'Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc'

Những ngày tháng 5 lịch sử, nhớ đến sinh nhật Bác, trong tim mỗi người dân Việt Nam lại trào dâng một cảm xúc bồi hồi khi hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng thành kính và biết ơn.

Đoàn đại biểu Quân đội chúc thọ lần thứ 60 sinh nhật Người. Ảnh: Tư liệu

Đoàn đại biểu Quân đội chúc thọ lần thứ 60 sinh nhật Người. Ảnh: Tư liệu

Ngày 19.5.1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó trở đi, hằng năm cứ đến dịp 19.5, toàn dân ta lại được sống những giờ phút đặc biệt với lòng kính yêu lãnh tụ vô hạn.

Từ năm 1941 đến 1969, đến sinh nhật, nhận được hàng ngàn bức thư, điện chúc thọ của nhân dân, cán bộ, quân đội trong nước và bạn bè quốc tế, Người đều gửi lời cảm ơn. Ngày 19.5.1941 (từ ngày 10-19.5), Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng. Hội nghị đã xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương.

Ngày 18.5.1946, trên trang nhất Báo Cứu Quốc xuất bản tại Hà Nội có đăng một bài báo đặc biệt với tựa đề: “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”, bài báo đã chính thức thông báo ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 19.5.1890.

Ngày 19.5.1946, lần đầu tiên một hình thức mừng sinh nhật được tổ chức như để biểu thị khối đại đoàn kết của toàn dân, toàn dân đối với vị lãnh tụ của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, tiếp đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam bộ đến chúc thọ, Bác đã chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi và nói chuyện với các đại biểu Nam bộ.

Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói: “Thật ra, các bác ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình”.

Là lãnh tụ tối cao nhưng Bác Hồ không tỏ ra “quan dân lễ cách”, không phân biệt giữa lãnh tụ với dân thường. Hằng năm, cứ đến dịp sinh nhật của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình.

Ở Hà Nội, đúng ngày 19.5, Người thường tìm cách đi một nơi khác để tránh những nghi lễ phiền phức, tốn kém. Vào dịp đó, Bác thường viết thư, gửi điện cảm ơn đồng chí, đồng bào, các cơ quan, đoàn thể trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Người những tình cảm thân thiết, và có những lần Bác làm thơ nói về tuổi tác thay vì những lời cảm tạ.

Mỗi bức thư, mỗi dòng thơ của Bác Hồ, tuy nói về ngày sinh của Người, nhưng lại là tình cảm, trách nhiệm đối với non sông đất nước và đồng bào, là nguyên tắc sống của Bác: “Trung với Đảng, hiếu với dân”, và là đường lối lãnh đạo của Bác đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ở từng thời điểm lịch sử.

Bác Hồ thăm lớp mẫu giáo tại chiến khu Việt Bắc ngày 19.5.1953. Ảnh tư liệu

Bác Hồ thăm lớp mẫu giáo tại chiến khu Việt Bắc ngày 19.5.1953. Ảnh tư liệu

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Cứu Quốc dịp sinh nhật năm 1949, Người nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc”. Bác nhắc: “Mừng sinh nhật tôi, đồng bào cho tôi nhiều hoa, bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”. Bác dặn chuyển những lẵng hoa đẹp, các loại quà mà các nơi gửi đến biếu Bác để tặng các đơn vị bộ đội, công an, thanh niên xung phong, các nhà trẻ.

Lần sinh nhật năm 1969, giữa lúc chiến tranh lan ra cả nước còn đang ác liệt, Thư ký riêng của Bác, ông Vũ Kỳ kể lại: Bác đề nghị không tổ chức sinh nhật vì “Đồng bào ta, nhất là đồng bào miền Nam đang chiến đấu gian lao, hy sinh như thế, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng”.

Bác không đồng ý về việc đưa ngày 19.5 làm ngày kỷ niệm lớn trong năm và yêu cầu “tiền bạc dùng để tuyên truyền ngày sinh của Bác… nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, chớ lãng phí”. Trước lời xin phép của Trung ương, nghĩ đến miền Nam và bạn bè quốc tế, Bác miễn cưỡng đồng ý tổ chức sinh nhật và giục: “Thôi, nếu vậy thì các chú làm thật nhanh cho Bác. Đừng kéo dài, đừng bày vẽ tốn kém. Chỉ cho Bác mấy bông hoa là được rồi. Chỉ 5 bông hồng đỏ thôi”.

Áp-phích tuyên truyền kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Bác.

Áp-phích tuyên truyền kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Bác.

Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, nhận trọng trách do nhân dân tín nhiệm, ủy thác, Người không bao giờ coi mình là lãnh tụ mà chỉ như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trận, suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân. Nhân cách, đạo đức, sự cao thượng ấy làm cho Bác Hồ trở nên cao đẹp, trở thành tấm gương mẫu mực về đạo đức làm người. Mỗi người dân Việt Nam đều chung một tình cảm: Bác Hồ vẫn đang sống cùng non sông, đất nước, vẫn luôn thấy “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” trong tất cả các thời kỳ lịch sử, trong bất cứ thắng lợi nào của đất nước và dân tộc.

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Bác (19.5.1890 - 19.5.2024) là dịp để chúng ta bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc tới Bác Hồ kính yêu. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam báo công với Bác về những thành tích cả nước đạt được và quyết tâm sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, sai lầm để tiếp tục tiến bước trên con đường dựng xây đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời Bác hằng mong muốn.

Hoàng Yến

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/mon-qua-quy-nhat-doi-voi-toi-la-nhung-bao-cao-thanh-tich-thi-dua-ai-quoc-a172986.html