Trao cơ hội trồng rừng bền vững cho hợp tác xã

Nhiều năm hợp tác với Cơ quan Nông nghiệp Phần Lan về phát triển lương thực và lâm nghiệp, các HTX có rừng, thành viên HTX trồng rừng sản xuất của tỉnh được chuyển giao kỹ thuật, nâng cao nhận thức về phát triển lâm nghiệp bền vững.

Thành viên HTX được nâng cao kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: MINH DUYÊN

HTX thay đổi

Từ năm 2017 đến nay, Liên minh HTX tỉnh hợp tác với Cơ quan Nông nghiệp Phần Lan về phát triển lương thực và lâm nghiệp (gọi tắt là FFD) triển khai 2 dự án là Dự án VIE6566 - hỗ trợ các hộ trồng rừng quy mô nhỏ hướng tới chứng chỉ rừng tại Việt Nam (2017-2020) và Dự án VIE8701- Hướng tới phục hồi nền lâm nghiệp quy mô nhỏ tại Việt Nam (từ tháng 1/2023). Ba HTX của tỉnh tham gia dự án đã có những thay đổi cơ bản trong nhận thức về trồng rừng bền vững, đó là HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú (huyện Tây Hòa) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa).

Từ trồng rừng “3 không” là không máy móc, không theo quy trình, không chứng chỉ, nay các HTX này bắt đầu hình thành chuỗi liên kết lâm nghiệp bằng kỹ thuật và máy móc hiện đại. Ông Phùng Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây, cho biết: Trước đây, bà con trồng rừng theo kiểu không thay giống cây mới mà chờ cây con lớn lên thay thế, khai thác phụ thuộc vào kinh tế gia đình, không chờ cây đủ tuổi… nên phần lớn gỗ bán non, giá thấp.

Đến khi tham gia dự án của FFD, thành viên HTX biết làm vườn ươm tạo giống cây mới khỏe mạnh, biết cách tỉa thưa cho cây phát triển tốt, làm đài quan sát cảnh báo cháy, biết sử dụng bảo hộ lao động, máy cưa và xe tải vào khai thác… Đặc biệt, từ chỗ không có nhu cầu làm chứng chỉ rừng, nay các thành viên tình nguyện đăng ký với diện tích hơn 325ha.

HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú sau nhiều năm quản lý gần 200ha rừng sản xuất không có chứng chỉ, đến nay hơn 103ha với 29 hộ đăng ký. Sự thay đổi nhận thức này xuất phát từ việc thành viên thấy được hiệu quả của trồng rừng lâu năm khi tham gia dự án của FFD. Theo ông Võ Văn Dị, Giám đốc HTX này, tuân thủ theo hướng dẫn của các chuyên gia, các hộ trồng rừng thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật về trồng, chăm sóc và an toàn lao động khi khai thác. Đặc biệt, bà con thay đổi thói quen khai thác gỗ từ 3-4 năm lên 5-7 năm. “Trồng dài hơn 2 năm nhưng hiệu quả kinh tế tăng gấp đôi. Cụ thể, gỗ keo từ 60 triệu đồng/ha tăng lên từ 120-140 triệu đồng/ha. Để bà con có tiền trang trải sinh hoạt khi chờ gỗ đủ tuổi, HTX hỗ trợ vốn ưu đãi”, ông Dị nói.

Theo Liên minh HTX tỉnh, với Dự án VIE6566, các HTX này được hỗ trợ khoảng 3,8 tỉ đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị và học tập quy trình trồng rừng. Với Dự án VIE8701, các HTX được tập huấn về kỹ thuật lâm sinh, an toàn lao động, sử dụng lao động và cam kết sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ sinh thái môi trường rừng trồng…; được hoàn tất hồ sơ cấp chứng chỉ rừng thời gian tới. Hiện 134 hộ trồng rừng của 3 HTX đã đăng ký cấp chứng chỉ rừng FSC trên tổng diện tích hơn 678ha.

Nhiều lợi ích thấy rõ

Ông Đào Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Hòa cho biết: Trồng rừng tự phát trong hộ dân tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng và mất cân bằng sinh thái toàn bộ khu rừng trồng do không có sự thống nhất về giống cây, thời gian thu hoạch gỗ cũng như kế hoạch phát dọn thực bì. Việc FFD hướng dẫn từ khâu ươm giống đến cách tỉa thưa, bón phân và phòng chống cháy rừng… cho các hộ trồng rừng đơn lẻ, quy mô nhỏ là rất thiết thực. Điều này vừa góp phần nâng cao kỹ thuật trồng rừng cho bà con vừa cải thiện ý thức bảo vệ rừng.

Thông qua việc tuân thủ các nguyên tắc, các quy định của chứng chỉ rừng được cấp, sẽ thay đổi thói quen từ trồng rừng theo phương pháp cũ không phù hợp chuyển thành trồng rừng bền vững. Đó là quản lý, kiểm soát hoạt động trồng rừng theo lộ trình; chăm sóc và khai thác rừng phù hợp với môi trường, mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư; đạt hiệu quả kinh tế cao nhất bằng việc nâng cao giá trị thương hiệu gỗ từ chứng chỉ rừng.

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh

Ông Võ Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Định Tây chia sẻ: Từ trước tới nay chỉ có các công ty có diện tích trồng rừng lớn mới làm chứng chỉ rừng, còn các hộ dân có diện tích rừng trồng nhỏ nằm rải rác chưa bao giờ nghĩ tới việc này. Vì vậy, các hộ trồng rừng nhỏ lẻ thiệt thòi về giá khi bán gỗ và không có cơ hội được đầu tư. Lần đầu tiên các hộ này có cơ hội được cấp chứng chỉ rừng thông qua các dự án của FFD. Từ đây tạo điều kiện tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ trồng rừng.

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Theo kế hoạch, dự kiến đến giữa năm 2024, việc cấp chứng chỉ rừng cho các HTX sẽ hoàn tất, cũng là thời điểm mà Dự án VIE8701 kết thúc. Hợp tác với FFD, Liên minh HTX tỉnh mong muốn hình thành chuỗi liên kết lâm nghiệp gắn với HTX. 6 năm qua, các HTX học được cách làm chủ khâu trồng, khai thác. Để tiếp tục đạt yêu cầu khâu chế biến và tiêu thụ, các HTX cần hoàn tất chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/316082/trao-co-hoi-trong-rung-ben-vung-cho-hop-tac-xa.html