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Kông có khả năng thấp hơn từ 7 - 15% so với trung bình nhiều năm, nguồn nước từ thượng nguồn thấp nên mặn vẫn tiếp tục xảy ra tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Từ nay đến cuối tháng 5, đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn diễn ra các đợt xâm nhập mặn tăng cao. Để chuẩn bị tốt cho việc xuống giống vụ lúa Hè - Thu, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đã xây dựng lịch khuyến cáo mùa vụ xuống giống thông tin đến địa phương, nhằm có những chỉ đạo kịp thời cho vụ lúa Hè - Thu năm 2024 thành công tốt đẹp.

Nông dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tất bật làm đất để xuống giống vụ lúa Hè - Thu năm 2024. Ảnh: THÚY LIỄU

Nông dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tất bật làm đất để xuống giống vụ lúa Hè - Thu năm 2024. Ảnh: THÚY LIỄU

Sóc Trăng có diện tích gieo trồng lúa hằng năm hơn 330.000ha, sản lượng đạt trên 2 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 93% sản lượng lúa toàn tỉnh. Tính riêng trong vụ lúa Hè - Thu năm 2024, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã xuống giống ước diện tích 35.000/138.500ha kế hoạch.

Thời vụ xuống giống vụ lúa Hè - Thu năm 2024 đã được ngành Nông nghiệp Sóc Trăng triển khai, với khung mùa vụ bắt đầu từ tháng 4. Cụ thể, đợt 1: đầu tháng 4 đến 30/4, chiếm 26,5% diện tích, khoảng 37.000ha, lúa sẽ được xuống giống chủ yếu ở những vùng chủ động nguồn nước tưới tiêu, khu vực có nguồn nước ngọt thuộc các huyện như: Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành và thị xã Ngã Năm. Đợt 2: xuống giống từ ngày 1/5 đến 31/5, chiếm 36,5% diện tích, khoảng 50.900ha, tập trung xuống giống ở các huyện như: Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Tú, Thạnh Trị, một phần huyện Long Phú, Mỹ Xuyên. Đợt 3: kết thúc gieo sạ trước ngày 30/6 chủ yếu ở các khu vực còn lại, vùng đất cao, ảnh hưởng mặn không xuống giống được do chưa chủ động được nguồn nước, phụ thuộc vào nguồn nước mưa, chiếm gần 37% diện tích, khoảng 51.460ha, tập trung xuống giống ở các huyện như: Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên, thành phố Sóc Trăng và một phần của 2 huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú.

Theo đó, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng giống xác nhận trong sản xuất, ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu về thị trường tiêu thụ lúa gạo. Cơ cấu giống cho sản xuất lúa vụ Hè - Thu năm 2024 được ngành Nông nghiệp tỉnh đề xuất sản xuất với giống lúa chủ lực là Đài thơm 8, OM18, OM5451, các giống lúa nhóm ST. Cùng với đó, dựa theo đặc điểm sinh thái điều kiện tự nhiên của từng địa phương mà chọn lựa giống lúa xuống cho phù hợp. Chẳng hạn đối với vùng ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, khuyến cáo nông dân gieo sạ các giống lúa OM4900, OM576, các giống lúa thơm nhóm ST. Vùng ngọt sử dụng các giống lúa gieo sạ là Đài thơm 8, OM18, OM5451, OM34, OM380.

Bên cạnh đó, các giống lúa chống chịu phèn - mặn trung bình, khá là OM 4900, Đài thơm 8, OM18, các giống lúa nhóm ST. Nhóm giống lúa thơm - đặc sản: Đài thơm 8, OM4900, RVT, các giống lúa nhóm ST.

Để giúp nông dân canh tác lúa vụ Hè - Thu năm 2024 đạt năng suất cao và đem về lợi nhuận tốt, đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đề nghị các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường dự báo tình hình thời tiết, thủy văn thông tin kịp thời đến người dân biết để chủ động trong gieo sạ và chăm sóc lúa; đồng thời, rà soát lại tình hình thực tế trên địa bàn và có kế hoạch sản xuất, xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho từng vùng. Phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra kịp thời nắm tình hình và đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng thời tiết và dịch hại gây ra. Riêng đối với ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên thông báo tình hình khí tượng thủy văn, giúp địa phương kịp thời chỉ đạo sản xuất và có biện pháp ứng phó với các điều kiện bất lợi như triều cường, mưa bão và xâm nhập mặn. Thường xuyên thông báo tình hình dịch hại và các giải pháp phòng trừ để các địa phương chủ động phòng, chống và có biện pháp xử lý kịp thời. Cung ứng các giống lúa đạt chất lượng cao, chống chịu các điều kiện bất lợi như phèn, mặn đáp ứng yêu cầu thị trường. Tập huấn, tuyên truyền, xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm, 3 tăng, 1 phải, 5 giảm trong sản xuất, nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/soc-trang-da-chuan-bi-san-sang-xuong-giong-vu-lua-he-thu-73086.html