Kinh tế Mỹ giảm tốc, nỗi lo lạm phát được 'khơi' lại

Kinh tế Mỹ tăng chậm hơn kỳ vọng trong quí đầu năm, trong khi, giá cả tiêu dùng tăng tốc. Dữ liệu mới nhất làm giảm kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ 'hạ cánh mềm' với tăng trưởng không sụp đổ và lạm phát được kiểm soát.

GDP quí 1 của Mỹ tăng trưởng trên cơ sở hàng năm 1,6% đánh dấu mức tăng yếu nhất kể từ quí 2-2022. Ảnh: ABC News

Tăng trưởng GDP giảm tốc rõ rệt

Hôm 25-4, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, GDP quí 1 của Mỹ tăng trưởng trên cơ sở hàng năm 1,6% sau khi điều chỉnh yếu tố mùa vụ và lạm phát. Tốc độ tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với với mức tăng 2,4% theo dự báo của các nhà kinh tế và đánh dấu mức tăng yếu nhất kể từ quí 2-2022

Chi tiêu của người tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế, tăng 2,5%, giảm so với mức tăng 3,3% trong quí 4 và thấp hơn mức 3% như dự kiến của các nhà kinh tế.

Đầu tư cố định và chi tiêu của các tiểu bang và các chính quyền địa phương góp phần giúp GDP tăng trưởng dương trong quí 1. Trong khi đó, sự suy giảm trong chi tiêu cho hàng tồn kho ở khu vực tư nhân và nhập khẩu tăng kìm hãm tăng trưởng GDP.

Ngoài ra, nền kinh tế cũng đón nhận tin xấu về lạm phát. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một biến số lạm phát quan trọng đối với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng với tốc độ 3,4% hàng năm trong quí 1. Đây là mức tăng lớn nhất trong một năm của chỉ số này và tăng từ mức 1,8% trong quí 4-2023. Chỉ số PCE cốt lõi, không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng đã tăng 3,7% trong quí vừa qua. Mức tăng của hai chỉ số lạm phát nói trên đều cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed. Các quan chức Fed có xu hướng tập trung theo dõi lạm phát cơ bản như một chỉ báo mạnh mẽ hơn về xu hướng giá cả trong dài hạn.

Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân (số phần trăm thu nhập khả dụng được tiết kiệm) ở Mỹ giảm tốc trong quí đầu tiên, xuống còn 3,6% từ mức 4% trong quí 4. Thu nhập của người lao động được điều chỉnh sau thuế và lạm phát tăng 1,1% so với cùng kỳ, chậm lại so với mức 2% của quí trước. Mô hình chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ cũng thay đổi trong quí vừa qua. Chi tiêu cho hàng hóa giảm 0,4%, phần lớn là do mức giảm 1,2% trong chi tiêu cho hàng hàng hóa lâu bền. Chi tiêu dịch vụ tăng 4%, mức cao nhất hàng quí kể từ quí 3- 2021.

Thị trường lao động mạnh mẽ của Mỹ đã hỗ trợ nền kinh tế. Báo cáo hôm 25-4 của Bộ Lao động Mỹ, cho thấy, tổng lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu là 207.000 trong tuần kết thúc vào 20-4, giảm 5.000 so với tuần trước đó và dưới mức ước tính 215.000.

Thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh sau khi dữ liệu trên được công bố. Kết thúc phiên giao dịch hôm 25-4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 375 điểm, tương đương 0,98% còn chỉ số S&P 500 giảm 0,46%.

Triển vọng Fed giảm lãi suất trở nên xa vời

“Đây là báo cáo tồi tệ nhất ở cả hai khía cạnh về tốc độ tăng trưởng và lạm phát. Chúng ta gần như đã tiến khả năng nhà đầu tư rút lại kỳ vọng về tất cả đợt giảm lãi suất trong năm nay. Báo cáo này buộc Chủ tịch Fed Jerome Powell phải duy trì lập trường thắt chặt tiền tệ trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) vào tuần tới”, David Donabedian, giám đốc đầu tư của CIBC Private Wealth US bình luận.

Olu Sonola, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh Mỹ của Fitch Ratings cảnh báo, nếu tăng trưởng của Mỹ tiếp tục giảm tốc, nhưng lạm phát lại tăng mạnh thì kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2024 “đang bắt đầu ngày càng trở nên xa tầm tay”.

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra trong bối cảnh thị trường đang lo lắng về tình trạng chính sách tiền tệ và thời điểm Fed bắt đầu nới lỏng. Lãi suất qua đêm của Fed đang ở biên độ 5,25-5,5%, mức cao nhất trong 23 năm.

Trước hôm 25-4, trên thị trường lãi suất tương lai của CME Group, nhà đầu tư đặt cược Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 và có thể chỉ cắt giảm 1 hoặc 2 đợt trong năm nay. Theo CME Group, các nhà đầu tư hiện chỉ kỳ vọng Fed tiến hành 1 đợt giảm lãi suất duy nhất trong năm 2024.

Kevin Burgett, nhà phân tích của Công ty tư vấn vĩ mô và chính sách tiền tệ LH Meyer, dự đoán giờ đây, Fed có thể sẽ chỉ thực hiện 1 đợt giảm lãi suất vào tháng 12.

“Nền kinh tế Mỹ có thể sẽ giảm tốc hơn nữa trong những quí tiếp theo vì người tiêu dùng có thể chấm dứt thời kỳ chi tiêu thoải mái. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đang giảm do lạm phát gây áp lực lớn hơn lên người tiêu dùng. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt trong thời gian còn lại của năm nay do tổng cầu chậm lại, dù con đường đạt được mục tiêu 2% của Fed vẫn còn rất xa”, Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại LPL Financial nói.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hôm 25-4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, dù chỉ số GDP quí đầu tiên yếu hơn dự kiến nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn đang hoạt động tốt và lạm phát đang trên đường hướng tới mức bình thường hơn.

“Nền kinh tế rõ ràng đang hoạt động rất tốt, và chắc chắn không quá nóng. Thị trường lao động của Mỹ đang mạnh mẽ nhất trong 50 năm qua”, bà nói.

Theo CNBC, Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kinh-te-my-giam-toc-noi-lo-lam-phat-duoc-khoi-lai/