Về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu

Người đứng đầu trong một cấp ủy, cơ quan, đơn vị còn gọi là thủ trưởng của các đơn vị đó, ví dụ: Bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, Bộ trưởng và tương đương... Họ là những người có thẩm quyền cao nhất, trách nhiệm lớn nhất trong cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Thẩm quyền là quyền lực của người đứng đầu do cấp trên hoặc tổ chức giao để họ được quyền quyết định các công việc lớn và lãnh đạo tổ chức thực hiện các công việc đó trong cấp ủy, cơ quan, đơn vị, đồng thời chịu trách nhiệm cao nhất về những vấn đề mà họ đã quyết định và tổ chức thực hiện; khi thắng thì được "vinh danh” khen thưởng, thất bại hoặc khuyết điểm thì người đứng đầu đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước, thậm chí còn phải nhận những hình thức kỷ luật nhất định. Tổng kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí trong cả nước đã xử lý hàng trăm người đứng đầu vi phạm pháp luật. Riêng năm 2011 đã có 40 người đứng đầu phải nhận kỷ luật cảnh cáo về những sai lầm của họ trong lãnh đạo, quản lý.

Ở nước ta, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu tuy đã có quy định bằng văn bản nhưng chua có đầy đủ quy chế và chế tài kiểm tra thực hiện trong thực tế, nên khi cán bộ, đảng viên mắc sai lầm rất khó khăn trong việc quy trách nhiêm. Thành tích thì ai cũng muốn giành phần cho mình, khuyết điểm thì không ai chịu nhận và thường đổ lỗi cho khách quan. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái ở một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong đó có cả cán bộ cấp cao. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra một trong ba vấn đề cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu (thủ trưởng), cùng với việc ban hành đầy đủ quy chế và chế tài kiểm tra việc thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu ở các ngành các cấp. Thực trạng hiện nay ở một số nơi có tình trạng trong mối quan hệ người đứng đầu với tập thể cấp ủy, cơ quan và đơn vị là khâu mắc nhất. Mối quan hệ này nếu không được giải quyết đúng đắn sẽ gây ra mất đoàn kết trong nội bộ, thậm chí kéo bè, kéo cánh đấu đá lẫn nhau làm ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo và quản lý trong cơ quan, đơn vị. Vì vậy việc đấu tranh đẩy lùi tình trạng suy thoái hiện nay được đặt ra trước hết là trong một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp các ngành, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Một khi đã bị suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống thì dù cán bộ lãnh đạo quản lý hay đảng viên, cũng đều có tác hại cho cách mạng và dân sinh. Nhưng suy thoái ở cán bộ lãnh đạo, quản lý nhất là cán bộ cấp cao thì tác hại đó gấp nhiều lần so với cán bộ, đảng viên thường. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cùng với tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền trong một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành đó mới là nguyên nhân chủ yếu làm giảm sút lòng tin của nhân dân, đảng viên đối với Đảng và Nhà nước. Cán bộ trung ương, địa phương, cơ sở đều quan trọng, song quan trọng nhất là cấp trung ương - cấp chiến lược, cấp hoạch định đường lối, chính sách cho cả nước - cấp quản lý vĩ mô. Đường lối, chính sách có tác động trực tiếp đối với sự nghiệp cách mạng, đối với sự phát triển của đất nước và đời sống nhân dân.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) lần này đặt quyết tâm là phải tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống suy thoái trước hết bằng biện pháp tự phê bình và phê bình, kiểm điểm để sửa chữa sai lầm khuyết điểm. Tự phê bình và phê bình đối với từng người, đặc biệt là đối với những cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao đều phải dựa trên cơ sở nhiệm vụ chính trị được giao, kiểm điểm sâu sắc, đánh giá đúng ưu điểm, tự giác và nghiêm túc nhận ra những khuyết điểm sai lầm đã mắc và mức độ nghiêm trọng đến đâu, từ đó đề ra giải pháp sửa chữa một cách tích cực nhất để lấy lại lòng tin của đảng viên và quần chúng và được quần chúng nhân dân thừa nhận. Nếu giấu giếm sai lầm khuyết điểm là có tội với nhân dân và với Đảng. Một trong ba vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức Đảng, chính quyền với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong Đảng để sửa chữa sai lầm khuyết điểm phải được tiến hành nghiêm túc từ trên xuống, trước hết là từ các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, tiếp đó là các Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp.

Tự phê bình và phê bình sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm phải được sử dụng như một vũ khí sắc bén để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh đẩy lùi bằng được tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành hiện nay, nhằm củng cố lòng tin của đảng viên, quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Nếu để mất lòng tin thì sẽ mất hết.

Để phát huy tốt thẩm quyền, trách nhiệm, trong công tác lãnh đạo, quản lý đòi hỏi người đứng đầu (thủ trưởng) ở các cấp ủy, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải có trình độ và những bản lĩnh cơ bản. Một là, có trình độ chính trị và năng lực chuyên môn cao; phẩm chất, đạo đức cách mạng trong sáng; phong cách làm việc khoa học, lối sống lành mạnh, giản dị. Hai là, người đứng đầu phải biết tôn trọng dân chúng, biết động viên, phát triển và sử dụng sức mạnh, trí sáng tạo của quần chúng nhân dân vào việc thực hiên tốt những công việc do mình được phân công lãnh đạo quản lý. Ba là, người đứng đầu phải rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh lãnh đạo và tinh thần trách nhiệm. Bốn là, người đứng đầu phải được dân tin, dân cậy, dân phục, dân yêu. Năm là, người đứng đầu phải không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của mình trong mọi công việc được giao. Sáu là, người đứng đầu phải có tính kỷ luật cao và nghiêm minh. Bẩy là, người đứng đầu phải có tinh thần gương mẫu trong mọi công việc.

Thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu đòi hỏi phải được thường xuyên rèn luyện để ngày càng được nâng cao, nhằm phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, quản lý của mình và đem lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân.

PGS, TS Cao Duy Hạ

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=52946&menu=1427&style=1