Tuyên ngôn Độc lập - Bản hùng ca thời đại!

Được đánh giá là áng thiên cổ hùng văn của thời đại mới, Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc trước hàng chục vạn đồng bào tại vườn hoa Ba Đình...

Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu

(baophutho.vn) - Được đánh giá là áng thiên cổ hùng văn của thời đại mới, Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc trước hàng chục vạn đồng bào tại vườn hoa Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945 thường xuyên bị bọn phản động, vong nô phản quốc tìm cách xuyên tạc, nói xấu nhằm gieo rắc hoài nghi, hạ bệ những biểu tượng thiêng liêng của cách mạng dân tộc. Tất nhiên, như trứng chọi đá, vấp phải tác phẩm bất hủ kết tinh từ truyền thống văn hiến, anh dũng xuyên suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc cộng với sự đúc kết tinh hoa văn hóa của nhân loại, cùng kiến thức uyên thâm, lập luận sắc bén của thiên tài Hồ Chí Minh thì mọi mưu đồ chống phá dù thâm hiểm đến đâu cũng trở nên vô nghĩa.

76 năm trước, ngày 2/9/1945 đã ghi mốc son sáng chói trong lịch sử dân tộc Việt Nam với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Chấm dứt những năm trường nô lệ, áp bức, bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc Việt Nam thể hiện sâu sắc ý chí, khát vọng của nhân dân ta về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, lợi dụng sự phát triển của internet và mạng xã hội, thời gian gần đây, các đối tượng phản động liên tục đưa ra các luận điệu chống phá, xuyên tạc rằng: Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình là sự “sao chép”, “khuôn theo” những tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791;Tuyên ngôn Độc lập không mang giá trị nhân văn…
Thực tiễn lịch sử vào thời điểm đó, xứ Đông Dương nói chung và nước Việt Nam nói riêng gần như chưa có tên trên bản đồ chính trị thế giới. Thậm chí, tại hội nghị giữa các nước thắng trận sau Thế chiến II, Tổng thống Pháp De Gaulle đã yêu cầu các nước coi Việt Nam là vấn đề nội bộ của nước Pháp. Hơn nữa, lúc này, ở Việt Nam có rất nhiều lực lượng can thiệp. Phát xít Nhật đã thua trận, nhưng vẫn chưa bị giải giáp. Trong khi đó dưới danh nghĩa Đồng minh, 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch ở phía Bắc đang rục rịch kéo vào; các hạm tàu của Anh, Mỹ ở phía Nam cũng sẵn sàng cập bến. Thực dân Pháp công khai dã tâm quay trở lại một lần nữa… Thế nên không phải ngẫu nhiên mà thiên tài chính trị, học giả lỗi lạc Hồ Chủ tịch trích lại hai bản tuyên ngôn có ý nghĩa thời đại là Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Đặt trong hoàn cảnh lịch sử, việc trích dẫn trên là lời cảnh tỉnh, răn đe đối với Đế quốc Mỹ và Thực dân Pháp đang âm mưu xâm lược nước ta. Người Pháp và người Mỹ đã tạo được những tiền đề nhân đạo đáng trân trọng. Nếu Pháp và Mỹ sang xâm lược Việt Nam thì đồng nghĩa với việc đi ngược lại với tuyên bố của chính họ, với truyền thống của cha ông, dân tộc của họ. Đây chính là thủ pháp “gậy ông đập lưng ông” rất uyên bác mà tinh tế của Hồ Chí Minh.May mắn có vinh dự được Hồ Chủ tịch mời nghe trước dự thảo Tuyên ngôn Độc lập, Thiếu tá Archimedes L.A.Patti, nguyên là Trưởng đại diện Cơ quan Phục vụ Chiến lược (OSS - Office of Strategic Services - tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương - CIA của Mỹ) ở Côn Minh, Trung Quốc đã nhận ra sự “cố ý” này của Bác khi nhớ lại trong cuốn sách “Why Viet Nam?”: “…Ông Hồ cho gọi một người trẻ tuổi vào để dịch và tôi chăm chú nghe. Trong mấy câu đầu, người phiên dịch đã nói lên một số danh từ rất đỗi quen thuộc và giống lạ lùng như bản Tuyên ngôn của chúng ta. Câu tiếp sau là “Lời tuyên bố bất hủ này đã được nêu lên trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ năm 1776”. Tôi chặn người phiên dịch lại và kinh ngạc quay sang hỏi ông Hồ có thực ông có ý định sử dụng câu đó trong bản tuyên ngôn của ông không... Ông Hồ dựa vào ghế, hai tay úp vào nhau, ngón tay sát vào môi một cách nhẹ nhàng và đang như suy tưởng. Với một nụ cười nhã nhặn, ông hỏi lại tôi một cách dịu dàng: “Tôi không thể dùng câu ấy được à?”. Tôi cảm thấy ngượng ngập và lúng túng. “Tất nhiên”, tôi trả lời, “tại sao lại không?”. Bình tĩnh lại, tôi nói người phiên dịch đọc lại đoạn đó từ đầu một lần nữa. Anh ta đọc: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng..., họ đã được tạo hóa trao cho những quyền không thể nhượng lại được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Cố sức nhớ lại, tôi mới thấy các danh từ đã được chuyển vị và nhận xét là trật tự các chữ “tự do” và “quyền sống” đã bị thay đổi. Ông Hồ nắm ngay lấy và nói “đúng”, không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do”...

Thiếu tá Archimedes L.A.Patti (1913-1998) tác giả cuốn sách “Why Viet Nam?”.Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn ra tư tưởng của hai bản tuyên ngôn nổi tiếng và tiến bộ ở thế kỷ XVIII để làm tăng sức thuyết phục cho những lý lẽ của mình trong Tuyên ngôn. Nhưng đó không những không phải là sự “sao chép”, “khuôn theo” mà còn có sự “vượt trội” và khác biệt rất căn bản về quyền con người gắn liền với quyền dân tộc và khẳng định ý chí của cả dân tộc quyết tâm bảo vệ quyền con người và quyền tự do, độc lập dân tộc. Là dân tộc có truyền thống văn hiến, luôn nêu cao tinh thần nhân văn, nhân đạo, chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình, chúng ta trân trọng giá trị nhân văn, thành quả tiến bộ mà nhân dân Mỹ, nhân dân Pháp giành được trong cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng, tự do, bác ái của các dân tộc, của con người. Song, Thực dân Pháp, đại diện cho quyền lợi của giai cấp tư sản Pháp lúc bấy giờ đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để xâm lược nước ta, áp bức nhân dân ta. Hồ Chí Minh đã làm cho nhân dân thế giới thấy rõ hành động của Thực dân Pháp xâm lược đối với Việt Nam là trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam và lịch sử tư tưởng nhân loại, hiếm có văn kiện chính trị nào lại tích hợp ở đỉnh cao tinh hoa trí tuệ, đồng thời mang giá trị bền vững như bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và công bố vào ngày 2/9/1945. 76 năm qua, đặc biệt là sau hơn 30 năm đất nước thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, mỗi người dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do; ý nghĩa lớn lao và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền của mỗi dân tộc. Đó cũng là khát vọng, mục tiêu, lý tưởng mà mọi dân tộc, quốc gia trên thế giới đều hướng đến. Với những giá trị, ý nghĩa đặc biệt cả về lịch sử và thời đại, Tuyên ngôn Độc lập mãi xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn thời đại mới, biểu tượng ngời sáng của cách mạng Việt Nam mà không có bất cứ thủ đoạn thấp hèn, thâm hiểm nào có thể xuyên tạc, phủ nhận.

Vũ Thanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202109/tuyen-ngon-doc-lap-ban-hung-ca-thoi-dai-179264