Ukraine cải tiến bệ phóng Liên Xô để phóng tên lửa RIM-7 của Mỹ?

Trước tình trạng thiếu đạn tên lửa, Mỹ và Ukraine đã cải tiến bệ phóng tên lửa Buk-M1 của Liên Xô, hiện có trong biên chế Quân đội Ukraine, để phóng được đạn tên lửa RIM-7 của Mỹ.

Trang web Bulgarian Military, dẫn thông tin từ kênh “Radio NV" cho biết, Ukraine đã cải tiến hệ thống phòng không Buk-M1 của họ, để có thể phóng tên lửa RIM-7 của Mỹ. Sự thay đổi này đã được người phát ngôn Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine, Đại tá Yury Ignat xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với Radio NV.

Ông Ignat tiết lộ rằng, những hệ thống phòng không của Liên Xô được sửa đổi như vậy, có thể phóng được tên lửa phòng không của Mỹ và đã trải qua quá trình thử nghiệm thành công tại một cơ sở huấn luyện của Mỹ.

“Chúng tôi đã nhận được phản hồi tích cực từ các đối tác phương Tây, về hiệu suất của hệ thống phòng không Buk-M1, được sửa đổi để có thể phóng tên lửa Mỹ”. Ông Ignat cũng cho biết, việc sửa đổi giúp tăng cường khả năng phòng không của Ukraine, khi các hệ thống phòng không của Liên Xô mà Ukraine hiện sở hữu, đã hết đạn.

Ông Ignat giải thích thêm rằng, các bệ phóng tên lửa Buk-M1 của Ukraine do Liên Xô sản xuất, đã được điều chỉnh để sử dụng tên lửa RIM-7 Sea Sparrow. Ông Ignat cho biết: “Tên lửa Sea Sparrow, mặc dù có tầm bắn hạn chế, nhưng sẽ giúp Ukraine bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Đáng chú ý là ông Ignat chỉ ra rằng, hiện trên thế giới chỉ có Nga sản xuất tên lửa phòng không phù hợp với hệ thống Buk-M1 và S-300. Vì vậy, Ukraine phải tìm kiếm những cách thức sáng tạo, để kết hợp công nghệ của Liên Xô và Mỹ.

Ông Ignat cũng nhấn mạnh, Ukraine sẽ trang bị một số lượng đáng kể cả hệ thống phòng không Buk và HAWK, bất chấp sự lạc hậu của chúng. Những cải tiến như trên cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn ở Ukraine.

Các thông tin trước đó từ truyền thông Mỹ, đã tiết lộ nỗ lực hợp tác giữa các kỹ sư Mỹ và Ukraine. Kết quả của các giải pháp kỹ thuật đột phá cho phép hệ thống phòng không Buk-M1 của Liên Xô có thể sử dụng tên lửa RIM-7 của Mỹ.

Ngoài ra, tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9M Sidewinder hiện cũng đã được sửa đổi, để sử dụng với các hệ thống phòng không khác của Liên Xô. Cách tiếp cận sáng tạo này, thường được giới truyền thông gọi là FrankenSAM.

Trong quá trình phát triển thiết bị thích ứng này, radar và các thành phần khác đã được các đồng minh của Mỹ và “bạn bè” của Ukraine cung cấp một cách “hào phóng”. Tên lửa RIM-7 Sea Sparrow không phải là vũ khí mới, mà chúng là một phần của các gói viện trợ quân sự trước đây, chủ yếu từ Mỹ và Bỉ.

Những chuyên gia Mỹ tham gia chương trình FrankenSAM đều kỳ vọng rằng, những hệ thống phòng không được cải tiến như vậy, sẽ nâng cao đáng kể khả năng phòng thủ của Ukraine, khi hiện nay kho tên lửa phòng không cũ của Mỹ và một số nước còn tương đối “dồi dào”.

Dự đoán này xuất hiện vào thời điểm một làn sóng tấn công tên lửa mới của Nga vào cơ sở hạ tầng của Ukraine “sắp xuất hiện”; Nga có khả năng sử dụng rộng rãi UAV tự sát tấn công. Trong khi đó, hệ thống vũ khí phòng không của Ukraine đã cạn kiệt.

Loại tên lửa RIM-7 Sea Sparrow (Chim sẻ biển) được Mỹ lựa chọn để sử dụng trên các bệ phóng tên lửa Buk-M1 là loại tên lửa hải đối không, nằm trong hệ thống phòng thủ tầm ngắn của hải quân Mỹ, được trang bị cho các tàu chiến; có nhiệm vụ đánh chặn tên lửa và máy bay chống hạm.

Tên lửa RIM-7 Sea Sparrow được trang bị cho hải quân Mỹ từ đầu những năm 1960, được phát triển từ tên lửa không đối không AIM-7 Sparrow. Thực chất là loại tên lửa phòng không tầm ngắn, làm nhiệm vụ phòng thủ điểm.

Khi đó, vũ khí phòng không trên các tàu hải quân Mỹ đều là pháo phòng không, do vậy tên lửa RIM-7 Sea Sparrow nhằm thay thế pháo phòng không lúc này đã lạc hậu càng nhanh càng tốt. Phiên bản ban đầu của nó khá đơn giản, được điều khiển bằng sóng radar, nhưng ngắm thủ công.

Sau khi đưa vào biên chế, tên lửa Sea Sparrow đã trải qua những cải tiến đáng chú ý để trở thành một hệ thống tên lửa phòng không hoàn toàn tự động, tương tự như tên lửa RIM-2 Terrier của Hải quân Mỹ.

Những cải tiến đồng thời được thực hiện đối với Sparrow để nâng cao hiệu quả của nhiệm vụ không đối không cũng được phản ánh qua những nâng cấp tương ứng đối với Sea Sparrow trong suốt những năm 70 và 80. Khi vũ khí không đối không chuyển sang loại AIM-120, Sea Sparrow cũng đã được nâng cấp sâu, nhằm nâng cao khả năng đánh chặn.

Tên lửa Sea Sparrow ngày nay có thể giống tên lửa AIM-7 về hình dáng, nhưng thực chất lớn hơn, tốc độ nhanh hơn và được trang bị đầu tìm kiếm mục tiêu mới và khả năng phóng từ những ống phóng thẳng đứng (VLS) Mk 41, trên các tàu chiến hiện đại của hải quân Mỹ.

Mặc dù đã đưa vào biên chế chiến đấu nửa thế kỷ, nhưng đến thời điểm hiện tại, tên lửa Sea Sparrow vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong thế trận phòng không đa tầng của hải quân Mỹ; đặc biệt hiệu quả đánh chặn với tên lửa hành trình tầm ngắn/trung bình của đối phương.

Về đặc tính kỹ chiến thuật, tên lửa RIM-7 Sea Sparrow có khối lượng khoảng 510 kg, chiều dài khoảng 3,65 mét, thân tên lửa nó có dạng hình trụ với đường kính khoảng 203 mm. Tên lửa được đẩy bằng động cơ nhiên liệu rắn, cung cấp lực đẩy cho suốt hành trình bay của tên lửa.

Đầu đạn của tên lửa RIM-7 Sea Sparrow là loại nổ phá phân mảnh cao, được thiết kế để tấn công và tiêu diệt các mục tiêu trên không. Tầm bắn hiệu quả tối đa của tên lửa là khoảng 27 km, cho phép nó tấn công các mục tiêu ở khoảng cách trung bình đến xa.

Tiến Minh (theo Bulgarian Military)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/ukraine-cai-tien-be-phong-lien-xo-de-phong-ten-lua-rim-7-cua-my-1921858.html