Hơn 29.000 cán bộ quán triệt các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết T.Ư

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Thành ủy Hà Nội kết nối đến 618 điểm cầu quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy; các đoàn thể chính trị - xã hội, sở, ban, ngành TP; các xã, phường, thị trấn với hơn 29.000 người tham gia.

Chiều 9/5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII; Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” toàn TP.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Thành ủy Hà Nội kết nối đến 618 điểm cầu quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ỷ; các đoàn thể chính trị - xã hội, sở, ban, ngành TP; các xã, phường, thị trấn với hơn 29.000 người tham gia.

Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Thành ủy Hà Nội có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng các đồng chí lãnh đạo TP tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.

Đề ra các mục tiêu cụ thể để thực hiện chương trình

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành của TP đã quán triệt các Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII.

Trong đó, Giám đốc Sở KH&CN TP Nguyễn Hồng Sơn trình bày Chương trình hành động số 30-Ctr/TU ngày 8/3/2024 về thực hiện Nghị quyết số 45- NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn tới”. Chương trình đã nêu rõ những giải pháp thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, kế thừa Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Bổ sung, làm rõ hơn nội hàm trí thức về trình độ, phẩm chất đạo đức, cống hiến; về vị trí vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức.

Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Bạch Liên Hương trình bày Chương trình hành động số 32-Ctr/TU ngày 4/4/2024 thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”.

Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu cơ bản như: 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng đang được hưởng trợ cấp hằng tháng được chăm lo toàn diện về cả vật chất và tinh thần; tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội được hưởng trợ cấp xã hội; 70% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội….

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường trình bày Chương trình hành động số 29-Ctr/TU ngày 16/2/2024 thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Trong đó nhấn mạnh, Đảng giữ vai trò quan trọng nhất; MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sáng tạo của Nhân dân.

Tiếp đó, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học trình bày Nghị quyết số 23-NQ/TU và Chỉ thị số 30-CT/TU. Trong đó, Nghị quyết số 23- NQ/TU là cơ sở pháp lý quan trọng để hỗ trợ ngành giáo dục có bước chuyển mạnh mẽ trong thời gian tới. Nghị quyết đề cập tới 3 quan điểm, các mục tiêu và 9 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu nhất là việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể với thực tiễn địa phương, đơn vị… để triển khai thực hiện Nghị quyết. Đối với Chỉ thị số 30-CT/TU đã nhấn mạnh và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đầu tiên là đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, thống nhất hành động đối với nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Khẩn trương xây dựng chương trình hành động

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong hoan nghênh các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị bằng hình thức trực tuyến để học tập, triển khai các chỉ thị, nghị quyết quan trọng của Trung ương và Thành ủy hiệu quả, lan tỏa đến các điểm cầu trên toàn TP.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học trình bày nội dung của Nghị quyết số 23-NQ/TU và Chỉ thị số 30-CT/TU.

Trong đó, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh đến các nội dung trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới” để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Nghị quyết số 45-NQ/TW góp phần tạo lập môi trường mới để thu hút, khuyến khích sự sáng tạo của đội ngũ trí thức đang làm việc trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, làm thế nào để gắn kết, phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức hùng hậu này thì rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng thời, các đơn vị cần tạo môi trường, cơ hội để đội ngũ trí thức cống hiến, làm việc.

Đối với Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 42- NQ/TW, Phó Bí thư Thành ủy cho biết, TP luôn quan tâm đến các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn với mục tiêu hướng đến là mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết của TP Hà Nội đặt cao hơn so với các địa phương nhằm nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng trên.

Đối với Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên, tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình; môi trường giáo dục lành mạnh, môi trường xã hội lành mạnh. Đồng thời, xây dựng và gương mẫu thực hành văn hóa lãnh đạo, quản lý, văn hóa liêm chính; môi trường văn hóa công sở đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, nhân văn…

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.

Từ đó, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm tiếp thu đầy đủ những nội dung quán triệt tại hội nghị này nhằm thống nhất cao về nhận thức và hành động, kịp thời cụ thể hóa, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động tại cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra.

Phó Bí thư Thành ủy đề nghị ngay sau hội nghị, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội khẩn trương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, đề án cụ thể, tổ chức thực hiện các Chương trình, Nghị quyết, Chỉ thị của Thành ủy có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình rõ ràng, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đặc biệt là thấm đến từng người dân.

Trần Long

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hon-29-000-can-bo-quan-triet-cac-chuong-trinh-hanh-dong-thuc-hien-nghi-quyet-t-u.html