Tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh

Những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các đơn vị quản lý giáo dục. Sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, chuyên gia trong tư vấn, hướng nghiệp đã giúp các em chọn nghề phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Ông Vũ Việt Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, Phòng đã tham mưu cho ngành phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh, việc đào tạo hướng tới nhu cầu xã hội, các doanh nghiệp. Tham mưu việc liên kết giữa các trường trung cấp, cao đẳng với các trung tâm giáo dục thường xuyên để thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Trường PTDT nội trú THCS&THPT Bắc Yên phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch phát triển giáo dục hàng năm của các cơ sở giáo dục. Phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông, như: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thi tìm hiểu về nghề nghiệp học sinh quan tâm; hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà tuyển dụng...

Các trung tâm GDTX hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động, mô tả ngành, nghề và thông tin tuyển dụng, dự báo nhu cầu nhân lực. Liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp dạy văn hóa và đào tạo nghề. Trong đó, các trung tâm GDTX phụ trách dạy văn hóa cho học sinh theo chương trình GDTX cấp THPT, các trường chuyên nghiệp, trường nghề, trung tâm dạy nghề thực hiện đào tạo nghề cho học viên.

Hiện nay, tỉnh ta có 174 trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Việc giảng dạy các tiết giáo dục hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 được thực hiện theo 9 chủ đề; cấp THPT thực hiện 25 chủ đề ở cả 3 khối lớp (lớp 10 có 9 chủ đề; lớp 11 và 12, mỗi khối lớp có 8 chủ đề). Có trên 4.800 học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Hằng năm, các trường THPT, trung tâm GDTX, tổ chức dạy nghề phổ thông cho từ 98% - 100% học sinh lớp 8 và lớp 11. Sở Giáo dục và Đào tạo cấp chứng chỉ nghề phổ thông cho học sinh có nhu cầu thi và cấp chứng chỉ nghề. 100% các trường thành lập ban tư vấn tuyển sinh, thường xuyên cập nhật thông tin về công tác tuyển sinh, hướng nghiệp trên trang website của nhà trường. Nhiều trường THCS, THPT phối hợp với các trường chuyên nghiệp, trường nghề, các công ty tuyển dụng lao động tổ chức hội nghị tư vấn, tuyên truyền, tạo điều kiện để học sinh vừa học văn hóa, vừa học nghề.

Tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, việc tư vấn, hướng nghiệp học sinh được nhà trường thực hiện ngay từ đầu cấp để các em sớm có định hướng và đầu tư những môn học theo các ngành đã chọn. Nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm lồng ghép các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh vào các tiết sinh hoạt; khảo sát đối với học sinh các khối lớp, trên cơ sở kết quả học tập của học sinh, trường sẽ tư vấn để các em lựa chọn ngành, nghề phù hợp.

Cô giáo Hoàng Thị Ngọc, Bí thư Đoàn Trường, cho biết: Năm 2023, nhà trường đã phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức Ngày hội “Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số”. Tại Ngày hội, đã hướng dẫn kỹ năng lựa chọn nghề, chọn trường. Ngoài ra, các em tham gia thuyết trình, vẽ sơ đồ tư duy định hướng nghề theo công nghệ 4.0.

Hiện nay, Trung tâm GDTX huyện Sông Mã có 18 lớp, với hơn 900 học viên tham gia chương trình GDTX cấp THPT. Ngoài được học 8 môn văn hóa cơ bản theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường còn ký hợp đồng với các trường: Cao đẳng Sơn La, Cao đẳng công nghệ kinh tế và thủy sản (Hải Phòng), Trung cấp quốc tế Hà Nội, Trung cấp kỹ thuật đa ngành Hà Nội dạy nghề điện nước, tin học ứng dụng, nuôi trồng thủy sản, chăm sóc sắc đẹp, kỹ thuật chế biến món ăn... giúp các em chọn học nghề phù hợp với bản thân.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Đảm bảo song song việc học văn hóa và học nghề, Trung tâm đã bố trí thời gian hợp lý để các em tiếp thu được những kiến thức cơ bản. Toàn bộ việc học nghề của học sinh do các giảng viên trường nghề đảm nhiệm. Thời gian biểu từ thứ 2 đến chiều thứ 5 học văn hóa và cả ngày thứ 6, thứ 7 học nghề, giúp các em tiếp thu được đồng thời kiến thức văn hóa và học nghề.

Nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho thanh, thiếu niên từ 14 đến 18 tuổi trong và ngoài trường học. Phấn đấu đến năm 2025, có 80% số trường phổ thông cấp THCS, THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 35% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 45% số học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.

Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/tuyen-truyen-giao-duc-huong-nghiep-cho-hoc-sinh-IhxiwFKIR.html