Về Kinh Bắc viếng lăng thủy tổ

Cổng lăng Kinh Dương Vương . Ảnh: YÊN LAN

Vùng đất Kinh Bắc có khu lăng mộ và đền thờ được xem là linh thiêng bậc nhất, từng được các vương triều xếp vào hàng lăng mộ, miếu thờ các bậc đế vương; bao thế hệ người dân nối nhau hương khói phụng thờ. Đó là khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ trong cụm di tích Kinh Dương Vương ở làng Á Lữ bên bờ sông Đuống.

Một ngày nắng dịu, các đồng nghiệp ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh đưa chúng tôi viếng lăng và đền thờ Kinh Dương Vương. Đi qua cổng lăng cao vút, qua khoảng sân rợp bóng cổ thụ, chúng tôi kính cẩn dâng hương trước mộ thủy tổ Kinh Dương Vương, sau đó tham quan nhà Văn chỉ, Võ chỉ ở hai bên.

Khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ là biểu tượng độc đáo của nguồn cội dân tộc Việt Nam. Tại đây lưu giữ thần phả và 15 đạo sắc phong của các vua nhà Nguyễn. Nhiều bức hoành phi, câu đối cổ rất có giá trị về lịch sử văn hóa vẫn còn được lưu giữ ở đây.

Theo truyền thuyết, Kinh Dương Vương là cháu của Viêm Đế, họ Thần Nông. Viêm Đế có con tên là Đế Minh; con trai đầu của Đế Minh tên là Đế Nghi. Trong một lần tuần du phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh, Đế Minh gặp Vụ Tiên và đem lòng yêu thương, sinh ra Lộc Tục.

Tương truyền rằng người con trai thứ hai của Đế Minh - Lộc Tục là bậc thánh trí, sức khỏe phi thường, tài đức hơn người. Đế Minh muốn phong con thứ làm vua nhưng Lộc Tục có ý nhường ngôi cho anh. Đế Minh bèn lấy sông Dương Tử làm ranh giới để phân chia lãnh thổ, lập Đế Nghi làm vua cai quản phương Bắc, phong Lộc Tục làm vua cai quản phương Nam. Lộc Tục lên ngôi, xưng Kinh Dương Vương vào năm 2879 trước công nguyên, lập nước Xích Quỷ. Xích Quỷ là tên một vì sao có sắc đỏ rực rỡ nhất trong nhị thập bát tú, và được xem là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam vào đầu thời Hồng Bàng.

Kinh Dương Vương định đô ở Ngàn Hống (núi Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), sau đó về đóng nghị sở tại Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Vua lấy Thần Long - con gái Động Đình quân, sinh ra Sùng Lãm. (Đền thờ Thần Long là Đền Tiên ở phường Tiên Cát, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Sùng Lãm nối ngôi, xưng Lạc Long Quân. Nhà vua kết tóc xe duyên với Âu Cơ, con gái Đế Lai. Sau này, Lạc Long Quân phong con trưởng làm vua, đó chính là Hùng Vương. 18 đời vua Hùng nối dõi cai quản đất nước, đến Hùng Duệ Vương là đời cuối cùng. Vua Hùng dời đô về Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay.

Kinh Dương Vương tạ thế vào ngày 18 tháng Giêng tại trang Phúc Khang (nay thuộc làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và yên nghỉ ở đây. Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương đã được các vương triều xếp vào hàng lăng mộ, miếu thờ các đế vương. Người dân Kinh Bắc tin rằng đây là lăng mộ linh thiêng bậc nhất.

“Kinh Dương Vương được thờ ở nhiều nơi trong nước nhưng duy nhất nơi đây có lăng và đền thờ tam vị thánh tổ: Kinh Dương Vương - vua cha, Lạc Long Quân - con trai và hoàng hậu Âu Cơ - con dâu”, cụ Biện Xuân Phẩm, từ đền tự hào cho biết.

Phía đông lăng Kinh Dương Vương có Đông Linh Bát Nhã tự. Ngôi chùa thờ Phật, song trong đó còn có tam tòa thánh tổ thờ ba thế hệ đức thánh mẫu: Vụ Tiên - vợ Đế Minh, người sinh ra Kinh Dương Vương; Thần Long - vợ của Kinh Dương Vương và Âu Cơ - vợ Lạc Long Quân.

Qua bao triều đại, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ được tôn tạo rất nhiều lần. Dấu ấn đặc biệt quan trọng là vào năm 1840, vua Minh Mạng cho trùng tu đền thờ, lăng mộ thủy tổ, khắc bốn chữ “Kinh Dương Vương lăng” vào bia đá để tỏ lòng tôn kính.

Năm 1993, khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương được Bộ VH-TT công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2013, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt kinh phí gần 500 tỉ đồng để tu bổ, tôn tạo và xây dựng nhiều hạng mục trong khu di tích.

Lễ hội truyền thống tưởng nhớ thủy tổ được người Kinh Bắc tổ chức tại Á Lữ vào trung tuần tháng Giêng hàng năm, là một nét đẹp văn hóa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/230123/ve-kinh-bac-vieng-lang-thuy-to.html