Vì quyền lợi người tiêu dùng

Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' trên địa bàn tỉnh thực sự 'ngấm' vào tiềm thức, ý thức người tiêu dùng địa phương. Thể hiện ở chỗ, tại các chợ trung tâm, chợ phiên truyền thống, siêu thị lớn nhỏ, hội chợ thương mại, xúc tiến đầu tư… hàng Việt đã chiếm ưu thế.

Tại những gian hàng này, người dân tham quan, mua sắm đông đúc. Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, hàng Việt theo đó ngày càng chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mẫu mã đa dạng, bắt mắt, phù hợp xu thế thời đại.

Một trong những động thái quảng bá, giới thiệu hàng Việt, hàng địa phương đến người dân nhanh nhất, thiết thực và hiệu quả nhất, đó là thông qua các hội chợ thương mại, triển lãm tại các ngày hội, lễ hội: Đua thuyền đuôi én và giải thể thao dù lượn (TX. Mường Lay), Lễ hội Hoa Anh Đào - Điện Biên Phủ 2024. Trước đó (trung tuần tháng 6/2023) là Hội chợ Thương mại biên giới tại huyện Nậm Pồ, thu hút hơn 30 gian hàng của 19 doanh nghiệp, thương nhân trên địa bàn tỉnh tham gia bày bán, giới thiệu sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước đến với người dân.

Gần đây, tỉnh Điện Biên tổ chức các hoạt động văn hóa - du lịch tại Lào, TP. Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội, hay tại TP. Thanh Hóa... Mục đích, ngoài quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, du lịch của tỉnh, là “phô diễn” các mặt hàng OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu địa phương.

Qua các hoạt động này, hàng nông sản, lương thực, thực phẩm chế biến; hàng may mặc, thời trang; hàng tiêu dùng, đồ gia dụng; sách, văn phòng phẩm; hóa, mỹ phẩm; dịch vụ viễn thông... được đông đảo người dân biết đến, lựa chọn, mua sắm cho gia đình mình, biếu tặng người thân...

Nắm bắt thông tin qua nhiều người dân mua sắm hàng hóa tại các hội chợ, chợ truyền thống, chợ phiên, siêu thị... bà con cho rằng, nhận thức, ý thức đã thay đổi nhiều. Hàng Việt luôn là lựa chọn hàng đầu mỗi khi ra chợ, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ; hàng may mặc, giày dép...

Để hàng Việt giành được chỗ đứng trong lòng người Việt, thì một trong những giải pháp quan trọng, quyết định đó là phải luôn quan tâm chú trọng chất lượng, mẫu mã và giá cả hợp lý, phù hợp mọi đối tượng người dùng.

Làm được điều đó, ngoài doanh nghiệp, hộ thương nhân nâng cao ý thức khi sản xuất, chế biến hàng hóa, nguyên liệu đầu vào của sản phẩm đảm bảo, thì cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, tránh để kẻ xấu lợi dụng sơ hở, nhập nhèm trục lợi. Cùng với đó, thường xuyên thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về các loại hàng hóa kém chất lượng, hàng cấm, hàng giả, hàng nhái… để người dân biết trước khi lựa chọn hay quyết định mua.

Xây dựng được uy tín, thương hiệu hàng Việt trong lòng người Việt rất khó, mất rất nhiều thời gian; các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn địa phương cũng vậy. Nếu vì lợi nhuận trước mắt, mãi chạy theo thị trường, bỏ qua thị hiếu, chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý không tốt của người tiêu dùng thì cả hệ thống chính trị có nỗ lực vào cuộc tuyên truyền, vận động, xúc tiến thương mại, kích cầu đến mấy thì người dân vẫn tẩy chay, quay lưng.

Với đặc thù vị trí địa lý, giao thông cách trở như tỉnh ta, cần tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thương mại, giới thiệu sản phẩm “đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” hơn nữa cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc sinh sống ở vùng cao, vùng sâu dễ dàng tiếp cận, mua sắm. Một mặt, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong quản lý, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm hàng hóa trên môi trường mạng. Đây cũng là cơ hội tìm kiếm đối tác, liên kết phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp trong tỉnh.

Tùng Lĩnh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/212441/vi-quyen-loi-nguoi-tieu-dung