Vấn đề của kinh tế, chính trị và xã hội

TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho hay: “Ở Việt Nam, chính sách thu nhập không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội và chính trị”.

TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

- Việc xây dựng một khuôn khổ chung cho chính sách vĩ mô của Việt Nam trong trung và dài hạn phải rất thận trọng và cần được nhìn nhận ở 4 vấn đề.

Thứ nhất, phải hiểu cho đúng đặc trưng của nền kinh tế. Đặc trưng nền kinh tế Việt Nam có điểm riêng: Mất cân đối vĩ mô và rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính rất cao.

Thứ hai, vấn đề lý luận và khái niệm phải được nhìn nhận lại. Các thị trường trọng yếu tại Việt Nam đang hết sức méo mó, đó là thị trường đất đai, thị trường lao động và thị trường tài chính.

Thứ ba, lựa chọn một số vấn đề then chốt. Chi phí giao dịch và chi phí kinh doanh ở Việt Nam rất cao do tắc nghẽn kết cấu hạ tầng, do quan liêu, tham nhũng...

Thứ tư, liên quan đến bối cảnh nền kinh tế VN hiện nay. VN vẫn là nền kinh tế chuyển đổi, tư duy còn rơi rớt, giằng xé giữa cái cũ và cái mới, thể biểu hiện ở khu vực DNNN, đầu tư công, thể chế...

Ngoài ra, Việt Nam là một nền kinh tế hội nhập. Hội nhập không chỉ là cam kết mà còn phải ứng phó với sự trung chuyển hàng hóa và dịch vụ vốn với các cú sốc, với các bất định...

* Chính sách thu nhập, vấn đề mà cách đây 10 năm ông từng khẳng định là rất quan trọng, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chính sách ấy sẽ ảnh hướng thế nào đến chính sách tiền tệ?

- Có 4 chính sách cơ bản trong kinh tế vĩ mô của Việt Nam: Tiền tệ, tài khóa, quy hoạch và thu nhập. Nói đến chính sách thu nhập, người ta nghĩ về 3 mảng.

Mảng đầu tiên, liên quan đến tiền lương trích từ nguồn ngân sách (bộ máy công chức) và tác động của thay đổi tiền lương đối với toàn bộ nền kinh tế.

Mảng thứ hai, liên quan đến thị trường lao động như vấn đề lương tối thiểu, bảo hiểm cho người lao động. Mảng thứ ba, liên quan đến công bằng mà ở đây là chính sách thuế (ví dụ, thuế thu nhập cá nhân), công bằng giữa việc tạo động lực cho người ta làm ăn với việc dàn đều thu nhập ấy.

Đặc biệt, nó liên quan đến cách thức hỗ trợ của Nhà nước đối với những người thu nhập thấp và người nghèo.

Trong hệ thống công chức ở các nước đang phát triển, vấn đề quan liêu, tham nhũng rất lớn, ảnh hưởng mạnh đến lòng tin của xã hội, của thị trường, của các dòng vốn.

Ở Việt Nam, câu chuyện thu nhập còn lớn hơn nữa, bởi nó liên quan đến vấn đề minh bạch, đến câu chuyện làm sao cho xã hội không chỉ công bằng về thu nhập mà còn công bằng cả về lòng tin, về vấn đề nợ.

* Vậy, ông nhận xét thế nào việc xử lý chính sách vĩ mô gần đây ?

- Năm 2012 đòi hỏi nghệ thuật điều hành chính sách vĩ mô, tiền tệ, tài khóa, chi tiêu công hết sức chặt chẽ. Nếu chúng ta nới lỏng chỉ để tháo gỡ khó khăn, có thể “vỡ trận”, lạm phát lại tăng cao, rủi ro càng cao hơn và việc tái cấu trúc lĩnh vực tài chính ngân hàng trở nên khó khăn gấp bội.

Nhưng nếu chúng ta thắt chặt quá, kinh tế vốn đã khó khăn rồi, nhiều khu vực đình trệ rồi mà vẫn tiếp tục “bóp nghẹt”, sẽ có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản so với năm 2011. Đây là thời điểm mà việc xử lý chính sách vĩ mô vô cùng khó khăn.

Cùng với việc chúng ta cố gắng giải quyết vấn đề thanh khoản, xử lý một số ngân hàng yếu, để có thể đưa lãi suất tiếp tục xuống mức thấp hơn, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,16% đã giúp lạm phát quý I/2012 chỉ tăng 2,55%.

Lạm phát tính theo năm nhiều khả năng sẽ còn giảm xuống dưới 13%. Chúng ta đang cố gắng làm, nhưng kết quả thế nào thì vẫn phải chờ xem!

* Cảm ơn ông!

Nguồn DNSG: http://doanhnhansaigon.vn/online/dien-dan-doanh-nhan/thoi-su/2012/04/1063379/van-de-cua-kinh-te-chinh-tri-va-xa-hoi/